Công bằng, tránh lợi ích nhóm

(ĐTTCO) - Để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay, doanh nghiệp (DN) không thể bơi một mình mà cần có thể chế chính sách phù hợp. Để tìm hiểu sâu hơn những tâm tư này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông ĐỖ DUY THÁI, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt.

(ĐTTCO) - Để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay, doanh nghiệp (DN) không thể bơi một mình mà cần có thể chế chính sách phù hợp. Để tìm hiểu sâu hơn những tâm tư này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông ĐỖ DUY THÁI, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt.

PHÓNG VIÊN: - Ngay bây giờ ông có thể nói đến một lực cản khiến nhiều DNTN chưa thể phát triển mạnh mẽ trong môi trường hội nhập sâu hiện nay?

Ông ĐỖ DUY THÁI: - Tôi có thể khẳng định ngay rằng lực cản lớn nhất hiện nay khiến nhiều DNTN chưa thể phát triển mạnh mẽ trong môi trường hội nhập sâu rộng là thiếu sự công bằng. Bởi lẽ, đối với nhiều DNTN, công bằng chính là điều được mong muốn nhất để họ có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững. Và không ai khác chính Nhà nước phải tạo ra những thể chế, chính sách mang đến sự công bằng này. DNTN đầu tư bằng chính đồng tiền của mình, chúng tôi không cần hỗ trợ điều gì xa xôi, chỉ cần sự công bằng. Bởi nếu không công bằng DN sẽ không yên tâm đầu tư, nhất là với những DN chọn công nghiệp là hướng đi cho mình. Vì đầu tư vào công nghiệp là chọn con đường dài hơi 5 năm, 10 năm và lâu hơn thế. Có một thực tế đáng lo hiện nay là những nhà làm công nghiệp ngày càng ít, nhiều thương hiệu của Việt Nam đang đi xuống bởi những ông chủ DN này không an tâm với những gì đang xảy ra.

- Dường như ông đang đề cập đến chuyện Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 23-3 tới. Và rất nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao DN ông là dơn vị sản xuất phôi lớn lại phản đối điều có lợi cho mình?

- Đến thời điểm này, Pomina (công ty con của Thép Việt) vẫn là nhà sản xuất phôi lớn nhất Việt Nam, với công suất 1,5 triệu tấn/năm. Nhưng tôi nghĩ nên cạnh tranh sòng phẳng và mức thuế 10% đối với phôi thép là vừa đủ. Chúng ta không thể duy trì nền kinh tế đóng trong một thế giới mở như hiện nay. Tại những thời điểm phôi thép Trung Quốc bán phá giá tại các thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam như thời điểm cuối năm 2015, phôi thép do chúng tôi sản xuất vẫn cạnh tranh được với phôi thép nhập khẩu. Nếu thuế suất phôi thép nhập khẩu là 0% chắc chắn Pomina không cạnh tranh nổi. Nhưng với mức thuế 10% chúng tôi vẫn sống được.

Thực trạng ngành thép hiện nay có những DN không muốn tiến về phía trước, phần vì năng lực cạnh tranh gặp khó, nhưng chủ yếu lo ngại đi tiếp rủi ro sẽ lớn hơn. Bởi lẽ nhiều cơ chế, chính sách hiện nay đối với ngành thép dường như đang chỉ để phục vụ cho lợi ích nhóm, hơn là vì sự phát triển chung của toàn ngành thép.

Việc Bộ Công Thương áp mức thuế tạm thời với phôi thép 23,3% sẽ khiến các DN cán thép từ phôi nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến việc hài hòa lợi ích của các DN trong ngành thép Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là chưa kể khi giá thép tăng sẽ ảnh hưởng đến những ngành khác, chẳng hạn như bất động sản. Cũng có ý kiến đề cập đến vai trò của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong câu chuyện này, nhưng tôi không muốn bình luận thêm vì những người trong cuộc cũng quá hiểu vấn đề nằm ở đâu. Trong quyết định của Bộ Công Thương tôi ủng hộ việc áp thuế với sản phẩm thép dài, vì nó đang được bán giá thấp để hòng độc chiếm thị trường, nên việc áp thuế cao hơn sẽ giúp hạn chế việc này.

- Ông nói nhiều đến chữ công bằng, điều này cho thấy vẫn tồn tại nhiều vấn đề không công bằng. Như vậy liệu DNTN nói chung và Thép Việt nói riêng có tự tin hội nhập, thưa ông?

- Bàn về nội lực của chúng tôi không có vấn đề gì, vì chúng tôi ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng xuất khẩu sang một số quốc gia trong khu vực và thế giới, nên cũng không ngại cạnh tranh. Và như đã nói chúng tôi là DNTN, đầu tư bằng tài sản của mình, nên khi làm đã có những tính toán cẩn trọng bởi nếu thua lỗ sẽ không có ai đứng ra chịu trận giúp như một số DNNN thua lỗ. Nhưng nếu chỉ có nội lực không chưa đủ, để giải bài toán hội nhập, điều kiện cần chính là thể chế, chính sách phù hợp. DN dù có khỏe nhưng cũng không thể bơi một mình. Nhà nước cần có những chính sách phù hợp, cụ thể  nhằm động viên khuyến khích, hỗ trợ một cách thực chất cho DN phát triển. Làm sao để các DN chạy theo hàng ngang, không phải ưu tiên người này chạy trước, để người kia chạy sau. Ngành thép từ nhiều năm nay lợi nhuận không còn nhiều như trước. Đừng nghĩ đến việc sản xuất thu được lợi nhuận mấy chục phần trăm. Chỉ có cần cù siêng năng mới thu được lợi nhuận 2-3%. Có một thực tế đáng buồn là so với trước đây tôi cảm thấy lợi ích nhóm hiện nay cao hơn nhiều. Tôi biết để thay đổi điều này không dễ, nhưng dù khó vẫn phải làm và xem đây là yếu tố then chốt cần giải quyết trong thời gian tới. Chúng tôi cũng không đòi hỏi quá nhanh nhưng phải bắt đầu.

- Trong khi nhiều DNTN than vãn về vấn để cải cách hành chính, có vẻ ông lại không mấy quan tâm đến vấn đề này?

- Nói không quan tâm cũng không đúng, bởi câu chuyện về thuế, hải quan, về thái độ ứng xử của nhiều cán bộ, nhân viên các ngành này đã khiến DN bức xúc nhiều năm rồi. Đáng lo ngại là nó dường như đã trở thành căn bệnh chung của nhiều cán bộ trong bộ máy hành chính nước ta hiện nay. Tưởng như cái xấu đã trở thành bình thường, nhưng rất may thời gian qua khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan truyền thông, đã tác động mạnh khiến Nhà nước đã có những thay đổi rõ nét. Công cuộc cải cách hành chính đã từng bước được thực hiện có hiệu quả. DN nay chưa hẳn đã vui vẻ nhưng cũng không còn quá lo sợ những cơ quan này. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, bởi có cải cách mới phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng đang diễn ra sôi động. Nhân nói về vai trò của truyền thông, trước hết DN ở một góc nào cũng phải nói lời cảm ơn, rất mong với sức mạnh của mình, truyền thông sẽ tác động để cùng xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thông thoáng, tạo đà cho các DN phát triển đi lên một cách bền vững.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác