Cơ hội sàng lọc doanh nghiệp

Là thuyền trưởng nếu không vững tay lái sẽ không thể điều khiển “con thuyền doanh nghiệp” vượt qua nhiều con sóng dữ như hiện nay. Đó là chia sẻ của luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân TPHCM (HHDN), nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10.

Là thuyền trưởng nếu không vững tay lái sẽ không thể điều khiển “con thuyền doanh nghiệp” vượt qua nhiều con sóng dữ như hiện nay. Đó là chia sẻ của luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân TPHCM (HHDN), nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

-PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, năm 2011 dường như đang khiến nhiều doanh nhân kiệt sức?

Ông PHẠM NGỌC HƯNG: - Năm 2011, HHDN chỉ chọn được gần 100 trong 15.000 doanh nghiệp trên địa bàn để trao giải thưởng doanh nghiệp tiêu biểu, một con số quá khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, doanh nghiệp đang phải gánh chịu lãi suất quá cao trên 20%/năm. Số lượng doanh nghiệp tiếp cận được mức lãi suất thấp từ 17-19%/năm quá ít, đa phần là doanh nghiệp lớn. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), việc tiếp cận với nguồn vốn vay đã khó nên để được hưởng lãi suất ưu đãi lại càng xa vời hơn.

Lý do, các DNNVV thường quản lý theo kiểu gia đình nên sổ sách chưa minh bạch, rõ ràng. Điều này khiến các ngân hàng, cũng như các tổ chức bảo lãnh tín dụng rất e ngại. Thêm vào đó, các DNNVV chưa biết xây dựng phương án kinh doanh mang tính thuyết phục và hiếm khi có dự án lớn.

Thứ hai, giá thành các nguyên liệu đầu vào liên tục tăng từ đầu năm tới nay, trong khi sức mua của người dân giảm nên doanh nghiệp phải tìm mọi cách khuyến mại, giảm giá thành sản phẩm để kích thích tiêu dùng.

Thứ ba, các cơ chế của Nhà nước với doanh nghiệp chưa thông thoáng, chính sách của Nhà nước đôi khi gây bất ngờ cho doanh nghiệp.

Trước những khó khăn chung ấy, có những doanh nghiệp phải tuyên bố giải thể hay tạm ngưng hoạt động, song cũng có doanh nghiệp mới vẫn ra đời, không ít doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Đó là nhờ họ tung ra được những dòng sản phẩm phù hợp; có những biện pháp tái cơ cấu, giảm vay, bán bớt tài sản để lành mạnh tài chính; chậm triển khai các dự án chưa thực sự cần thiết để bảo toàn nguồn vốn; tìm kiếm thị trường mới. Và hơn lúc nào hết, bản lĩnh của mỗi doanh nhân đang được thể hiện hết sức sinh động.

Nếu doanh nhân nào không có bản lĩnh, trình độ, không biết sắp xếp, không nhìn rõ các vấn đề thị trường, không biết định hướng chiến lược, không xây dựng quản trị một khách khoa học, chắc chắn doanh nghiệp không thể tồn tại. Điều tôi muốn nhấn mạnh: Khó khăn là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp.

- Với vai trò của mình, HHDN đã làm gì để giúp các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay?

- HHDN với tư cách là đại diện cho các doanh nghiệp nên chúng tôi rất tích cực tham gia chương trình của TPHCM, đưa những chương trình hỗ trợ của Nhà nước đến các doanh nghiệp, như chương trình hội nhập WTO (giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức khi hội nhập WTO); tổ chức trao đổi, tọa đàm với doanh nghiệp; nghe ý kiến doanh nghiệp hàng tuần, hàng tháng thông qua các cuộc thăm dò, tổ chức các đoàn đi các quận, huyện, hội ngành nghề để ghi nhận những khó khăn sau đó phản ánh lại với Thành ủy và UBND TP để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.

Gần đây, chúng tôi có phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 33 của UBND TPHCM về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu với sự tài trợ của Ngân hàng Phương Đông (OCB). Chúng tôi còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV, tiếp cận các nguồn vốn bảo lãnh tín dụng.

Hiện nay, HHDN cũng là thành viên của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV, vì thế doanh nghiệp nào gặp khó khăn đều được chúng tôi giúp tiếp cận quỹ này. Tuy nhiên cũng có một thực tế cần nhìn nhận, HHDN giới thiệu nhiều nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này còn quá ít.

Ngoài những nguyên nhân từ phía các DNNVV, bản thân các quỹ giải quyết thủ tục còn quá chậm, trong khi doanh nghiệp luôn cần có vốn nhanh.

- Năm 2012 được dự báo sẽ còn rất nhiều thách thức, theo ông các doanh nghiệp, doanh nhân nên chuẩn bị tâm thế như thế nào để sẵn sàng cho một năm mới đang đến gần?

- Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế thế giới trong năm 2012 vẫn còn nhiều gam màu tối. Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ thách thức chung ấy.

Để giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Chính phủ đang thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo kỳ vọng, năm 2012 lạm phát nước ta vào khoảng 8-10%, lãi suất huy động có thể giảm xuống 12-13%/năm và như vậy doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn.

Trong lộ trình ấy, các doanh nghiệp cần phải tự “khám bệnh” và phải “khám” toàn diện chứ không phải đau đâu khám đó. Theo đó, doanh nghiệp phải trả lời cho được những câu hỏi như: bộ máy đã đủ mạnh để làm những công việc vạch ra theo kế hoạch? Sản phẩm có được thị trường chấp nhận? Có cần cải tiến gì hay đưa chính sách nào thêm vào? Tài chính phân bổ hợp lý chưa?

Năm 2011, nhiều doanh nghiệp vì khó khăn về nguồn vốn nên chưa dám đầu tư. Nhưng nếu cứ cầm cự như thế cũng không thể trụ vững. Vì thế doanh nghiệp cần mạnh dạn áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu mới. Thí dụ xuất khẩu đang gặp khó doanh nghiệp phải nhanh chân chiếm lĩnh thị trường nội địa trước khi hàng hóa nước ngoài ồ ạt tràn vào. Như đã nói, thách thức luôn song hành với cơ hội.

Khó khăn của doanh nghiệp này có thể là cơ hội cho doanh nghiệp khác. Và thêm một lần nữa tôi muốn nói tới bản lĩnh của thuyền trưởng trong việc nhìn ra và nắm lấy cơ hội.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác