Công ty tài chính: “Cục nợ” tập đoàn, tổng công ty

Công ty tài chính (CTTC) được các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) Nhà nước thành lập với nhiều kỳ vọng, nhưng hiệu quả đem lại là một sự thất vọng lớn lao. Giờ đây, CTTC trở thành một “cục nợ” đúng nghĩa đối với các TĐ, TCT khi “buông” cũng không dễ mà “giữ” lại chẳng xong.

Công ty tài chính (CTTC) được các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) Nhà nước thành lập với nhiều kỳ vọng, nhưng hiệu quả đem lại là một sự thất vọng lớn lao. Giờ đây, CTTC trở thành một “cục nợ” đúng nghĩa đối với các TĐ, TCT khi “buông” cũng không dễ mà “giữ” lại chẳng xong.

Từ kỳ vọng

Trong danh sách 18 CTTC hiện nay, chiếm hơn phân nửa là các CTTC thuộc TĐ, TCT Nhà nước. Cách đây 6 năm, những ai bỏ tiền đầu tư vào CTTC cũng kỳ vọng trong tương lai.

Theo cách nhìn của không ít người vào thời điểm 2006-2007, các CTTC nổi bật không kém gì ngân hàng, công ty chứng khoán hay quỹ đầu tư, bởi những công ty này gần như là “đối trọng” với các tổ chức tín dụng. Khi đó, cứ bỏ tiền vào CTTC là sinh lãi, vì hoạt động của các CTTC từ đầu vào là nguồn vốn nhận được từ tập đoàn đến đầu ra gồm các hoạt động đầu tư, cho vay, thu xếp vốn… tất cả đều “lấp lánh”.

Trong đợt khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ 2008, một số ý kiến chỉ ra rằng trái phiếu được đảm bảo bằng bất động sản là một trong những nguyên nhân chính gây ra khủng khoảng. Nhưng thực ra đây cũng chỉ là một công cụ để huy động vốn, vấn đề là những “người chơi” đã tạo ra đòn bẩy quá cao cho nó và dẫn đến rủi ro. Về bản chất, CTTC cũng như ngân hàng, là định chế tài chính trung gian của nền kinh tế, góp phần đa dạng hóa các kênh huy động và cung ứng vốn. Song vấn đề cần đặt ra ở đây là trong thực tế các CTTC của các TĐ, TCT được thành lập vì mục đích gì cũng chưa rõ. Quan trọng hơn nữa là đội ngũ quản lý có đủ năng lực để vận hành công ty hiệu quả hay không.

ThS. Đào Trung Kiên, 
Trường ĐH Kinh tế TPHCM

Cũng vì vậy nên dường như các TĐ, TCT khác chưa có CTTC cũng muốn “học tập” để tiến đến thành lập các CTTC. Vào năm 2008, một loạt CTTC thuộc các TĐ, TCT khác được hình thành như CTTC Sông Đà (SDFC) của TCT Sông Đà, CTTC Điện lực (EVNFC) của EVN hay CTTC Xi măng (CFC) với sự góp mặt của TCT Xi măng…

Nhìn vào thời điểm “khai sinh” của SDFC, EVNFC hay CFC, có thể dễ dàng thấy rằng các CTTC này đã xuất hiện ngay tại đỉnh của thị trường chứng khoán. Bởi lẽ thành lập vào năm 2008, cũng đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ từ năm 2007 và khi đó không thể lường trước được diễn biến của thị trường trong năm 2008 xấu như thế nào.

Đơn cử như đầu tháng 10-2007, TCT Sông Đà cùng 2 cổ đông sáng lập khác của SDFC đã họp ký kết thỏa thuận thành lập công ty, chắc chắn trước khi đi đến cuộc họp này đã có rất nhiều cuộc thảo luận, bàn bạc với sự thống nhất cao và kèm theo đó là tự tin.  

Hầu hết ra đời vào năm 2008, khi thị trường tài chính không thuận lợi do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên đến năm 2009 thị trường tài chính, chứng khoán, ngân hàng Việt Nam lại có một đợt phục hồi khá lạc quan.

Và đây cũng chính là cơ hội để một số CTTC đẩy mạnh hoạt động của mình. Năm 2009, tổng tài sản của EVNFC (có vốn điều lệ (VĐL) 2.500 tỷ đồng) đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng 87% so với kế hoạch năm; doanh thu tăng trưởng 157% kế hoạch năm, đạt 853 tỷ đồng; lợi nhuận ròng đạt 304 tỷ đồng, tăng 27% kế hoạch năm.

Những con số “hoành tráng” trong năm 2009 dường như tiếp thêm động lực cho EVNFC nói riêng và các CTTC khác năng nổ hơn nữa trong những năm tiếp theo. Nhưng điều đáng tiếc là năm 2009 là thời điểm thuận lợi cuối cùng của thị trường tài chính-chứng khoán trong 5 năm gần đây và cũng là cái bẫy khiến các CTTC sa lầy thực sự.

Đến sa lầy

Đầu năm 2010, Công ty Sông Đà Thăng Long (STL) đã từng là một thành viên của TCT Sông Đà, có VĐL 100 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, tức gấp hơn 30 lần VĐL. Tại thời điểm này, SDFC cho STL vay ngắn hạn 148,2 tỷ đồng, số tiền lớn gấp 1,5 lần VĐL của STL.

Cuối năm 2010, STL dù đã tăng VĐL lên 150 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả cũng tăng lên đến 5.330 tỷ đồng. Lúc này, số tiền SDFC cho STL vay đã lên đến 505 tỷ đồng, lớn hơn gấp 3 lần VĐL của STL.

Điểm đáng nói ở đây là tại thời điểm cuối năm 2010, VĐL của SDFC chỉ là 500 tỷ đồng, tức còn ít hơn cả số tiền TCT Sông Đà đã cho STL vay. SDFC cho STL vay số tiền lớn gấp nhiều lần VĐL của STL và lớn hơn cả VĐL của SDFC cho thấy rủi ro lớn như thế nào.

Công ty tài chính: “Cục nợ” tập đoàn, tổng công ty ảnh 1

PVFC là một trong những CTTC cho đến thời điểm này hoạt động
hiệu quả và đang xin chuyển đổi hoạt động sang mô hình ngân hàng
(trong ảnh: Lễ ký kết giữa PVF với VietinBank thỏa thuận
thu xếp vốn và đồng tài trợ vốn cho công ty liên doanh PV KEEZ PTE.LTD - Singapore).

Đáng chú ý hơn, góp phần tạo nên đòn bẩy cho STL còn có cả… EVNFC. Đầu năm 2011, khoản vay dài hạn của STL đối với EVNFC lên đến hơn 300 tỷ đồng, tức lớn gấp đôi VĐL của STL. Khoản cho vay của EVNFC đối với STL cũng tương đương 12% VĐL của EVNFC.

Trường hợp tương tự cũng diễn ra tại Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA). Đầu năm 2010, PVA chỉ vay dài hạn của PVF (mã chứng khoán Tổng CTCP Tài chính Dầu khí -PVFC) gần 7 tỷ đồng, nhưng 12 tháng sau đó, số tiền này đã tăng lên thành 213 tỷ đồng, gấp đôi VĐL của chính PVA. Cũng ngay tại thời điểm này, PVF cũng cho TCT Xây lắp Dầu khí (PVX) vay ngắn hạn lên đến gần 320 tỷ đồng.

Tổng số tiền PVF cho 2 công ty thuộc PVN vay đã lên đến hơn 500 tỷ đồng, chiếm đến 10% VĐL của công ty lúc bấy giờ. STL, PVA, PVX đều là những công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và năm 2012 vừa qua cả 3 đều thua lỗ nặng nề.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng, việc các CTTC cho các đơn vị này vay một cách dễ dãi đã góp phần đẩy chính các đơn vị này vào chỗ khó khăn như hiện nay. Vì điều này đã tạo ra thói quen sử dụng vốn vay một cách vô tội vạ dẫn đến rủi ro trong hoạt động.

Năm 2012 vừa qua, lợi nhuận sau thuế của SDFC chỉ đạt gần 700 triệu đồng, trong khi năm trước đó, chỉ tiêu này còn lên đến gần 80 tỷ đồng. Cuối năm 2011, tổng tài sản của SDFC còn đạt hơn 4.100 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2012 đã bị sụt giảm xuống chỉ còn hơn 2.400 tỷ đồng.

Bỏ thì thương, vương thì tội

Tính đến thời điểm này, mục tiêu ban đầu của các TĐ, TCT khi thành lập CTTC gần như thất bại hoàn toàn. Nhìn vào những gì SDFC hay EVNFC đã làm, không ít người sẽ có chung suy nghĩ rằng, các CTTC được lập ra đã dồn quá nhiều sức lực cho lĩnh vực bất động sản, chứ không phải cho hoạt động sản xuất chung của tập đoàn.

Nếu CTTC nào không đủ “lực” để tham gia thị trường, cạnh tranh với các đối tượng khác thì nên tính đến chuyện đóng cửa. Khi cơ thể đã có ung nhọt, thà một lần đau còn hơn để trở thành bệnh di căn. Tất nhiên, khi đặt vấn đề này ra sẽ gặp không ít thách thức, nhưng quan trọng nhất là ý chí của những người chủ của CTTC. Muốn đạt đến điều này, cần tiến hành tái cấu trúc yếu tố con người tại các CTTC theo hướng nâng cao hiệu quả để có thể thích nghi với thực tế một cách nhanh chóng. 

TS. Nguyễn Anh Tuấn,
Chuyên gia tài chính

Theo chiến lược của EVNFC, đến năm 2015, công ty sẽ là một trong 2 CTTC đứng đầu Việt Nam, hoạt động theo mô hình một định chế tài chính đầu tư hiện đại, hội nhập về quy mô, chất lượng và hiệu quả, tăng trưởng bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong thu xếp vốn và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho EVN, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Vĩnh Sơn-Sông Hinh (VSH) là một trong những công ty thủy điện tốt nhất trên sàn hiện nay.

Tính đến cuối năm 2012, công ty có khoản vay ngắn lẫn dài hạn vào khoảng 800 tỷ đồng. Nhưng điểm đáng nói ở đây là trong danh sách “chủ nợ” của VSH bao gồm rất nhiều ngân hàng có tên tuổi lại không thấy có EVNFC. Vậy thử hỏi, chức năng thu xếp vốn của EVNFC như thế nào, mà ngay đến “người nhà” của mình cũng không sử dụng lại đi vay từ bên ngoài?

Năm ngoái, thông tin về việc một số cán bộ của CTTC Cao su bị bắt giam do những sai phạm trong quản lý dẫn đến sự thua lỗ, đã khiến nhiều người giật mình và tự hỏi: Tập đoàn Cao su mà cũng có CTTC sao?

Thực tế thì vẫn còn có những CTTC mà có lẽ ngay cả đến dân tài chính cũng chưa nghe tên, chẳng hạn như CTTC Viettel-Vinaconex, CTTC Bưu điện, CTTC Hóa chất, thậm chí là CTTC Vinashin. Do đặc điểm của các công ty, hoặc chưa trở thành công ty đại chúng, hoặc do yếu tố minh bạch chưa cao, nên thông tin về các CTTC này khá hiếm hoi. Cũng vì vậy, để nhận biết hoạt động các công ty cũng không dễ dàng gì.

Các TĐ, TCT giờ đây dù có muốn cứu hoặc không cứu các CTTC của mình đều không đơn giản. Nếu cứu thì sẽ gặp thách thức về nguồn vốn, nguồn lực, ngoài ra có thể sa lầy vào việc đầu tư ngoài ngành.

Còn không cứu mà để các CTTC “tự bơi”, các công ty này sẽ đuối sức, dẫn đến hao tổn về chi phí, nhân lực. Bản thân hoạt động của một số CTTC từ những ngày đầu thành lập chủ yếu dựa vào TĐ, TCT mẹ hơn là tuân theo quy luật thị trường. 

Các tin khác