Cương quyết xử lý, tránh tiền lệ xấu

Thay vì cho “hợp pháp hóa” các dự án sân golf ngoài quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, nhiều chuyên gia, chuyên viên, nhà kinh tế  cho rằng cần kiên quyết xử lý những sân golf vượt rào, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thay vì cho “hợp pháp hóa” các dự án sân golf ngoài quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, nhiều chuyên gia, chuyên viên, nhà kinh tế  cho rằng cần kiên quyết xử lý những sân golf vượt rào, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Minh bạch trong cấp phép

Việc có tới 27 sân golf thuộc 13 tỉnh, thành phố trên cả nước nằm ngoài quy hoạch, cho thấy tính bắt buộc của quy hoạch sân golf không cao, không nghiêm trong quá trình triển khai. Hơn nữa, tình trạng vượt quyền, tự ý làm đang diễn ra ở hầu hết các địa phương. Thực tế này đòi hỏi phải nghiêm khắc xử lý những sân golf phá quy hoạch.

Bởi việc cấp phép đầu tư sân golf không mang lại lợi ích nhiều cho địa phương, cũng như cư dân trên địa bàn, nhưng chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho người cấp phép. Vì vậy, chỉ nên cấp giấy phép đầu tư sân golf được xây dựng trên đồi núi, bãi cát. Chính phủ cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn tình trạng cấp phép đầu tư sân golf tràn lan, vượt rào để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Với những sân golf ở xa đô thị, việc có những biệt thự, nhà nghỉ hay bất động sản kèm theo là cần thiết cho sự vận hành. Ngoài ra, những bất động sản này không có hại gì nếu những sân golf ở trên bãi cát ven biển hoặc trên vùng sườn đồi sườn núi, đồng thời làm tăng giá trị cho dịch vụ ở đây. Nhưng nếu sân golf nằm gần khu vực ngoại thành, các công trình bất động sản phải được tách riêng.

Bởi bất động sản không hỗ trợ cho kinh doanh sân golf mà trở thành hàng hóa được chuyển nhượng. Trên diện tích xây dựng sân golf chỉ nên có nhà quản lý và khu dịch vụ nghỉ ngơi. Và cần tách bạch các diện tích sử dụng để thu thuế đúng và thu đủ, không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Trên thực tế, nhiều dự án sân golf được cấp phép từ lâu nhưng chủ đầu tư chậm triển khai do thiếu vốn, khiến đất đai bị sử dụng lãng phí. Tình trạng này cho thấy việc thẩm định của chính quyền địa phương khi cấp phép cần được nghiêm túc xem xét lại. Từ đó có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường tính minh bạch trong cấp phép đầu tư.

Đặc biệt phải kiên quyết thu hồi dự án nếu nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai. Bởi thời gian qua đã có nhiều chủ đầu tư sử dụng phương thức “mỡ nó rán nó”, tức bán đất đai, bất động sản để tạo vốn xây dựng sân golf. Hiện nay nước ta không cần nhiều sân golf, chỉ nên thực hiện theo quy hoạch hiện hành.  

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VH-XH HĐND TPHCM:

Cần tính đến hệ quả lâu dài

Trước hết phải nhìn nhận các dự án sân golf đã góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân. Hoạt động của sân golf thường gắn liền với nhiều loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí khác, thúc đẩy phát triển du lịch, một ngành có hiệu quả kinh tế cao.

Thứ hai, tăng cường thu hút nguồn đầu tư nước ngoài và huy động nguồn vốn trong nước phục vụ phát triển kinh tế. Thứ ba, tăng giá trị sử dụng đất đối với các vùng đất xấu, đất sườn đồi… và góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án sân golf cũng có một số tồn tại và hạn chế như chưa quy hoạch tổng thể về phát triển sân golf. Nhiều dự án nằm ở vị trí đẹp, diện tích lên đến hàng trăm ha, cộng với việc thủ tục cấp phép đầu tư tương đối dễ, thẩm định dự án lỏng lẻo, mức thuế thấp, sau đó sử dụng vào các mục đích khác (kinh doanh nhà hàng, biệt thự, khách sạn), không loại trừ hiện tượng giữ đất nhằm chuyển đổi mục đích kinh doanh, cho thuê, hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Vốn đăng ký các dự án golf lớn nhưng vốn thực hiện thấp, hiệu quả kinh tế các dự án sân golf không cao, hiệu quả từ việc sử dụng đất và lao động không đáng kể.

Vấn đề môi trường cũng phải tính đến. Sân golf gây nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm do dùng nhiều nước sạch, phân hóa học, thuốc trừ sâu… Theo một số thông tin tôi có được, trung bình một sân golf 36 lỗ mỗi ngày tốn 10.000m3 nước để tưới cỏ, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 2.000 hộ gia đình; trên mỗi ha sân golf phải sử dụng lượng hóa chất trung bình lớn gấp 3 lần số hóa chất cho một khu canh tác nông nghiệp bình thường, tức khoảng 1,5 tấn/ha/năm. Vì thế việc quy hoạch sân golf có nhiều việc cần phải tính tới như nguồn nước, ô nhiễm môi trường, hệ quả lâu dài…

Các tin khác