Đẳng cấp ca sĩ - Vẳng tiếng kim tiền

Đời sống âm nhạc năm 2012 vẫn loay hoay trong vòng xoáy scandal. Hầu như không có một sản phẩm âm nhạc nào đủ sức tạo ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng. Các ca sĩ lấp lánh chút hấp dẫn đều phải dựa vào... mức độ phủ sóng trên màn ảnh nhỏ. Tất nhiên, sự gặt hái kia không phải do bài hát của ca sĩ được phát đi phát lại theo yêu cầu của người hâm mộ, mà chính ca sĩ xuất hiện trong các chương trình tương tác để làm... giám khảo. Chính những cuộc thi ca hát như “Vietnam Idol” hay “Giọng hát Việt” đã tạo nên hình ảnh lan tỏa tương đối rộng khắp vào cộng đồng cho Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Trần Lập... Dường như xu hướng hành nghề giám khảo đang được nhiều ca sĩ ưa chuộng. Ngay cả 2 nhân vật có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú là Thanh Lam và Thanh Thúy cũng gây được thiện cảm nhờ ngồi ghế “nóng” cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM.   Dù có thái độ úp mở theo kiểu tạo hiệu ứng tò mò của giới show biz, nhưng thù lao làm giám khảo của các ca sĩ cũng đáng cho nhiều người mơ ước. Tùy vào quy mô

Đời sống âm nhạc năm 2012 vẫn loay hoay trong vòng xoáy scandal. Hầu như không có một sản phẩm âm nhạc nào đủ sức tạo ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng. Các ca sĩ lấp lánh chút hấp dẫn đều phải dựa vào... mức độ phủ sóng trên màn ảnh nhỏ.

Tất nhiên, sự gặt hái kia không phải do bài hát của ca sĩ được phát đi phát lại theo yêu cầu của người hâm mộ, mà chính ca sĩ xuất hiện trong các chương trình tương tác để làm... giám khảo. Chính những cuộc thi ca hát như “Vietnam Idol” hay “Giọng hát Việt” đã tạo nên hình ảnh lan tỏa tương đối rộng khắp vào cộng đồng cho Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Trần Lập...

Dường như xu hướng hành nghề giám khảo đang được nhiều ca sĩ ưa chuộng. Ngay cả 2 nhân vật có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú là Thanh Lam và Thanh Thúy cũng gây được thiện cảm nhờ ngồi ghế “nóng” cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM.

Dù có thái độ úp mở theo kiểu tạo hiệu ứng tò mò của giới show biz, nhưng thù lao làm giám khảo của các ca sĩ cũng đáng cho nhiều người mơ ước. Tùy vào quy mô chương trình, thù lao dành cho mỗi giám khảo có thể từ 100 triệu đồng cho đến nửa tỷ đồng.

Với những chương trình tương tác liên tục xuất hiện trên truyền hình, ca nhạc trở thành lĩnh vực chiếm lĩnh văn hóa đại chúng. Thế nhưng, dù doanh thu cao đến mức nào hoặc gây ra scandal chấn động ra sao, “Vietnam Idol” hay “Giọng hát Việt” cũng không hề phát đi được tín hiệu gì chứng tỏ sự chuyển động đáng mừng của nền âm nhạc nước nhà.

Công nghệ kiến tạo ngôi sao từ sự hò hét của đám đông đang dần manh mún và hỗn loạn. Muốn định hình tên tuổi cho bản thân, ca sĩ đành dốc túi đầu tư bạc tỷ vào các dự án có vẻ hoành tráng về bề nổi.

Cơn suy thoái tác động trực tiếp lên mọi mặt xã hội. Bây giờ muốn làm live show không dễ tìm kiếm được nhà tài trợ. Đã có vị trí như Thanh Thảo hay Cẩm Ly làm live show cũng chỉ dám nắc nỏm “tri ân khán giả” chứ thực chất cầm chắc lỗ vốn trong tay. Câu chuyện bỏ tiền tỷ thu tiền triệu khiến những phát ngôn thánh thót nhất của giới ca sĩ luôn rơi vào hoàn cảnh “bên ngoài cười nụ bên trong khóc thầm”.

Thời công chúng hồn nhiên thưởng thức nghệ thuật đã chấm dứt, nếu không nghĩ ra chiêu trò để chiều chuộng giới hâm mộ thì ca sĩ sẽ bị lãng quên nhanh chóng. Thông điệp mới của làng show biz đơn giản hơn mà cũng lạnh lùng hơn: “Xem túi nghệ sĩ sẽ biết độ nóng danh vọng của họ”.

Hiện nay, phát hành một album ra thị trường không khác chi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Bản quyền bị xâm phạm là một lẽ, mà sự đón nhận của đám đông cũng hờ hững một cách khó nắm bắt. Nếu chỉ có vài trăm triệu đồng ca sĩ khôn ngoan sẽ không làm album.

Bởi lẽ, chất lượng bài hát, chất lượng giọng ca và chất lượng hòa âm chỉ vừa đủ làm ngây ngất chính chủ nhân của album, chứ chẳng thể nào làm nên sự xôn xao phía người yêu nhạc, khi mà mọi thước đo giá trị thẩm mỹ đã lung lay và mờ mịt qua các bảng xếp hạng nhiều thị phi.

Muốn chứng minh tài năng âm nhạc, hãy lặng lẽ đi chỗ khác, hoặc hãy nhẫn nại chờ đợi giai đoạn khác. Làng giải trí hôm nay dành đặc quyền hoan hỷ với những ai có tiền tỷ mà thôi.

Vy Oanh chưa bao giờ cất giọng khiến người nghe phải trầm trồ. Song nhờ một cơ duyên hư ảo nào đó, Vy Oanh thường xuyên có mặt trong các đoạn quảng cáo trên ti vi của một loại nước uống đóng chai. Đùng một cái, Vy Oanh có siêu xe 7 tỷ đồng và nghiễm nhiên được đóng vai hotgirl trên các trang báo mạng.

Đùng một cái nữa, Vy Oanh làm MV “Đồng xanh” với kinh phí 1 tỷ đồng. Một MV (music video) mà ngốn nhiều tiền như vậy chắc chắn lắm pha biểu diễn gây cấn hệt như phim hành động nhào lộn và đu dây kiểu Mỹ. Vẫn một Vy Oanh ca hát như thuở xưa nhưng hình ảnh phủ sóng khắp nơi, rõ ràng tiền tỷ có sức mạnh phi thường.

3 ca sĩ giàu có đang là thần tượng của giới trẻ: Hồ Ngọc Hà, Thu Minh và Đàm Vĩnh Hưng.

3 ca sĩ giàu có đang là thần tượng của giới trẻ: Hồ Ngọc Hà, Thu Minh
và Đàm Vĩnh Hưng.

Một MV phải đầu tư tiền tỷ mới được chú ý, thì một album không thể bỏ ra ít hơn. Trường Giang sóng sau luôn biết cách xô sóng trước. Ca sĩ Quỳnh Nga quyết định dành 2 tỷ để có album “True love”. Dĩ nhiên, cái album tên Tây đẳng cấp Việt này làm công chúng và đồng nghiệp choáng váng cũng vì tiền.

Quỳnh Nga vốn được biết đến qua bộ phim “Lập trình cho trái tim” và một vụ đánh ghen ỡm ờ khó hiểu. Chuyển hướng sang ca nhạc, Quỳnh Nga thừa hiểu bản thân không thể bay vút lên bằng một bài hát được yêu chuộng nồng nhiệt. Thế là sau 2 năm dành dụm, 2 tỷ đồng giúp Quỳnh Nga tự tin bước vào giới show biz với sự kiêu hãnh rạng ngời.

Album bạc tỷ sẽ thu lại được bao nhiêu triệu? Câu hỏi quá khó, chẳng ai trả lời được, kể cả người vừa rút tiền tỷ ra khỏi túi trong một phép toán đầy mưu tính. Album bạc tỷ không đồng nghĩa với thu hoạch âm nhạc.

Thế nhưng, album bạc tỷ là cách duy nhất đánh động dư luận trong thực trạng thừa tiếng ồn, thiếu tiếng ca của đời sống văn hóa hôm nay. Phải chăng, kỹ nghệ nổi tiếng đã thay đổi theo tiêu chí hát to - múa khỏe - tiền nhiều?

Nếu phải tìm ra một nét nổi bật nhất đời sống âm nhạc năm 2012 có lẽ là sự trở lại hơi đáng băn khoăn của dòng nhạc bolero. Chưa cần tính đến những album trữ tình phát hành dày các kệ băng đĩa, mà live show cũng nhuốm màu ầu ơ ví dầu.

Ca sĩ cá tính như Tùng Dương dù đột phá cách nào vẫn ngậm ngùi lép vế trước những ca sĩ ư ử “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”. Cụ thể hơn, cùng mang nhãn hiệu ca sĩ hải ngoại về nước làm live show nhưng Minh Tuyết, Bằng Kiều hay Lưu Bích không thể so được với Tuấn Vũ, Quang Lê hoặc Thanh Tuyền về doanh thu từ quầy bán vé.

Khi khán giả chấp nhận bỏ ra bạc triệu để đi nghe những giai điệu ủy mị sướt mướt thì ít nhiều phát ra tín hiệu báo động sự lệch chuẩn thẩm mỹ và sự tù đọng nghệ thuật.

Dẫu có vài nỗ lực gắng gượng để phô diễn giá trị mới qua “Bài hát Việt” hay “Bài hát tôi yêu”, nhưng ca sĩ vẫn theo đuổi quan niệm “không gây sốc bất thành ngôi sao”. Muốn nổi tiếng phải gây sốc, mà gây sốc lại chia thành ba loại.

Loại thứ nhất là khoe của cải, ca sĩ nào có chút tài sản lập tức mang ra khoe, ít thì khoe túi hàng hiệu, nhiều thì khoe nhà cao cửa rộng. Thật không nhịn được cười, có cô ca sĩ đã quá lứa bỗng trở nên ầm ĩ vì tổ chức tân gia ngôi biệt thự 100 tỷ đồng.

Loại thứ hai là khoe...thân thể, không khoe ngực thì khoe nội y. Vô tình cũng được, hữu ý cũng được, bất kỳ kiểu lộ hàng nào cũng giúp ca sĩ “hot” bất ngờ. Loại thứ ba là khoe... ngôn từ.

Ca sĩ tranh thủ mọi diễn đàn để phát biểu vô tội vạ, nói xấu đồng nghiệp và kể lể vài mối tình đồng tính, đều giống như phương pháp hiệu quả để đánh bóng chính mình. Ngoài ba loại khoe kể trên, hiếm thấy ca sĩ nào khoe cái cần khoe nhất là... giọng hát.

Đời sống âm nhạc phải được xây dựng bằng kỹ nghệ biểu diễn. Ngược lại, nếu đời sống âm nhạc hình thành bằng kỹ nghệ gây sốc thì công chúng gánh chịu hết mọi ê chề, thị phi.

Các tin khác