Chung cư cao tầng: Cảnh báo an toàn cháy nổ

(ĐTTCO) - Tình trạng hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng ở TPHCM thời gian gần đây xảy ra liên tục, gióng hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy không chỉ chung cư cũ, ngay cả chung cư mới chủ đầu tư xây dựng các tòa nhà và cả cư dân trong các chung cư dường như vẫn còn lơ là, thiếu ý thức về vấn đề này.

(ĐTTCO) - Tình trạng hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng ở TPHCM thời gian gần đây xảy ra liên tục, gióng hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy không chỉ chung cư cũ, ngay cả chung cư mới chủ đầu tư xây dựng các tòa nhà và cả cư dân trong các chung cư dường như vẫn còn lơ là, thiếu ý thức về vấn đề này.

Cháy mới biết chưa nghiệm thu PCCC 

Chủ đầu tư đưa dân vào ở trong các chung cư cao tầng khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng; thay đổi công năng các hạng mục trong chung cư, không tổ chức duy tu, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị PCCC, cơi nới, lấn chiếm lối thoát nạn… là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi xảy ra tai nạn, sự cố về cháy, nổ. Những hành vi trên cần phải được chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc.

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Theo quy định hiện hành, khi xây dựng các công trình nhà cao tầng, việc bảo bảo đảm an toàn PCCC phải được thẩm duyệt kỹ càng trong hồ sơ thiết kế. Khi công trình hoàn thành, đưa vào vận hành phải được cơ quan PCCC kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục như hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm... Thế nhưng, trên thực tế rất nhiều chung cư đã có người vào ở trong điều kiện hệ thống PCCC đầu tư sai, chưa hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành. Thực trạng này đã làm gia tăng nguy cơ và số vụ cháy nổ, đồng thời gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho cư dân sinh sống trong những chung cư đông người.

 Cách đây không lâu, chung cư HQC Plaza do Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư trên đường Nguyễn Văn Linh, (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) bất ngờ bốc cháy trong đêm. Ngọn lửa phát ra từ tầng 11 lô HQ4 khiến hàng trăm cư dân đang sinh sống tại đây hoảng loạn. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, chung cư này chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC. Các hộ dân bị ảnh hưởng được chủ đầu tư bố trí ở tạm trong chung cư gần đó, thế nhưng chung cư này cũng chưa nghiệm thu hệ thống PCCC, không ai dám dọn vào.

Tương tự, chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình) do Công ty Long Hưng Phát làm chủ đầu tư, dù chưa nghiệm thu hệ thống PCCC vẫn đưa dân vào ở. Sự việc bị cơ quan chức năng phát hiện, đã tiến hành cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước, buộc chủ đầu tư di dời dân ra ngoài ở trong lúc khắc phục sai phạm. Theo cư dân Bảy Hiền Tower, trước khi dọn vào ở họ đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư và được thông báo đến nhận nhà. Ở chưa được bao lâu bị chính quyền cắt điện, nước, vận động dọn ra khỏi căn hộ của mình. Khi cư dân liên hệ chủ đầu tư, đại diện công ty cho biết sẽ bố trí ra ở tạm khách sạn để chờ công trình hoàn thiện.

Hay như tại chung cư Dream Home (quận Gò Vấp) do Công ty TNHH Nhà Mơ làm chủ đầu tư, dù chưa nghiệm thu hệ thống PCCC nhưng vẫn đưa dân vào ở. Dọn vào ở một thời gian khá lâu, những cư dân tại đây mới bắt đầu tìm hiểu và phát hiện công trình chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu. “Lẽ ra, khi chủ đầu tư đưa dân về ở cơ quan quản lý phải thanh tra, giám sát công trình đã đủ điều kiện vận hành hay chưa. Đằng này, chúng tôi về ở cả mấy tháng trời không hề hay biết và cũng chẳng ai đến kiểm tra. Nếu xảy ra hỏa hoạn, hậu quả sẽ rất khó lường” - một hộ dân chia sẻ. Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, đối với các công trình chung cư cao tầng khi chưa được nghiệm thu về PCCC, chủ đầu tư vẫn cố tình đưa dân vào ở là vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm. Để hạn chế thấp nhất những sự cố cháy nổ tại chung cư, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM đang tăng cường phối hợp, nắm bắt tình hình để kịp thời đưa ra những phương án xử lý mang tính răn đe đối với những tòa nhà cao tầng không đảm bảo về PCCC.

Ý thức cư dân chưa cao

Theo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, trên thực tế công tác PCCC tại các chung cư cao cấp thường tuân thủ khá tốt. Riêng những chung cư cũ, chung cư mới thuộc phân khúc trung bình và thấp, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận cán bộ, công nhân viên và cư dân chưa cao. Một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác PCCC.  

Để ngăn ngừa tình trạng chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa cư dân vào ở, các cơ quan có thẩm quyền sau khi kiểm tra cần công khai kết quả trên trang thông tin điện tử của mình hoặc các phương tiện truyền thông. Khi đó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về công tác đảm bảo PCCC của các dự án chung cư, giúp họ có cơ sở để yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ quy định.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM

Tổ chức các hoạt động PCCC tại chỗ ở nhiều nơi chưa được đẩy mạnh. Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy việc thành lập Ban quản lý, Ban quản trị cũng như Đội PCCC tại chỗ ở chung cư tái định cư gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, nhiều nhà chung cư cao tầng xây dựng trước năm 1975 hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng người dân tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm thêm khiến lối thoát nạn bị ảnh hưởng; công tác quản lý địa bàn, cơ sở, hướng dẫn cơ sở kiểm tra an toàn PCCC còn hạn chế…

 Ghi nhận tại một chung cư tại quận 9, khá nhiều căn hộ bít luôn ban công bằng những lồng sắt kiên cố. Khi được hỏi tại sao lại bít ban công, chủ hộ trả lời: “Bít lại để chống trộm”. Cùng mục đích chống trộm, các chủ hộ khác còn tận dụng lồng sắt để nuôi gà chọi, kho chứa, vườn hoa hoặc phơi quần áo… Đem câu chuyện trên trao đổi với ban quản lý chung cư, một đại diện cho biết đã từng làm việc với chủ căn hộ, nhưng do chủ hộ là dân địa phương nên không dám đụng chạm. Với lại, chung cư đã từng bị trộm leo từ ban công vào, bảo vệ và camera an ninh không phát hiện được, do đó nhận thấy nhu cầu bít ban công để chống trộm của cư dân là thiết yếu (?!). Vị này còn cho hay chung cư có rất nhiều gia đình trẻ có con nhỏ. Để bảo vệ an toàn cho con cái, họ bít ban công theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Tại một chung cư khác, các hộ dân phản ánh hệ thống báo cháy nhiều đêm hú liên hồi, bà con kéo nhau ôm con chạy tán toạn xuống hầm xe và sân trú ẩn nhưng cuối cùng kiểm tra chẳng phát hiện ra đám cháy. Hôm sau ban quản lý báo lại là do hệ thống báo cháy bị chạm. “Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng chủ đầu tư không khắc phục. Báo cháy giả hoài như vậy người dân sẽ có tâm lý chủ quan, lỡ cháy thật không kịp đối phó chỉ có chết cháy” - một chủ căn hộ bày tỏ lo lắng. Cũng theo chủ căn hộ này, mặc dù chủ đầu tư đã tiến hành đầy đủ các thủ tục nghiệm thu hệ thống PCCC, tuy nhiên công tác phổ biến kiến thức, tập huấn PCCC cho cư dân không được quan tâm.

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên nhân dẫn đến cháy thời gian qua chủ yếu do cư dân câu mắc, sử dụng các thiết bị điện không đảm bảo an toàn dẫn đến chạm, chập điện (chiếm 70%). Ngoài ra do việc bất cẩn trong sinh hoạt như đun nấu, sử dụng lửa… Từ đó cho thấy ý thức của cư dân ở chung cư về công tác PCCC rất thấp, thậm chí bị xem nhẹ.

Nguy cơ cháy nổ rất cao, nhưng một phần lối thoát hiểm đã bị cư dân bịt kín.

Nguy cơ cháy nổ rất cao, nhưng một phần lối thoát hiểm đã bị cư dân bịt kín.

Ngăn ngừa thảm họa

Theo Sở Xây dựng TPHCM, TP hiện có 1.037 chung cư, trong đó có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975. Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, trong vòng 5 năm qua đã xảy ra 34 vụ cháy công trình nhà cao tầng, chung cư. Đặc biệt, nhiều chung cư cũ do Nhà nước quản lý sau năm 1975 bố trí người dân vào ở không đúng công năng ban đầu nên không đảm bảo an toàn PCCC. Đây là những chung cư có nguy cơ sụp đổ, cháy nổ cao nhất. Toàn TP hiện có khoảng 70 chung cư hư hỏng nặng xây dựng trước năm 1975, hệ thống kỹ thuật, điện, nước còn sử dụng song không đảm bảo an toàn. Các quận, huyện đang tiến hành kiểm tra, phân loại chất lượng các chung cư cũ, từ đó sẽ có phương án cải tạo, sửa chữa hoặc tháo dỡ xây mới.

Sở Xây dựng cũng nêu rõ thực trạng nhiều chung cư xây dựng ở những vị trí giao thông không thuận tiện, nguồn nước tại chỗ phục vụ cho xe chữa cháy; lối thoát nạn, trang thiết bị PCCC không đảm bảo, sơ sài hoặc có trang bị nhưng không được chủ tòa nhà duy tu, bảo trì thường xuyên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng. Bên cạnh đó, việc nhiều người dân ở các chung cư tự ý thay đổi công năng, cơi nới, bít ban công, bày biện đồ đạc trên lối thoát hiểm, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn sẽ gây khó khăn cho công tác cứu hộ, chữa cháy.

Theo một lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC, trên địa bàn TP hiện có nhiều công trình chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC đã cho phép người dân vào ở. Phần lớn những trường hợp này xuất phát từ tình trạng chủ đầu tư bàn giao căn hộ theo tiến độ cam kết trên hợp đồng, nên các hộ dân sử dụng trước khi cơ quan PCCC kiểm tra, nghiệm thu. Một số công trình bị vướng mắc do nhà thầu xây dựng công trình không theo đúng thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt, không lập hồ sơ hoàn công phục vụ cho công tác nghiệm thu. "Chung cư cũ là đối tượng có nguy cơ sụp đổ, xảy ra cháy nổ cao nhất. Nếu để xảy ra cháy có thể dẫn đến thảm họa, vì vậy đề nghị UBND TP khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp xử lý. Đề xuất Chính phủ có chính sách xây mới, cải tạo, sửa chữa" - Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cảnh báo.

Thực thi chưa nghiêm các quy định

Đại tá Trần Thanh Châu

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM

Hơn 15 năm qua, xu thế đô thị hóa phát triển rất mạnh, đặc biệt xu thế phát triển các dự án nhà cao tầng, hàng chục ngàn hộ gia đình đã lựa chọn sống trong căn hộ chung cư. Hiện tại rất nhiều tòa nhà chung cư đang được xây dựng cao trên 30 tầng. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn PCCC đặc biệt quan trọng.

Những bất cập

Hiện nay hệ thống pháp luật về PCCC của chúng ta tương đối đầy đủ. Tuy vậy, để áp dụng xử phạt vẫn còn nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Không ít chung cư khi đưa vào sử dụng với hàng ngàn con người sinh sống nhưng công trình chưa hoàn thiện về PCCC. Thí dụ, Chung cư Thái An 3 & 4, chủ đầu tư đưa người dân vào sử dụng khi công trình chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu PCCC. Nếu áp dụng đúng theo luật phải ra quyết định tạm đình chỉ công trình này, không cho người dân tiếp tục vào ở. Nhưng tại thời điểm kiểm tra đã có hơn 740 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu đã vào ở. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng ta có thể buộc họ phải tạm rời chung cư này. Nhưng đưa họ về đâu, ai sẽ chịu trách nhiệm với cuộc sống tạm bợ của họ?

Qua điều tra, thống kê TP hiện có 642 công trình nhà cao trên 25m hoặc từ 10 tầng trở lên. Riêng loại hình nhà ở chung cư có 297 công trình, trong đó có 286 công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, 277 công trình đã được nghiệm thu về PCCC. Ngoài số nhà ở chung cư nêu trên, TP còn rất nhiều chung cư thấp tầng. Trong đó có 257 chung cư 5-9 tầng; 128 chung cư dưới 5 tầng. Ngoài ra, TP có trên 50 công trình chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC 2001 có hiệu lực, không đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC.

Về nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu do bất cẩn trong sinh hoạt và sự cố về điện. Đặc biệt ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của đa số người dân chưa cao. Nhiều chung cư chưa tổ chức thành lập lực lượng PCCC cơ sở, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC cho cư dân nếu xảy ra sự cố. Công tác cứu hộ cứu nạn cũng còn hạn chế do số tầng và diện tích của công trình cao tầng tăng lên, tính chất, mức độ nguy hiểm về cháy, nổ càng cao. Công tác thoát nạn và chữa cháy đối với chung cư cao tầng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC phải sử dụng nhiều loại phương tiện chuyên dùng để chữa cháy và cứu người.

Thực tế, các phương tiện dành cho công tác PCCC thường có giá thành rất cao, thậm chí tính bằng triệu USD, trong khi đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay được sự quan tâm của Bộ Công an, Thành ủy TP, lực lượng PCCC đã được trang bị nhiều phương tiện hiện đại, tuy chưa nhiều. Điều đáng mừng là lãnh đạo TP cho biết thời gian tới sẽ trang bị cho Sở Cảnh sát PCCC TP trực thăng cứu hộ phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có cháy nổ ở các chung cư, nhà cao tầng. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Trong đó một số tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm được soát xét, sửa đổi nên một số quy định không còn phù hợp với việc xây dựng nhà cao tầng. Nguyên nhân của tình trạng trên do các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên chưa có sự đồng nhất trong việc xây dựng. 

Cần coi trọng huấn luyện lực lượng tự vệ, dân phòng và người dân sống trong chung cư thuần thục công tác PCCC; thực hiện đúng nguyên tắc "4 tại chỗ", để hạn chế tình trạng hoảng loạn khi xảy ra cháy nổ - một trong những nguyên nhân gây tổn thất không đáng có. Xử lý nghiêm minh, kể cả xử lý bằng pháp luật các trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng pháp luật về PCCC; tự ý đưa dân vào ở tại các tòa nhà chung cư chưa được nghiệm thu, chưa có công trình PCCC, chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Về công tác thẩm duyệt PCCC chung cư, nhà cao tầng đã có quy trình chặt chẽ và được Sở Cảnh sát PCCC kiểm tra, giám sát thường xuyên. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, để hệ thống PCCC vận hành tốt, bảo đảm an toàn cho các chung cư, nhà cao tầng cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và có sự tham gia tích cực người dân sinh sống tại tòa nhà đó.

 Hiện nay, tại các đơn vị chữa cháy đều được trang bị xe thang chữa cháy có vươn tới chiều cao 56m (20 tầng). Theo quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đối với các nhà cao từ 10 tầng trở lên phải có 1 thang máy phục vụ cho lực lượng chữa cháy và nhà cao từ 40 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy. Bên cạnh đó, việc tiếp cận đám cháy bằng cầu thang bộ bên trong và bên ngoài công trình luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC sử dụng. Ngoài ra, theo quy định công trình nhà chung cư cao tầng bắt buộc phải thiết kế lắp đặt đầy đủ hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói… tại tất cả các tầng. Bên ngoài công trình phải thiết kế họng nạp nước tại tầng trệt để xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp nước vào trong hệ thống chữa cháy bên trong công trình. Các hệ thống thiết bị chữa cháy tại các nhà cao tầng phải đồng bộ với thiết bị của lực lượng Cảnh sát PCCC. Nếu thực hiện nghiêm việc này, dù cháy ở bất cứ tầng nào, lực lượng cảnh sát PCCC TP cũng đều có thể tiếp cận dễ dàng vị trí xảy ra cháy để cứu chữa. Tuy nhiên, vị trí đám cháy càng cao thời gian tiếp cận của lực lượng chữa cháy càng lâu, nên khả năng hoạt động kịp thời của hệ thống chữa cháy tự động tại các nhà cao tầng có ý nghĩa rất quan trọng.

Trước thực trạng nêu trên, Cảnh sát PCCC đã tăng cường kiểm tra đột xuất các công trình, dự án, qua đó, phát hiện và chấn chỉnh nhiều vi phạm. Tính từ năm 2011 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC TP đã xử phạt hành chính hơn 400 vụ. Đối với chung cư chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa người vào ở, sau khi xử phạt hành chính, Cảnh sát PCCC buộc chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện việc nghiệm thu theo quy định; đồng thời bố trí ngăn cách khu vực có người ở với khu vực chưa nghiệm thu, khu vực tiếp tục thi công để đảm bảo an toàn cho người dân. 

Các tin khác