Đại phẫu ngành đường sắt

Hệ thống đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đóng vai trò là phương tiện vận tải (hành khách, hàng hóa) chủ lực, tuy nhiên thị phần và tính cạnh tranh chưa cao so với các loại hình vận tải khác. Để phát triển ngành đường sắt xứng tầm với vai trò của một ông lớn trong lĩnh vực vận tải cần phải đại phẫu từ kết cấu hạ tầng cho đến bộ máy quản lý cồng kềnh hiện nay.

Hệ thống đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đóng vai trò là phương tiện vận tải (hành khách, hàng hóa) chủ lực, tuy nhiên thị phần và tính cạnh tranh chưa cao so với các loại hình vận tải khác. Để phát triển ngành đường sắt xứng tầm với vai trò của một ông lớn trong lĩnh vực vận tải cần phải đại phẫu từ kết cấu hạ tầng cho đến bộ máy quản lý cồng kềnh hiện nay.

Thị phần khiêm tốn

 

Theo các số liệu báo cáo, năm 2013 toàn ngành đường sắt đạt doanh thu hơn 11.300 tỷ đồng, thị phần vận tải hành khách chỉ chiếm 0,4% và thị phần vận tải hàng hóa 0,7% trong sản lượng vận tải toàn ngành giao thông vận tải. Doanh thu của công ty mẹ ĐSVN chỉ đạt 4.932 tỷ đồng.

9 tháng năm 2014 doanh thu đạt 6.738,7 tỷ đồng, riêng quý III doanh thu đạt 2.446 tỷ đồng. Với vai trò là một ông lớn trong ngành vận tải, nhưng với mức doanh thu khiêm tốn (bằng 1/7 so với ngành hàng không), cho thấy ngành đường sắt lép vế trước sự phát triển chung của toàn ngành vận tải. Không khó để lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu của ngành đường sắt hiện nay.

Trong đó, những nguyên nhân chính là hạ tầng cơ sở của ngành đường sắt đã quá cũ kỹ lạc hậu, giá vé và giá cước vận chuyển hàng hóa thiếu cạnh tranh, thời gian di chuyển chậm, chất lượng dịch vụ kém. Chính vì thế, trong khi các loại hình vận tải khác như hàng không, đường bộ phát triển mạnh, sự tụt hậu của ngành ĐSVN đã dẫn tới hậu quả mất thị phần.

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN, thừa nhận: “Thị phần vận tải đường sắt trong những năm gần đây liên tục giảm sút và hiện tại chỉ chiếm dưới 1% thị phần vận tải cả nước”.

Để nhanh chóng đổi mới, bước qua sự trì trệ kéo dài trong mấy chục năm qua, ngành đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng lại thương hiệu. Một số nhà ga lớn như Hà Nội, TPHCM luôn trong tình trạng nhếch nhác, hôi hám, cung cách phục vụ quan liêu, nhưng 1 năm trở lại đây đã có nhiều đổi mới từ cung cách phục vụ, tác phong làm việc của nhân viên và cơ sở hạ tầng đã dần được cải thiện thuận tiện hơn cho hành khách.

Sự chuyển biến tích cực này đã giúp ngành đường sắt lấy lại phong độ trong năm 2014. Doanh thu hành khách và hàng hóa đều vượt so với năm 2013. Vận tải hàng hóa bằng đường sắt đã tăng đột biến về doanh thu trên một số tuyến chủ lực như Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai.

Cải tổ mạnh mẽ

ĐSVN đang đứng trước sức ép phải đổi mới, tái cơ cấu và đây là con đường tất yếu để tồn tại và phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, tổng công ty đang khẩn trương triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012- 2015, phấn đấu để đến sau năm 2015 hình thành 3 lĩnh vực hoạt động chính là: kinh doanh vận tải đường sắt; quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Ông Trần Ngọc Thành,
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN

Cách đây không lâu, trong một hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã rất gay gắt cho rằng đơn vị này đang tự coi mình là "bộ đường sắt" chứ không phải là một doanh nghiệp, đã chỉ đạo phải quyết liệt đổi mới, tái cơ cấu.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu ĐSVN đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, tách hạ tầng ra khỏi vận tải và khuyến khích tư nhân tham gia vận tải đường sắt nhằm chặn đứng tình trạng trì trệ, lạc hậu. Thực tế nhiều năm qua cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt đang rất lạc hậu, tải trọng chưa đồng đều, tốc độ chạy tàu chưa cao, năng lực còn bị giới hạn bởi hệ thống kết cấu hạ tầng đường đơn.

Để thoát ra được tình cảnh này, đòi hỏi tổng công ty phải tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ, cổ phần hóa khối vận tải và các đơn vị thành viên để tăng năng lực cạnh tranh, giành thị phần. Cùng với đó thực hiện đề án kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, tập trung cho ngành nghề kinh doanh chính là vận tải, còn lại sẽ thoái vốn triệt để.

Trước đây, Tổng công ty ĐSVN từng đề xuất xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1.000mm chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bộ GTVT bác bỏ do không phù hợp với định hướng phát triển ĐSVN đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo chiến lược này đường sắt Bắc - Nam phát triển theo định hướng ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện có nhằm khai thác có hiệu quả với tốc độ chạy tàu khách bình quân 80-90km/h và tàu hàng chạy 50-60km/h; nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt đôi Bắc - Nam, khổ 1,435m với tốc độ từ 160km/h - dưới 200km/h, chạy chung cả tàu khách và tàu hàng. Cùng với đó, Bộ GTVT đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ 1,435m đoạn TPHCM đi Cần Thơ; lập dự án đường sắt TPHCM đi Vũng Tàu để kêu gọi đầu tư.

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng công ty ĐSVN triển khai các dự án nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách tại ga lớn; đồng thời chuẩn bị các dự án như tiếp tục thay tà vẹt K1, K2, kéo dài một số đường ga đoạn Nha Trang - TPHCM, hầm Khe Nét, Hải Vân… để nâng cao năng lực vận tải, rút ngắn thời gian chạy tàu.

Hiện ngành đường sắt đã hoàn thành cơ bản 2 dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Thống Nhất, đoạn Vinh - TPHCM và các tuyến phía Bắc; hoàn thành xây dựng mới các cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu để tách cầu đi chung đường bộ đường sắt; hoàn thành 6 gói thầu về tuyến của dự án thay tà vẹt bê tông K1, K2, tà vẹt sắt bằng tà vẹt bê tông dự ứng lực; kéo dài đường ga, đặt thêm đường số 3 đối với các ga chỉ có 2 đường; đoạn Vinh - Nha Trang bảo an toàn chạy tàu, rút ngắn hành trình 26 phút; cơ bản hoàn thành đoạn tuyến đường sắt Hạ Long - Cái Lân để kết nối đường sắt vào cảng Cái Lân…

Các tin khác