Chuyện ở Liễu Châu

Từ cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn), mất hơn 5 giờ đi ô tô trên đường cao tốc, qua Nam Ninh sẽ đến Liễu Châu. Đây là thành phố công nghiệp lớn thứ hai của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (sau Nam Ninh). Liễu Châu là nơi ghi dấu nhiều sự kiện liên quan đến quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn từ năm 1939-1944).

Từ cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn), mất hơn 5 giờ đi ô tô trên đường cao tốc, qua Nam Ninh sẽ đến Liễu Châu. Đây là thành phố công nghiệp lớn thứ hai của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (sau Nam Ninh). Liễu Châu là nơi ghi dấu nhiều sự kiện liên quan đến quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn từ năm 1939-1944).

Trong những năm 1939-1940, Bác Hồ đã qua lại Liễu Châu nhiều lần, chuẩn bị kế hoạch trở về Việt Nam lãnh đạo cách mạng. Năm 1942, sau khi đã về Pắc Bó, Cao Bằng, Người đi công tác sang Trung Quốc và bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giữ.

Trong những tháng bị đầy ải qua nhiều nhà tù trên đất Quảng Tây, Người đã 2 lần bị giam ở Liễu Châu. Nhưng cũng chính tại thành phố Liễu Châu xinh đẹp này, Người được trả lại tự do vào tháng 9-1943. Cùng với nhiều địa danh khác ở Quảng Tây như Quế Lâm, Long Châu, Nam Ninh... Liễu Châu đã nhiều lần được Bác Hồ nhắc đến trong tập "Nhật ký trong tù".

Khách tham quan các hiện vật ở Khu di tích nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu.

Khách tham quan các hiện vật ở Khu di tích nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Liễu Châu.

Giới thiệu với chúng tôi về Khu di tích Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Trưởng Ban quản lý nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, ông Ôn Kỳ Châu, cho biết Liễu Châu có nhiều địa điểm lưu lại những dấu tích lịch sử về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như hang núi từng giam giữ Người, địa chỉ nhà tù cũ; nhà trọ Nam Dương là nơi ở của Người sau khi ra tù; Hồng Lầu là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954...

Năm 1997, chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây quyết định công nhận nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở bảo vệ văn vật cấp tỉnh và năm 2006 được Quốc Vụ Viện Trung Quốc nâng cấp trở thành cơ sở bảo vệ văn vật cấp quốc gia.

Ông Ôn Kỳ Châu cho rằng trong quá trình hoạt động cách mạng, đấu tranh giành độc lập dân tộc cho đất nước và nhân dân Việt Nam, tại Liễu Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại nhiều tình cảm gắn bó keo sơn với nhân dân Trung Quốc nói chung và nhân dân Liễu Châu nói riêng. Những di sản lịch sử và văn hóa quý báu đó được các thế hệ 2 nước nâng niu, giữ gìn.

Thăm khu di tích nhà trọ Nam Dương, nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Bích Thủy (Công ty Nam Hương, Hà Nội) đầy xúc động nói: "Thấy nước bạn vẫn lưu giữ, bảo quản và trân trọng gìn giữ những kỷ vật của Bác Hồ, tôi vô cùng nghẹn ngào. Thật khó để nói hết cảm xúc, nhưng thấy rất tự hào về Bác, một con người vĩ đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà bạn bè quốc tế cũng công nhận điều đó".

Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư trú gần 1 năm (từ tháng 9-1943 sau khi được tự do đến cuối năm 1944). Cùng lúc Bác Hồ ở Liễu Châu, còn có nhiều cán bộ khác của Đảng cũng tham gia lớp huấn luyện tại đây. Phần lớn những cán bộ này thường trú ở khách sạn Lạc Quần, rất gần khu nhà trọ Nam Dương này.

Giường ngủ và bàn làm việc trong phòng trọ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích nhà trọ Nam Dương.

Giường ngủ và bàn làm việc trong phòng trọ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
ở khu di tích nhà trọ Nam Dương.

Tổng diện tích khu di tích này với căn nhà 2 tầng khoảng trên 300m2. Tất cả hiện vật đều được lưu giữ cẩn thận, trang trọng. Vì thế, một không khí thân thuộc, gần gũi, ấm cúng luôn lan tỏa đối với khách tham quan.

Tầng một tòa nhà là các tư liệu chung về cuộc đời cách mạng của Người, gác hai là những hiện vật, tư liệu về thời gian Bác Hồ hoạt động ở Liễu Châu. Tại đây còn lưu giữ khá tốt căn phòng nơi Bác ở. Vẫn còn đó chiếc giường mộc mạc, bộ bàn ghế nhỏ, cái điện thoại, đồng hồ, chậu rửa mặt...

Đứng trong gian phòng nhỏ chỉ vài m2, được ngăn ước lệ với gian ngoài bằng tấm liếp mỏng, khách tham quan có thể hình dung Bác hàng đêm cặm cụi bên bàn viết, tìm đường, vạch lối để liên lạc với các đồng chí trong nước, tìm hướng đi cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nước nhà...

Đặng Ánh Bình, 27 tuổi, phiên dịch viên người Trung Quốc ở khu di tích, cho biết đoàn khách Việt Nam nào đến thăm Liễu Châu cũng đều đến thăm nhà cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây. Khu di tích nhà trọ Nam Dương này như một điểm hẹn tất yếu mà ai cũng muốn đến thăm và ai cũng vậy, tất cả đều bày tỏ tình cảm rất sâu đậm, rất đặc biệt đối với vị lãnh tụ của Việt Nam...

Khoảng 1 năm Bác Hồ sống ở Liễu Châu sau khi ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, tâm trí Người hướng về Tổ quốc, chắp mối liên lạc với Trung ương Đảng ở trong nước, nung nấu kế hoạch giải phóng đất nước.

Chính tại đây, những ngày đầu mới ra tù, Người đã rèn luyện sức khỏe bằng cách tập leo núi ở ngọn núi Ngư Phong, đối diện với khu nhà trọ Nam Dương bên kia sông Liễu Giang. Đó chính là ngọn núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng trong bài thơ “Mới ra tù học leo núi” của Hồ Chí Minh. "Núi ấp ôm mây, mây ấp núi / Lòng sông gương sáng, bụi không mờ / Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh / Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa".

Cuối tháng 9-1944, Bác Hồ cùng 18 thanh niên Việt Nam yêu nước rời Liễu Châu lên đường về Pắc Bó, Cao Bằng, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam 1 năm sau đó...

Các tin khác