Văn nghệ sĩ

Đại sứ du lịch đặc biệt

(ĐTTCO) - Những ngày cuối năm con Dê chuyển sang đầu năm con Khỉ, câu chuyện tưởng “xưa như trái đất” bỗng trở thành đề tài “nóng” trên các diễn đàn. Đó là quảng bá du lịch qua điện ảnh. Một chuyện cũ của thế giới và ngay cả các nước láng giềng nhưng lại khá mới với ta, được khởi động bởi hiệu ứng từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, với những cảnh quay tuyệt đẹp ở Phú Yên. Câu chuyện đã gợi lên trong tôi mối liên kết giữa văn học nghệ thuật với ngành du lịch để cùng… hái ra tiền.

(ĐTTCO) - Những ngày cuối năm con Dê chuyển sang đầu năm con Khỉ, câu chuyện tưởng “xưa như trái đất” bỗng trở thành đề tài “nóng” trên các diễn đàn. Đó là quảng bá du lịch qua điện ảnh. Một chuyện cũ của thế giới và ngay cả các nước láng giềng nhưng lại khá mới với ta, được khởi động bởi hiệu ứng từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, với những cảnh quay tuyệt đẹp ở Phú Yên. Câu chuyện đã gợi lên trong tôi mối liên kết giữa văn học nghệ thuật với ngành du lịch để cùng… hái ra tiền.

1. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn, chuyển thể kịch bản từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vừa trình chiếu đã được khán giả cả nước đón nhận nồng nhiệt và được trao giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIX năm 2015. Ngay lập tức, vùng đất mang vẻ đẹp nguyên sơ Phú Yên ở duyên hải Nam Trung bộ mà bộ phim lấy làm bối cảnh đã thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Những thắng cảnh như ghềnh Đá Đĩa, núi Đá Bia, Mũi Điện, Vũng Rô, núi Nhạn, sông Đà Rằng, núi Chóp Chài, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đập Đồng Cam, vực Phun, cánh đồng Tuy Hòa lớn nhất miền Trung… của Phú Yên dù từng được nói tới nhiều nhưng đến bây giờ mới thực sự quyến rũ những người thích phiêu lưu, khám phá và nghỉ dưỡng trong lẫn ngoài nước.

Thực ra, hiệu ứng từ màn bạc cũng đã từng có những tác động đến ngành du lịch ở nước ta. Mười năm trước, bộ phim Chuyện của Pao của đạo diễn Ngô Quang Hải, kịch bản dựa theo truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đã kích thích nhiều du khách tìm đến cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang vốn im ắng trước đó mà bộ phim lấy làm bối cảnh. Đặc biệt, ngôi nhà của Pao mang vẻ đẹp huyền bí với những cây đào cổ thụ bên hàng rào đá, nằm trong cái làng nhỏ Lũng Cẩm thơ mộng giữa núi đá trùng điệp vây quanh, nơi chỉ có hơn 60 hộ người Mông, Lô Lô và Hán sinh sống, gây tò mò mọi người như chuyện cổ tích. Bộ phim Chuyện của Pao đã đặt dấu ấn quan trọng đối với ngành du lịch của tỉnh biên giới Hà Giang xa xôi nghèo khó.

Nếu như mỗi người Việt Nam là một đại sứ du lịch thì mỗi văn nghệ sĩ tài năng là một đại sứ đặc biệt. Bằng thế mạnh hình ảnh, âm thanh và con chữ kỳ diệu, văn nghệ sĩ là lực lượng quảng bá hữu hiệu vẻ đẹp quyến rũ của đất nước mình đến mọi người dân và bạn bè quốc tế. Cái “loa” của văn nghệ sĩ nhất định sẽ phát huy tác dụng để cùng ngành du lịch… hái ra tiền!

Không chỉ hai bộ phim trên mà tác động đến du lịch còn đến từ những bộ phim khác. Chẳng hạn, nhờ bộ phim tư liệu Chiến thắng Mộc Hóa, tác phẩm khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam của đạo diễn Mai Lộc và Khương Mễ, nhiều năm nay du khách đã tìm về vùng biên giới Tây Nam này và hiện nay ở đây mới phát triển một khu du lịch sinh thái độc đáo. Gần đây, những bộ phim mang tính giải trí như Những nụ hôn rực rỡ hoặc Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã chọn các resort ven biển làm bối cảnh đầy lãng mạn cũng đã “gọi mời” được nhiều gia đình và đôi uyên ương đến đây nghỉ dưỡng, hưởng tuần trăng mật sau khi phim được trình chiếu. Điều đáng nói là khi biết được dự án phim, chủ các resort đã mạnh dạn hợp tác với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho đoàn làm phim, với điều kiện cảnh quay phải đẹp, gợi cảm. Cách làm này nhiều đạo diễn đàn anh như Lê Cung Bắc, Nguyễn Chánh Tín, Trần Mỹ Hà, Trần Văn Hưng cũng đã từng liên kết thực hiện. Tất nhiên không phải nơi nào được lấy làm bối cảnh cho phim cũng thu hút được du khách, dù phong cảnh ở đó rất đẹp. Hiệu ứng từ màn bạc thuyết phục được khán giả còn tùy thuộc vào tài năng đạo diễn và nhà quay phim, chất lượng nghệ thuật bộ phim và cả cách xử lý tài tình từng cảnh quay…

Dù không có sức lan tỏa nhanh như điện ảnh nhưng các lĩnh vực nghệ thuật khác, bằng thế mạnh riêng mình, cũng đã góp phần quảng bá cho du lịch. Hơn nửa thế kỷ trước, nhờ bức ảnh Đôi nét thủy mặc Sapa lừng danh của nghệ sĩ Võ An Ninh mà nhiều du khách đã tìm đến vùng cao mờ sương này ở Tây Bắc để khám phá vẻ đẹp huyền ảo từ khi nơi đây còn hoang sơ. Vì yêu những bức tranh độc đáo về Hà Nội của Bùi Xuân Phái mà không ít người về thủ đô cuốc bộ lang thang khắp phố cổ tìm lại những nét diệu kỳ tạo nguồn cảm hứng dồi dào cho danh họa. Và với mỗi người Việt Nam yêu nhạc, không ai có thể quên những tuyệt tác của nhạc sĩ tài ba Văn Cao, trong đó Trường ca Sông Lô được nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng không hề thua kém bất cứ bản trường ca nào của phương Tây. Niềm say mê Trường ca Sông Lô đã hấp lực rất nhiều người “phượt” dọc dòng sông nhỏ này để chiêm ngưỡng phong cảnh thơ mộng và sống lại không khí hào hùng một thời.

Tôi cũng đã may mắn cùng một đoàn nhà văn trẻ tìm về thị trấn Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ vào một sáng mùa thu, nơi sông Lô giao thoa sông Chảy. Nghiêng mình trước tượng đài Chiến thắng sông Lô, rồi ra ngã ba sông ngắm nhìn cảnh quan nơi từng diễn ra trận đánh Pháp nổi tiếng năm 1947 đã tạo nguồn cảm hứng cho bậc tiền bối Văn Cao, Trường ca Sông Lô trữ tình và hùng tráng âm vang trong lòng chúng tôi: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/ Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/ Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa”. 

2. Cùng với điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa, văn chương cũng có sức quyến rũ riêng đối với những tâm hồn đồng điệu và góp phần quảng bá du lịch. Tôi biết có nhiều người vì thích văn chương Sơn Nam mà tìm về tận U Minh, Cà Mau để thưởng thức hương hoa rừng đước rừng tràm, hoặc say cái gió Tuy Hòa “chuyên cần và phóng túng” trong thơ Trần Mai Ninh mà đến xứ núi Nhạn sông Đà thức trắng đêm “tắm” mình trong gió hú dữ dội. Cũng có người yêu thơ Hàn Mặc Tử mà tìm về thôn Vỹ Dạ ở Huế, lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết và đặc biệt là ghềnh Ráng ở Quy Nhơn để tưởng nhớ bậc thi hào tài hoa bạc mệnh. Ngoài cảnh đẹp thiên phú thì một trong những nguyên nhân quan trọng ghềnh Ráng trở thành điểm thu hút khách tham quan chính là vì sự ngưỡng mộ Hàn Mặc Tử. Đến với Bình Định, có người còn lặn lội lên bến đò trên dòng sông Côn để hình dung về ông lái đò năm xưa trong bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan, hoặc tìm tới di tích thành cổ Đồ Bàn để sống trong không gian thi hứng kỳ ảo của các anh tài trong nhóm “Bàn Thành tứ hữu”.

Những năm gần đây, vì yêu mến văn chương và nhân cách Trang Thế Hy mà không ít người tìm về vườn dừa của ông ở Bến Tre, nơi bây giờ nhà văn của Nợ nước mắt đã yên nghỉ ngàn thu sau khi vĩnh viễn “đi chỗ khác chơi”. Là nơi gắn liền với nhiều tên tuổi văn chương nổi tiếng khác như Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Anh, Ca Văn Thỉnh, Lê Anh Xuân, Chim Trắng, Võ Trần Nhã, Thanh Giang… cùng nhiều vị tướng lĩnh có công với đất nước. Lại có nhiều cảnh đẹp và cây trái đặc trưng miệt vườn, Bến Tre đang là điểm đến lý tưởng về du lịch khám phá lẫn hành hương tâm linh.

Tôi nhớ sinh thời không ít lần nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã trực tiếp đưa bạn bè và những người yêu thích văn chương về làng Mỹ Luông của An Giang quê hương tuổi thơ ông bên bờ sông Tiền. Mỗi chuyến đi có khi lên hàng mấy chục người. Xê dịch nhiều viết nhiều về những vùng đất, con người khác nhau nhưng sự thành công của Nguyễn Quang Sáng chủ yếu gắn liền với “quê hương văn học” là cái làng Mỹ Luông chôn nhau cắt rốn. Hầu hết các nhân vật đều được ông “đưa” về sống ở cái làng này, hít thở không khí mát mẻ của làng, tắm nước sông, ăn lẩu cá linh nấu bông điên điển, ngồi xuồng mùa lũ, uống rượu bằng chén với khô cá… trước khi chính thức bước vào những tác phẩm nổi tiếng như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng được đạo diễn Hồng Sến dựng thành những bộ phim để đời. Là người sành ẩm thực, nhà văn còn gây ngạc nhiên bạn bè từ miền Trung, miền Bắc bằng cách giới thiệu những món ăn độc đáo của sông nước Cửu Long. Một cách vô thức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vừa quảng bá vừa trực tiếp làm “hướng dẫn viên” du lịch cho quê hương mình. Tiếp nối cái gien của người cha tài hoa, con trai của ông là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đang gặt hái những thành công về nghệ thuật, góp phần quảng bá vẻ đẹp quê hương bằng con đường điện ảnh.

Chúng ta tốn nhiều công sức và tiền của để vận động được công nhận các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, nhưng khi nhận bằng về rồi thì không phát huy được tác dụng quảng bá du lịch. Với thế mạnh thiên nhiên ưu đãi và bề dày văn hóa hàng ngàn năm, chúng ta cũng còn rất nhiều di tích, thắng cảnh mang vẻ đẹp tiềm ẩn đủ sức chinh phục bất kỳ du khách khó tính nào nhưng chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, đến lúc ngành du lịch từ trung ương đến các địa phương cần đề ra kế hoạch có tính chiến lược lâu dài, nhất là phải liên kết chặt chẽ, đặt hàng cụ thể cho ngành văn học nghệ thuật để quảng bá mạnh mẽ, thu hút du khách bốn phương. 

Các tin khác