Có vượt nổi quy tắc khắc nghiệt?

(ĐTTCO) - Quy tắc xuất xứ không chỉ là chốt chặn với các nước ngoài TPP như Trung Quốc, mà còn là chốt chặn giữa chính các thành viên TPP với nhau. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức khắc nghiệt với Việt Nam, khi năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên, phụ liệu còn rất hạn chế.

(ĐTTCO) - Quy tắc xuất xứ không chỉ là chốt chặn với các nước ngoài TPP như Trung Quốc, mà còn là chốt chặn giữa chính các thành viên TPP với nhau. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức khắc nghiệt với Việt Nam, khi năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên, phụ liệu còn rất hạn chế.

 

Vậy quy tắc xuất xứ được hiểu như thế nào, nhằm mục đích gì, tại sao quy tắc xuất xứ lại “gây khó” cho DN Việt Nam và chúng ta sẽ ứng xử thế nào với quy tắc này?

Hiểu thế nào về quy tắc xuất xứ?

Một trong những nội dung quan trọng của TPP là quy tắc xuất xứ. Quy tắc này được hiểu là: các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ “nội khối” để được hưởng các ưu đãi thuế suất 0%. Theo quy tắc xuất xứ hàng hóa trong những hiệp định thương mại tự do khác, chúng ta chỉ phải đáp ứng quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (chẳng hạn, để sản xuất được mũ giày, thì chúng ta được phép nhập khẩu tất cả các nguyên phụ liệu, mà không trùng với mã HS của mũ giày đó từ bên ngoài khu vực mậu dịch tự do).

Tuy nhiên, TPP lại có thêm quy định về hàm lượng giá trị khu vực, nghĩa là sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên. DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công.

Về tổng thể, có hai nhóm tiêu chí xuất xứ áp dụng cho hai đối tượng hàng hóa khác nhau. Đối tượng thứ nhất là các hàng hóa được sản xuất tại duy nhất một quốc gia/vùng lãnh thổ; khi đó hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy tại quốc gia/vùng lãnh thổ này (ví dụ thanh long được trồng và thu hoạch tại Việt Nam). Tiêu chí xuất xứ thuần túy trong TPP về cơ bản sẽ giống các FTA khác: liệt kê các trường hợp hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy (chủ yếu là nông, lâm, thủy, hải sản và khoáng sản).

Loại thứ hai phức tạp hơn, đó là các hàng hóa được sản xuất tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, hay còn gọi là hàng hóa có xuất xứ không thuần túy. Chẳng hạn, vải nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam để gia công thành áo sơ mi sẽ có xuất xứ Trung Quốc hay Việt Nam? Câu trả lời phụ thuộc vào việc hàng hóa đã đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ tương ứng (trên 55% tổng nguyên, vật liệu) với nó hay chưa?

Quy tắc xuất xứ để làm gì?

Để trả lời câu hỏi này, hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu không có quy tắc xuất xứ. Giả sử mặt hàng X xuất xứ từ Trung Quốc; thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ là 20%, vào Việt Nam là 5%. Trung Quốc có thể đưa hàng vào Việt Nam (với mức thuế 5%), sau đó tái xuất sang Mỹ để hưởng mức thuế nhập khẩu rất thấp, hoặc bằng 0% trong TPP. Khi đó, Trung Quốc vẫn được hưởng lợi từ TPP không khác gì một thành viên của Hiệp định.

Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra khi áp dụng quy tắc xuất xứ của TPP. Chỉ khi mặt hàng X có xuất xứ Trung Quốc đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ của TPP sau quá trình gia công, chế biến tại Việt Nam, nó mới có cơ hội hưởng ưu đãi (khi đó X đã chuyển hóa thành một hàng hóa có xuất xứ nội khối TPP). Nếu đơn thuần chỉ tái xuất, hoặc gia công giản đơn, X sẽ vẫn mang xuất xứ Trung Quốc và không được hưởng ưu đãi khi nhập khẩu vào Mỹ dù đi đường vòng qua Việt Nam.

Ưu đãi đúng đối tượng là mục đích quan trọng nhất của quy tắc xuất xứ trong các FTA nói chung và TPP nói riêng. Đây là một lý do cơ bản của việc Trung Quốc không được hưởng lợi trực tiếp từ TPP do không phải thành viên của Hiệp định này.

Cũng cần lưu ý trường hợp các thành viên TPP dùng nguyên, vật liệu/bán thành phẩm của Trung Quốc để sản xuất thành phẩm đáp ứng tiêu chí xuất xứ, thì thành phẩm đó vẫn được hưởng ưu đãi. Một số nước thành viên TPP đã ký các FTA từ trước với Trung Quốc, ví dụ Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA).

Do đó, nguyên, vật liệu/bán thành phẩm của Trung Quốc vẫn có thể được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất thấp (nhờ ACFTA), rồi gia công, chế biến đến mức đạt tiêu chuẩn xuất xứ. Sau đó, xuất khẩu sang các nước thành viên TPP và hưởng ưu đãi theo Hiệp định. Trong trường hợp này, Trung Quốc vẫn gián tiếp được hưởng lợi từ TPP.

Tuy nhiên, không loại trừ việc giảm nhập khẩu nguyên, vật liệu/bán thành phẩm từ Trung Quốc nhờ hai nguyên nhân: (i) Thuế nhập khẩu nguyên vật liệu/bán thành phẩm từ các nước thành viên TPP giảm giúp giá cả cạnh tranh hơn; (ii) Nguyên tắc cộng gộp xuất xứ khi tính hàm lượng giá trị khu vực – chỉ nguyên vật liệu/bán thành phẩm có xuất xứ TPP mới được cộng gộp với nhau – sẽ khuyến khích các nước thành viên TPP mua nguyên vật liệu của nhau, thay vì mua từ Trung Quốc.

Vì sao quy tắc xuất xứ lại “gây khó” cho DN Việt?

Trước tiên, cần hiểu quy tắc xuất xứ không chỉ là chốt chặn với các nước ngoài TPP, mà còn là chốt chặn giữa chính các thành viên TPP với nhau, vì chỉ hàng hóa đáp ứng được quy tắc xuất xứ mới được hưởng ưu đãi. Đối với Việt Nam, ngoài nhóm sản phẩm có xuất xứ thuần túy, các sản phẩm sử dụng đầu vào nhập khẩu (nhất là từ các nước ngoài TPP) sẽ gặp không ít khó khăn.

Với tỷ lệ nội địa hóa thấp như hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Ngay như trong công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 55%, Indonesia với 43%.

Bên cạnh đó, để đạt mức 40%-45% theo tiêu chí hàm lượng giá trị không phải là điều dễ dàng. Như đã nói ở trên, nguyên tắc cộng gộp sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nguyên liệu của Việt Nam, song cũng sẽ có những hệ lụy. Việt Nam có thể vẫn sẽ chỉ xuất khẩu nguyên sản phẩm thô; hoặc vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên, vật liệu/bán thành phẩm từ các nước TPP về gia công với giá trị gia tăng thấp (do ỷ lại vào nguyên tắc cộng gộp). Viễn cảnh trên dễ xảy ra trong thực tế.

Có thể nói, với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên, phụ liệu còn hạn chế, thì những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các DN Việt. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may, da giày của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 9,91% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, nhập từ Trung Quốc gần 1,2 tỷ USD, từ Hàn Quốc gần 530 triệu USD, từ Đài Loan (Trung Quốc) 317 triệu USD, từ Hoa Kỳ 197 triệu USD. Điều này cho thấy, việc các DN phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn rất lớn, trong đó, với việc nhập khẩu từ các nền kinh tế không là thanh viên của TPP, như: Trung Quốc, Đài Loan, các DN Việt Nam sẽ không thể được hưởng lợi khi áp dụng quy tắc xuất xứ.

Hai là, các DN Việt Nam hiện nay vẫn đang vận động theo tư duy thích ăn xổi, thích kinh doanh, buôn bán hơn sản xuất. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, hiện có khoảng 63%-65% DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phi sản xuất. Việc không tích cực tham gia, xây dựng các chuỗi sản xuất cung ứng trong nước sẽ là điểm yếu (nếu không nói là tử huyệt) khiến Việt Nam khó hưởng lợi từ quy tắc xuất xứ trong TPP. Đã thế, Việt Nam lại rất dễ bị hàng hóa từ 11 nước còn lại của TPP cạnh tranh.

Ba là, sự cạnh tranh với hàng nội địa sẽ đến nhanh nhất từ hàng hóa nhập khẩu ngay từ đầu đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ của TPP, mà không cần quá trình điều chỉnh sản xuất. Chẳng hạn, các mặt hàng có xuất xứ thuần túy, như: thịt, trứng, sữa, đường mía… từ Mỹ, Úc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam với thuế suất 0%. Điều này trên thực tế đã diễn ra.

Tháng 08/2015, các hộ chăn nuôi Việt Nam đã một phen điêu đứng khi thịt gà Mỹ siêu rẻ tràn vào Việt Nam, khiến thịt gà chăn nuôi trong nước ế ẩm, không cạnh tranh được. Với mặt hàng thịt bò, những năm gần đây, bò nhập khẩu từ Australia có giá thấp hơn bò Việt Nam. Trong cơ cấu bữa ăn của người Việt, thịt lợn, thịt gà và thịt bò đều là món ăn chủ yếu, được sử dụng phổ biến, hàng ngày, nên nếu thịt từ TPP với thuế suất 0% tràn vào, sẽ tạo ra thách thức lớn đối với sản xuất trong nước. Đó là còn chưa nói tới tệ nạn làm dối, làm giả và sử dụng hóa chất độc hại làm mất niềm tin của người sử dụng trong nước vào chính hàng hóa trong nước làm ra.

Ứng xử thế nào với quy tắc xuất xứ?

Có thể nói, quy tắc xuất xứ của TPP vừa là thách thức, vừa là cơ hội mở ra đối với hàng hóa của Việt Nam. Nếu vượt qua thách thức, khai thác được cơ hội, Việt Nam sẽ sớm vượt qua thực trạng là một nước gia công đơn giản, chủ yếu là sử dụng lao động giá rẻ. Để làm được điều này, theo tôi, cần chú ý đến những vấn đề sau:

Về phía Nhà nước:

Khi toàn văn TPP được công bố, Chính phủ cần xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo về quy tắc xuất xứ đến cộng đồng DN, trong đó đưa ra khuyến nghị từng nhóm ngành dựa trên các tiêu chí áp dụng với sản phẩm của nhóm ngành đó.

Tận dụng được quy tắc xuất xứ hay không và tận dụng được đến đâu phụ thuộc phần lớn vào sự nắm bắt và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét có những chỉnh sửa về chính sách để phù hợp với cam kết TPP.

Về phía DN:

Thứ nhất, để đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, DN cần nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ trong TPP (sau khi được ký kết) để chắc chắn hàng hóa đáp ứng quy tắc cộng gộp và các tiêu chí xuất xứ tương ứng trước khi sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt, cần nhận thức rõ vướng mắc lớn nhất trong vấn đề xuất xứ hàng hóa là do Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là bởi Việt Nam chưa xây dựng được công nghiệp hỗ trợ, dẫn đến việc hầu hết các phụ kiện đều phải nhập khẩu. Vì vậy, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là chúng ta phải khẩn trương xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, những ngành gia công, chế biến, như: dệt may, da giày, điện tử, gỗ… hiện nay đang nhập khẩu từ các nước thứ 3 ngoài TPP cần được rà soát lại để tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, hoặc nhập khẩu nguyên liệu của các nước thành viên TPP để thay thế các nước ngoài TPP. Những ngành sản xuất hiện nay ở trong nước cũng cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa từ các nước TPP, mà sẽ được hưởng những ưu đãi rất lớn khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Thứ ba, mỗi DN cần xác định chiến lược kinh doanh riêng cho mình tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, tận dụng hoặc xây dựng các vùng nguyên liệu sẵn có để chiếm lĩnh thị trường nội địa và phát huy thế mạnh, tạo thương hiệu đẩy mạnh xuất khẩu, hoặc xây dựng chuỗi cung ứng riêng ngay trong nước.

Thứ tư, cần hiệp lực toàn xã hội cùng với Nhà nước đấu tranh quyết liệt với tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… để khôi phục niềm tin tiêu dùng của hơn 90 triệu người dân đối với sản phẩm made in Vietnam.

Trách nhiệm sống còn của các DN cũng chính là đây trong việc đón nhận thời cơ mới.

Phùng Thị Phương Anh















Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các tin khác