Củng cố nội lực kiến quốc

Ngay sau đó, Chính phủ đã phát đi thông điệp cải cách mạnh mẽ: Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp. Các động thái trên có sức lan tỏa mạnh mẽ: Vào thời điểm cuối năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là con số kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập trong 1 năm. Sức sống mới của môi trường kinh doanh nước ta không chỉ ở con số sống động các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn ở tỷ trọng số vốn đăng ký kinh doanh: Bình quân đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Kế hoạch-Đầu tư nêu nhận xét: Rõ ràng với kết quả trên, cho thấy cơ hội mới đang mở ra, hấp dẫn giới đầu tư, kinh doanh. Đây chính là động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn tới!

(ĐTTCO) - Năm cũ qua đi, năm mới lại đến, mở ra kỳ vọng sự phát triển mạnh mẽ của đất nước năm 2017 trước những cải cách chiến lược của Đảng, Nhà nước đề ra trong giai đoạn phát triển mới 2016-2020.

 

Điểm cốt lõi được người dân, giới doanh nghiệp quan tâm là lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: Khu vực kinh tế tư nhân được xem là một động lực quan trọng của nền kinh tế; thực hiện các chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh thích ứng với bối cảnh kinh tế hội nhập.

Ngay sau đó, Chính phủ đã phát đi thông điệp cải cách mạnh mẽ: Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp. Các động thái trên có sức lan tỏa mạnh mẽ: Vào thời điểm cuối năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là con số kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập trong 1 năm.

Sức sống mới của môi trường kinh doanh nước ta không chỉ ở con số sống động các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn ở tỷ trọng số vốn đăng ký kinh doanh: Bình quân đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Kế hoạch-Đầu tư nêu nhận xét: Rõ ràng với kết quả trên, cho thấy cơ hội mới đang mở ra, hấp dẫn giới đầu tư, kinh doanh. Đây chính là động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn tới!

Nhìn lại bức tranh kinh tế-xã hội 2016, cả giới phân tích và người dân không khỏi ngỡ ngàng trước những tác động bất ổn dồn dập: Rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc; xâm nhập mặn và hạn hán ở Tây nguyên, các tỉnh ĐBSCL; sự cố cá chết 4 tỉnh miền Trung...

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế đã bị tác động nặng nề; riêng lĩnh vực nông nghiệp-thủy sản giảm mạnh, tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những cải thiện đáng ghi nhận về thể chế kinh tế, đã tạo sức bật vào những tháng cuối năm.

Năm 2016, nước ta đạt mức tăng trưởng 6,21%, thấp hơn kế hoạch và so cả với mức năm 2015, nhưng vẫn được giới phân tích đánh giá là tích cực, ấn tượng trong bối cảnh trong nước thiên tai diễn ra dồn dập và tác động quốc tế khó lường. Riêng tốc độ tăng CPI năm 2016 khoảng 4,74%, vẫn trong giới hạn cho phép. Có thể nói đây là các chỉ tiêu chính làm đẹp chỉ số vĩ mô trong bối cảnh kinh tế-xã hội diễn biến hết sức phức tạp năm qua.

Năm 2016 dù không đạt kế hoạch dự kiến, nhưng năm 2017 Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu tăng trưởng 6,7%, CPI khoảng 4%; là con số không dễ thực hiện và đòi hỏi có sự phấn đấu cao. Quốc hội cũng đứng trước bài toán khó, bởi lẽ nếu không đạt tăng trưởng dự kiến sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối, kéo theo các chỉ tiêu đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ bội chi, nợ công... bị ảnh hưởng, tăng cao hơn; trong khi đó Nhà nước xác định ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia là mục tiêu tổng quát thời gian tới.

Trước những băn khoăn về chỉ tiêu kinh tế-xã hội 2017, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho rằng tăng trưởng 6,7% là cao, nhưng có thể phấn đấu. Lý do là Chính phủ đã trình Quốc hội nhiều giải pháp căn cơ để ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thúc đẩy hiện đại hóa nền nông nghiệp...

Chúng ta đang sống trong môi trường kinh tế thế giới diễn biến bất ổn, khó lường. Trước hết là sự kiện “bất ngờ”: Nước Anh với kết quả Brexit, Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ với tương lai bất định về TPP, nhiều nước quay về thế trận “cốt lõi nội địa”... có thể tạo ra những cú sốc khó lường về kinh tế toàn cầu; thị trường cuối năm diễn biến phức tạp với giá dầu thô, vàng, ngoại tệ...

Thế giới cũng đang trở mình với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vẽ lại bản đồ kinh tế với dự báo sẽ làm suy giảm quyền lực với các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, thâm dụng lao động giản đơn và gia tăng sức mạnh ở các quốc gia phát triển trên nền tảng đổi mới công nghệ và sáng tạo. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, những nền kinh tế tận dụng được công nghệ mới sẽ phát triển mạnh mẽ, những nước chậm nắm bắt sẽ tụt hậu lại phía sau.

Bối cảnh quốc tế buộc ta phải nhìn lại thật kỹ chính mình, dựa vào nội lực để kiến quốc, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người nhằm tăng nhanh giá trị quốc gia...”.

Năm mới mở ra nhiều kỳ vọng, với chủ trương củng cố nội lực, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện phát triển doanh nghiệp dân doanh, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có chỗ đứng vững chắc trong hội nhập toàn cầu. Đó cũng là mong ước của muôn dân, khi ấy dứt khoát doanh nghiệp nước nhà sẽ khẳng định vai trò đột phá trong nền kinh tế số!

Các tin khác