Cuộc cạnh tranh hàng hóa nội-ngoại

Những cuộc đổ bộ ồ ạt của các đại gia bán lẻ ngoại không chỉ khiến DN bán lẻ trong nước gặp khó khăn, mà ngay cả các nhà sản xuất nội cũng đứng ngồi không yên trước bài toán làm sao đưa hàng vào siêu thị ngoại.

Những cuộc đổ bộ ồ ạt của các đại gia bán lẻ ngoại không chỉ khiến DN bán lẻ trong nước gặp khó khăn, mà ngay cả các nhà sản xuất nội cũng đứng ngồi không yên trước bài toán làm sao đưa hàng vào siêu thị ngoại.

Lối nhỏ cho hàng Việt

 

Lâu nay việc bị làm khó khi đưa hàng vào siêu thị cả nội lẫn ngoại vẫn là câu chuyện của không ít DN sản xuất. Nhưng theo xu thế chung, người tiêu dùng nhất là tầng lớp trung lưu đang có mức tăng trưởng nhanh chóng khoảng 145% (từ 2012-2020) ngày càng thích mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Chính vì vậy DN tìm mọi cách để sản phẩm của mình có thể nằm trên các kệ hàng tại siêu thị.

Trên thực tế, không chỉ ở các siêu thị nội hàng hóa Việt Nam chiếm đa số mà ngay tại một số siêu thị ngoại như Big C, Metro hay Lotte cũng có khá nhiều hàng hóa của DN trong nước. Thậm chí một tên tuổi vào sau như Aeon (Nhật Bản) cũng chọn chiến lược kinh doanh 1/3 hàng hóa đến từ Nhật Bản, 1/3 của Việt Nam và 1/3 đến từ các quốc gia khác.

Gần đây nhất, sau thương vụ mua lại Metro, BJC đã trấn an các nhà sản xuất Việt Nam rằng hàng hóa phải phù hợp nhu cầu của người Việt và ưu tiên bán hàng Việt. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BJC, ông Aswin Techajareonvikul nói: “Chúng tôi không có kế hoạch tái cơ cấu hay hủy bỏ nhà cung cấp và sẽ làm việc để hiểu hơn về các nhà cung cấp nhằm giải tỏa vấn đề này”.

Trong khi đó, một số DN Việt lại bày tỏ những góc nhìn khác với nhiều trăn trở. Ông Đỗ Hoài Nam, CTCP Thiết bị nhà bếp Vina, chia sẻ DN Việt Nam sẽ vấp phải việc các đơn vị bán lẻ nước ngoài từ chối hàng của mình. Điều này sẽ làm hạn chế việc đưa hàng của DN nội ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Cũng băn khoăn về việc hàng nội vào siêu thị ngoại, bà Tô Hoa Hồng Điệp, Giám đốc Công ty Liêu Thanh, nhìn nhận hàng Việt đang rất khó khăn trong việc chen chân vào siêu thị.

Lật lại câu chuyện của BJC, tập đoàn này sau khi sở hữu chuỗi Family Mart và đổi tên thành B’Mart và cho biết sẽ bán 70% hàng hóa Thái Lan trong chuỗi này. Vậy 30% còn lại sẽ có bao nhiêu phần trăm dành cho hàng Việt.

Có thể thấy năm 2015 không chỉ là thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ mà đây còn là thời điểm Cộng đồng kinh tế chung ASEAN hình thành, cho phép các dòng tài nguyên vốn, hàng hóa… di chuyển tự do trong nội khối.

Theo đó, khoảng 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Lúc ấy, hàng hóa từ Thái Lan, Singapore, Maylaysia… sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Và chẳng có lý gì những chuỗi siêu thị như của BJC hay SC Vivo City, Parkson (Malaysia) lại không ưu tiên cho hàng hóa đến từ quốc gia họ.

Ở một góc khác cũng có DN cho rằng không nên quá lo lắng, bởi DN ngoại không thể chỉ bán hàng hóa của quốc gia họ khi đang kinh doanh trên nước khác. Điều quan trọng là DN Việt Nam phải làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn và giá thành cạnh tranh.

Cần chiến lược cho hàng Việt

DN nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực… để phát triển thị trường bán lẻ phù hợp với tình hình mới khi hội nhập sâu kinh tế thế giới. Bởi nếu không có chiến lược cụ thể DN Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam.

Ông Phan Thế Ruệ,
nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhiều khảo sát đã mang đến những kết quả rất đáng khích lệ. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tháng 7-2014, cho thấy có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến cuộc vận động trên; 63% số người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (tăng 4% so với năm 2010 ); 54% người tiêu dùng "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam" (tăng 16% so cuộc điều tra dư luận xã hội vào tháng 11-2010).

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng để người Việt thực sự dùng hàng Việt cần có một chiến lược cụ thể, dài hơi, không nên chỉ dừng ở phong trào. Như thế hàng Việt mới có thể thực sự cạnh tranh với hàng ngoại và khi ấy việc mua hàng Việt, sử dụng hàng Việt sẽ trở thành quyết định của người tiêu dùng.

Bởi thực tế hiện nay vẫn không ít người Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu đến từ Thái Lan. Ông Phú cũng cho biết đã đề xuất với Bộ Công Thương nên có quy định lượng hàng Việt Nam bán trong siêu thị 60-70% để bảo vệ hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa DN trong nước ỷ lại, muốn làm gì thì làm, bởi thị trường do người tiêu dùng quyết định.

Với số lượng người tiêu dùng hơn 90 triệu dân và hơn 60% người tiêu dùng trẻ, thời gian tới Việt Nam là trị trường mục tiêu của các nhà đầu tư lĩnh vực bán lẻ. Trong khi đó, hiện có khoảng 78% doanh số bán ra thị trường đến từ kênh truyền thống.

Con số này tại Thái Lan là 50%, Philippines 43%, Malaysia 38%. Như vậy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam còn cơ hội lớn cho sự phát triển kênh hiện đại. Đặc biệt, thị trường nông thôn tại Việt Nam (chiếm 55-60% doanh thu) chủ yếu là cửa tiệm tạp hóa truyền thống. Do đó, nếu thị trường nông thôn được khai thác tốt sẽ là cơ hội lớn đối với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất.

Các tin khác