Dân nhập cư mong ước đổi đời

(ĐTTCO) - 1. Tự bao giờ không biết, Sài Gòn - TPHCM là miền đất hứa cho hàng triệu người dân tứ xứ đổ về với mong muốn tìm được cơ hội đổi đời. Chính người nhập cư đã làm nên một TPHCM muôn mặt, sống động, đa dạng cả về đời sống kinh tế - văn hóa. Và hàng năm vào dịp Tết lại diễn ra cuộc đi - về rất lớn của những người nhập cư. Họ ùn ùn ra khỏi TP cuối tháng Chạp Âm lịch và trở lại những ngày sau Tết, gây ra tình trạng kẹt xe triền miên ở các cửa ngõ của TP và các bến tàu, xe, sân bay, nhắc chúng ta nhớ rằng người nhập cư là một thành phần chính của cư dân TP lớn nhất nước này.

(ĐTTCO) - 1. Tự bao giờ không biết, Sài Gòn - TPHCM là miền đất hứa cho hàng triệu người dân tứ xứ đổ về với mong muốn tìm được cơ hội đổi đời. Chính người nhập cư đã làm nên một TPHCM muôn mặt, sống động, đa dạng cả về đời sống kinh tế - văn hóa. Và hàng năm vào dịp Tết lại diễn ra cuộc đi - về rất lớn của những người nhập cư.

Họ ùn ùn ra khỏi TP cuối tháng Chạp Âm lịch và trở lại những ngày sau Tết, gây ra tình trạng kẹt xe triền miên ở các cửa ngõ của TP và các bến tàu, xe, sân bay, nhắc chúng ta nhớ rằng người nhập cư là một thành phần chính của cư dân TP lớn nhất nước này.

Chắc chắn rằng khi TPHCM có nhà giá rẻ 100 triệu đồng/căn như Bình Dương hay Đồng Nai để người thu nhập thấp có chỗ an cư, tình trạng xây dựng lấn chiếm, xây dựng nhà không phép, nạn phân lô bán nền, kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường... sẽ được khắc phục, góp phần tạo nên diện mạo TP văn minh, hiện đại.

Theo kết quả điều tra dân số, tính đến năm 2014 TPHCM có 7,95 triệu người. Kết quả này thấp hơn so với con số do chính quyền TPHCM thông tin gần đây là quy mô dân số đã xấp xỉ 13 triệu người (bao gồm cả những người tạm trú trên 6 tháng), vượt con số dự kiến 12,5 triệu người vào thời điểm 2025.

Nhưng dù là con số nào, TPHCM vẫn giữ ngôi vị TP đông dân nhất cả nước, có tốc độ tăng dân số nhanh, với mức bình quân mỗi năm tăng thêm trên 200.000 người, tương tương dân số của một quận nội thành.

Đáng chú ý trong 200.000 người tăng thêm mỗi năm, TP có hơn 130.000 dân nhập cư. Trong thời kỳ bao cấp, một bộ phận dân nhập cư chủ yếu là giới trí thức, cán bộ, lao động có tay nghề cao từ các tỉnh được phân công về phục vụ cho sự nghiệp phát triển của TP. Lực lượng này có việc làm, thu nhập, chế độ đãi ngộ khá tốt, thậm chí được cấp nhà, cấp đất.

Còn hiện nay, vấn đề thất nghiệp ở nông thôn hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp đã thúc đẩy người dân di cư đến TP. Làn sóng nhập cư diễn ra ngày càng ở quy mô lớn hơn, với độ tuổi ngày càng trẻ hóa, tập trung ở nhóm lao động phổ thông trình độ thấp và sinh viên bổ sung hàng năm.

Một cuộc điều tra của Viện kinh tế TP cho thấy động lực khiến người nhập cư đổ về TPHCM vì họ tìm được việc làm ở TP tương đối dễ dàng và nhạy bén hội nhập với thị trường lao động. Họ chấp nhận những điều kiện làm việc khó khăn hơn và thu nhập ít hơn người dân tại chỗ.

Song phải thừa nhận rằng, người dân nhập cư đã đóng góp một phần rất quan trọng vào sự phát triển năng động trên mọi mặt của TPHCM xuyên suốt trong nhiều thập niên qua.

Báo cáo phát triển con người của Liên hiệp quốc từ năm 2009 đã cho thấy dân nhập cư đóng góp đến 30% GDP của TPHCM, và tỷ lệ đóng góp không ngừng tăng lên hàng năm. Bên cạnh sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, doanh nhân hoạt động trong khu vực nhà nước và tư nhân, chính người lao động đến từ các tỉnh, thành khác là nguồn cung ứng lao động chủ yếu cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp hoạt động tại TP.

Chợ tự phát dành cho công nhân các khu công nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chợ tự phát dành cho công nhân các khu công nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG

 2 . Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM đã, đang và sẽ là TP của dân nhập cư. Vì vậy, ngoài việc chi ra hàng ngàn tỷ đồng để giải quyết các vấn đề nóng như quá tải hạ tầng, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, việc giải bài toán về nhà ở cho người nhập cư cũng hết sức cấp bách. Trên thực tế, điều kiện sống và làm việc của người lao động ở một số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP thời gian qua đã được cải thiện nhờ doanh nghiệp hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân.

Tuy nhiên, phần đông người lao động nhập cư vẫn sống chật vật trong những căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội, ô nhiễm môi trường, mất an ninh. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng triệu người dân nhập cư là cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên ra trường ở lại TP làm việc, hộ dân sống tạm bợ trong những khu nhà ổ chuột…

Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, song nhìn chung việc triển khai các chính sách và phát triển nhà ở xã hội thời gian qua rất chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cũng cần nói thêm, trong lúc nguồn cung nhà ở xã hội quá ít, việc Chính phủ tung ra gói vay lãi suất thấp 30.000 tỷ đồng đã giúp nhiều người lao động thu nhập thấp sở hữu nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2).

Song gói hỗ trợ này đã hết hạn và trong khi chưa có gói vay tương tự, mơ ước được sở hữu một căn nhà của hàng triệu người, trong đó có không ít người nhập cư, đã bị gián đoạn.

Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 188/2013/NĐ-CP, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và các văn bản hướng dẫn đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội dành cho đối tượng sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp đô thị... Trên cơ sở đó, được biết chính quyền TP hiện cũng đã lên kế hoạch giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 44.700 căn, phấn đấu hoàn thành khoảng 30.000 căn. Đây là một tin vui cho người dân nghèo, người nhập cư.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Để thực hiện được mục tiêu cao đẹp này, chính quyền TP cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhà ở của người nhập cư, làm sao để người nhập cư cảm nhận được họ được đối xử công bằng như chính một công dân của TP.

Các tin khác