Thành phố Hồ Chí Minh

Chuyển dịch đúng hướng, tăng sức cạnh tranh

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2014), TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đã nhận định tổng quát về chương trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Báo ĐTTC lược ghi ý kiến xung quanh vấn đề này.

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2014), TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đã nhận định tổng quát về chương trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Báo ĐTTC lược ghi ý kiến xung quanh vấn đề này.

Nhiệm vụ thời kỳ đổi mới

Để nhìn vào kết quả của chương trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM nhân kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta phải nhìn lại quá trình phát triển của TPHCM. Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, TPHCM đã đạt thành tựu rất lớn về cả kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt trong việc phát triển, mở rộng và chỉnh trang đô thị để có được bộ mặt đô thị như ngày nay.

Trong quá trình tăng trưởng kinh tế trong suốt 20 năm từ 1991-2010, TPHCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 con số, hơn 10% mỗi năm, là địa phương luôn đi đầu cả nước về tăng trưởng, quy mô kinh tế ngày càng lớn, chiếm khoảng 21% cơ cấu GDP của cả nước. Kinh tế TPHCM chiếm hơn 1/5 tổng nền kinh tế của cả nước, đóng góp khoảng 30% ngân sách quốc gia.  

Về thành quả, đến nay có thể thấy cơ cấu kinh tế TPHCM đã chuyển dịch đúng hướng. Hiện nay khu vực dịch vụ chiếm 57%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 42%, nông nghiệp chỉ còn chiếm 1%. Trong khu vực công nghiệp, 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn và lĩnh vực dịch vụ có bước phát triển mạnh.

Với vai trò, vị trí to lớn như vậy, nhưng từ đầu thế kỷ 21, tức khi bước vào năm 2001, TPHCM đã nhận định cơ cấu kinh tế phát triển theo chiều rộng, mất dần lợi thế cạnh tranh và năng lực cạnh tranh thể hiện yếu kém, đặc biệt nếu nhìn vào định hướng lâu dài trong bối cảnh hội nhập.

Do đó, từ năm 2001, ngay từ kế hoạch 5 năm 2001-2005, TPHCM đã đặt ra mục tiêu và chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực chất nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng là bước đầu tiên của việc chuyển đổi mô hình và tái cấu trúc. Chương trình này đã đặt lại nội hàm của cơ cấu kinh tế TPHCM, với trọng tâm thế mạnh cần phát triển chọn 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ.

Theo đó, 4 nhóm ngành công nghiệp gồm nhóm ngành cơ khí; nhóm ngành điện tử viễn thông và tin học; nhóm ngành liên quan đến các loại hóa chất, hóa dược và nhóm ngành tinh chế lương thực thực phẩm đi vào giá trị gia tăng. Trong lĩnh vực dịch vụ, 9 nhóm ngành gồm: thương mại trong đó tập trung vào thương mại quốc tế; tài chính tín dụng ngân hàng; vận tải và logistics; dịch vụ công nghệ thông tin; thị trường bất động sản; dịch vụ khoa học công nghệ; du lịch; y tế kỹ thuật cao và giáo dục đào tạo chất lượng cao.

Trên cơ sở chuyển dịch kinh tế với các nhóm ngành đó, TPHCM định hướng và tiến hành một nhiệm vụ rất quan trọng là hỗ trợ cho các doanh nghiệp di dời, đổi mới công nghệ và cơ chế bù lãi suất, chuyển toàn bộ doanh nghiệp từ các khu dân cư vào các khu công nghiệp. Đồng thời, TPHCM tiến hành xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp phần mềm Quang Trung, khu y tế kỹ thuật cao và khu nông nghiệp kỹ thuật cao. Đây là những định chế hỗ trợ tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong kế hoạch 5 năm 2006-2010, TPHCM tiếp tục thực hiện chương trình trên, đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho đến năm 2010, trước Đại hội lần thứ XI của Đảng. Từ nền tảng của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năm 2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đặt ra mục tiêu về kinh tế là nâng cao chất lượng tăng trưởng, đồng thời về mặt đô thị đề ra chủ trương xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị.

Phát huy hiệu quả thực tế

Có thể nói, TPHCM đã làm được 3 việc. Thứ nhất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng đề ra, tức 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trong đó, 9 nhóm ngành dịch vụ đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong những năm gần đây. Đặc biệt, những ngành trong những năm khó khăn, bất ổn vĩ mô lại có sự tăng trưởng cao để kéo tốc độ tăng trưởng của TPHCM lên.

Thứ hai, TPHCM đã chủ động sáng tạo đưa ra chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sớm hơn chủ trương chung về tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời sớm đưa ra những định chế hỗ trợ như khu công nghệ cao, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, y tế kỹ thuật cao…

Thứ ba, tuy còn chậm nhưng chất lượng và năng lực cạnh tranh các ngành ngày càng nâng cao. Chẳng hạn ngành cơ khí hiện nay đã có những sản phẩm có khả năng cạnh tranh được so với hàng nhập khẩu, thậm chí có những sản phẩm trong nước chất lượng không thua kém hàng ngoại nhưng giá chỉ bằng 70% so với giá nhập khẩu.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng nghiêm túc nhìn nhận sự chuyển dịch vẫn rất chậm và năng lực cạnh tranh các ngành của TPHCM vẫn còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập. Mục tiêu của chương trình đi vào chất lượng tăng trưởng nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm có tốc độ tăng rất chậm, cơ bản kinh tế vẫn dựa trên tăng trưởng dựa vào vốn, năng suất lao động vẫn còn thấp.

Đó là những vấn đề đang đặt ra cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Riêng tôi nhận thấy vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM còn một số mặt chưa được. Cụ thể, về mặt chủ quan của TPHCM, tuy đề ra mục tiêu như vậy nhưng vấn đề theo đuổi, xử lý các biện pháp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ và chậm, từ đó tiến độ thực hiện khá chậm.

Thí dụ, vấn đề xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đặt ra hàng chục năm nhưng kết quả còn hạn chế. Hay việc xây dựng trung tâm cơ khí cũng đặt ra nhưng tiến độ thực hiện khá chậm. Về khách quan, chính sách vĩ mô chưa có, như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên quan đến chính sách đất đai, chính sách tín dụng… chưa có tác dụng tích cực thúc đẩy đối với TPHCM. Cũng cần nhìn nhận kinh tế TPHCM là một bộ phận của nền kinh tế cả nước nên TPHCM không thể làm riêng, làm khác được.

Đồng bộ thực hiện các giải pháp

Hiện nay, sau khi sơ kết 3 năm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TPHCM đã đưa ra các giải pháp để đến năm 2015 tiếp tục thúc đẩy chương trình này. Trong đó tập trung lớn nhất đi vào chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với công nghiệp hỗ trợ, được coi là trụ cột để tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đồng thời, TPHCM đang kiến nghị Trung ương một số chính sách để tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây là mục tiêu tập trung của TPHCM trong những năm tới, bởi chính công nghiệp hỗ trợ là cốt lõi của vấn đề chuyển nền kinh tế từ gia công sang sản xuất.

TPHCM luôn đi đầu cả nước về tăng trưởng. Ảnh: LONG THANH

TPHCM luôn đi đầu cả nước về tăng trưởng.  Ảnh: LONG THANH

Trong các giải pháp đề ra, hiện nay TPHCM đang nghiên cứu nhằm tìm ra những biện pháp có thể làm được để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó tập trung nhóm mạnh là nhóm ngành cơ khí, gồm các loại cơ khí trang bị cho nền kinh tế, sản xuất linh kiện phụ kiện; các nhóm liên quan đến công nghiệp hỗ trợ cho các ngành nhựa, cao su, chất dẻo; nhóm ngành liên quan đến phát triển linh kiện của ngành điện tử viễn thông.

Thực tế, hiện nay chúng ta thu hút những tập đoàn lớn như Intel vào khu công nghệ, nhưng vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ để lan tỏa vẫn chưa làm được.

Tiếp theo, TPHCM phải tiếp tục cải cách hành chính đối với bộ máy hành chính và phải làm sao để hỗ trợ thực sự, tổ chức lại các định chế hỗ trợ như các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp hiện đang có nhưng hoạt động chưa hiệu quả, phải tiếp tục làm.

Cuối cùng, TPHCM đang nghiên cứu đề xuất Trung ương một số chính sách để cùng với chính sách chung có thể phát triển được theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, một vấn đề có liên quan là vấn đề cải cách, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 17-18% trong cơ cấu GDP TPHCM, nhưng nguồn lực này phải được tận dụng để hỗ trợ các thành phần kinh tế khác.

Các tin khác