Củng cố nội lực, nâng cao vị thế cạnh tranh quốc tế

(ĐTTCO) - Kể từ sau chủ trương Đổi Mới năm 1986, nền kinh tế nước ta đã từng bước thay đổi. Từ một quốc gia nghèo, với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam nay vươn lên gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Thế và lực của nước ta trên trường quốc tế ngày được nâng cao, dần trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Việc tích lũy nội lực cho nền kinh tế trong thời gian qua sẽ là nền tảng để nước ta bước đi nhanh hơn, mạnh hơn, nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

(ĐTTCO) - Kể từ sau chủ trương Đổi Mới năm 1986, nền kinh tế nước ta đã từng bước thay đổi. Từ một quốc gia nghèo, với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam nay vươn lên gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Thế và lực của nước ta trên trường quốc tế ngày được nâng cao, dần trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Việc tích lũy nội lực cho nền kinh tế trong thời gian qua sẽ là nền tảng để nước ta bước đi nhanh hơn, mạnh hơn, nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Nền tảng hội nhập vững chắc

Năm 2015 chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong đối nội lẫn đối ngoại, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đất nước. Đây cũng là thời điểm kết thúc giai đoạn 10 năm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, trong suốt thập niên qua, nước ta đã không ngừng đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Một mùa Xuân mới lại đến, đất nước đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định, những tồn tại và hạn chế đã được nhận thức sâu sắc. Chúng ta cũng đã có những giải pháp cụ thể để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó tốc độ tăng trưởng dự kiến hằng năm đạt 6,5 - 7%/năm và kim ngạch thương mại đạt khoảng 600 tỷ USD cho giai đoạn 2016 - 2020. Với những thuận lợi từ quá trình hội nhập và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chúng ta tự tin đặt kỳ vọng vào những thành tựu đột biến hơn của đất nước cho giai đoạn phát triển mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Từ sự hân hoan với thông tin Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đến nay, chúng ta đã ký hơn 60 hiệp định kinh tế và thương mại song phương, cũng như thiết lập quan hệ đầu tư với trên 84 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, chỉ trong năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết 4 Hiệp định thương mại có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế: ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu và FTA Việt Nam - Hàn Quốc; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU.

Nhiều thành tựu rất quan trọng đạt được trong năm 2015, trong đó đối ngoại đa phương được xem như một điểm nhấn. Từ 21 đến 22-11-2015, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, một lần nữa khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào thành công chung, qua đó góp phần thúc đẩy ASEAN gắn kết chặt chẽ và hoạt động hiệu quả hơn. Tại sự kiện này, đã có gần 60 văn kiện được ký kết, thông qua, ghi nhận, trong đó có 3 văn kiện được ký kết, gồm: Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015; Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Công ước ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Tuyên bố Kuala Lumpur đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của ASEAN, phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau gần 48 năm hình thành, phát triển và vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. Một sự kiện mà theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 27: “Dấu mốc lịch sử, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc nâng liên kết và hợp tác lên tầm cao mới, phản ánh sự trưởng thành mạnh mẽ của hiệp hội sau 48 năm phát triển, khẳng định giá trị của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị cấp cao ASEAN 27.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị cấp cao ASEAN 27.

Điểm đến FDI

Hội nhập quốc tế là nền tảng quan trọng, là tiền đề thúc đẩy hoạt động thương mại, thu hút đầu tư của đất nước. Điều này được minh chứng qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng trong suốt một thập niên qua: giai đoạn 2006-2010 thu hút 146,8 tỷ USD, gấp 2,7 lần kế hoạch đề ra và gấp hơn 7 lần so với giai đoạn 2001-2005.

Trước tác động của suy thoái toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chương trình kích thích tài chính và tiền tệ, nhưng gần đây đã kịp thời chuyển sang chính sách cân bằng hơn. Nhờ đó, Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu 2009; đồng thời đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn so với các quốc gia tương đương trong khu vực giai đoạn 2011 - 2015.

Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, dù nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ năm 2008, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Quốc hội, nền kinh tế đã dần đi vào quỹ đạo. Lạm phát từng bước được kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô được củng cố. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng từ 11,75% tại thời điểm 2010 đã hạ xuống còn 1,84% năm 2014 và chỉ số này xuống 0,63% trong năm 2015, tỷ lệ thấp nhất trong 15 năm qua.

Xuyên suốt 10 năm qua, nước ta đã đón nhận sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, có thể kể đến như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã đăng ký hơn 12 tỷ USD vào Việt Nam và con số này có thể lên đến 20 tỷ USD vào năm 2017; hay như Tập đoàn Intel, Tập đoàn GE (Hoa Kỳ)… Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD) dựa trên kết quả điều tra 164 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư, tăng 2 bậc so với năm 2013. Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã thu hút trên 270 tỷ USD vốn FDI và trên 2.000 dự án còn hiệu lực từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Không chỉ tăng trưởng về thu hút đầu tư, chiến lược hội nhập được thực hiện một cách xuyên suốt đã tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta được luân chuyển dễ dàng. Tính đến năm 2015, nước ta có quan hệ thương mại và đầu tư với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 165 tỷ USD, tăng 4,63 lần năm 2005, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,2%/năm. Đầu tư và thương mại phát triển không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế mà còn góp phần đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian qua đã giảm đáng kể, từ 50% trong thập niên 90, nay chỉ còn dưới 4,5%. Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong vòng 2 thập niên qua, đây là thành công của các cuộc cải cách theo hướng thị trường và chính trị ổn định của Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên ký kết
Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.

Kỳ vọng bứt phá

Năm 2016, với dự cảm tích cực nền kinh tế, sẽ là năm khởi đầu kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020,  và cũng là  năm đặt dấu mốc quan trọng trong hội nhập. Bởi đây là thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, mà nước ta là một trong 10 thành viên. Việc trở thành thành viên của nhiều Hiệp định kinh tế, mở ra những cơ hội thúc đẩy hoạt động thương mại trong nước, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nhiều thị trường mới, lớn hơn; đồng thời sẽ mở thêm những cánh cửa khác để Việt Nam đón nhận được luồng vốn đầu tư mới.

Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ cũng nhìn nhận điều đó mang đến không ít thách thức cho nền kinh tế, thuyền to bao giờ sóng cũng lớn hơn. Song nhìn ở góc độ tích cực, để không bị tuột lại phía sau trên con đường hội nhập, chúng ta sẽ không ngừng tự đổi mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Để làm được điều này, trong giai đoạn mới, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành giải quyết những nút thắt lớn của nền kinh tế. Đó là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng; tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư và tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế.

Trên thực tế, những nút thắt trọng yếu đó đã được Chính phủ quyết liệt giải quyết trong những năm qua. Chẳng hạn vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nước ta sẽ tiếp tục tiến hành cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, nước ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác trên 300 công trình, dự án hạ tầng có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, như đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, TPHCM - Trung Lương, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây… Nhờ đó, chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng chung tăng 24 bậc, từ 123/139 (năm 2010) lên 99/140 (năm 2015).

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào sử dụng cuối năm 2015.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào sử dụng cuối năm 2015.

Việc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công, những nút thắt dù đã kiên quyết xử lý nhưng vẫn  chưa đạt như kỳ vọng, nhằm đảm bảo sức khỏe tài chính của nền kinh tế. Chính phủ và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình đổi mới đất nước, sẽ hỗ trợ tối đa để thúc đẩy khu vực này phát triển. Ước tính, trong giai đoạn 2011-2015, số doanh nghiệp đăng ký mới thành lập là 384.100 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 2.330 ngàn tỷ đồng, tăng 16% về số doanh nghiệp và 18,5% về vốn so với 5 năm trước.

Các tin khác