MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Chưa tạo ra cú hích đột phá

(ĐTTCO) - “Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tự đặt câu hỏi này và trả lời tại Hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức mới đây. Như vậy sau hơn 2 năm cải cách về mặt thể chế, thực thi, cho thấy từ văn bản đến thực thi vẫn còn khoảng cách lớn.

(ĐTTCO) - “Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tự đặt câu hỏi này và trả lời tại Hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức mới đây. Như vậy sau hơn 2 năm cải cách về mặt thể chế, thực thi, cho thấy từ văn bản đến thực thi vẫn còn khoảng cách lớn.

Yếu kém hơn cả Lào và Campuchia

Theo nhiều chuyên gia, môi trường kinh doanh (MTKD) nước ta hiện nay không những còn tồn tại, bất cập ở giai đoạn kinh doanh mà giai đoạn khởi nghiệp cũng có nhiều hạn chế. Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, Phó Chánh văn phòng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên nhân do phần lớn các nền tảng cơ bản cho phát triển doanh nghiệp (DN) cũng như đầu tư mạo hiểm, phát triển hệ thống ươm tạo công nghệ và DN khoa học - công nghệ vẫn còn yếu kém.

Nguyên nhân khiến MTKD còn hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong khi đây là một trong những nhân tố quyết định trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong hội nhập quốc tế.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ban Kinh tế Trung ương

Ngay cả chỉ số về tinh thần kinh doanh toàn cầu (với 3 chỉ số thành phần là thái độ kinh doanh, năng lực kinh doanh và say mê kinh doanh) của Việt Nam cũng rơi vào dạng rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Lào và Campuchia. Khung pháp lý về việc thành lập, vận hành vườn ươm công nghệ, thực thi các vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ trường đại học đến DN vẫn chưa đồng bộ; các loại hình công nghệ ươm tạo chưa đa dạng. Ngoài ra, đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong những năm qua còn chưa thực sự ổn định, thiếu bền vững, phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư từ nước ngoài. Nhiều DN trong nước không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào để các quỹ đầu tư nước ngoài nhận biết được nhu cầu về vốn của mình. Còn ở cấp độ quốc gia, hiện vẫn chưa có một chương trình tổng thể khởi nghiệp quốc gia.

 Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của từng chủ thể kinh tế, cơ chế chính sách đối với các loại hình DN còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp; năng suất, hiệu quả của nền kinh tế không cao. Tính liên kết giữa các DN trong và ngoài nước còn yếu. Khoảng cách giữa chủ trương chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn. Việc phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường còn nhiều vướng mắc, chưa được khơi thông. Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản làm cho MTKD của Việt Nam chưa được thuận lợi, năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế.

Để đảo ngược xu hướng này, theo các chuyên gia cần tập trung xây dựng các cơ chế thị trường, đảm bảo cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và tự do hóa các thị trường nhân lực, đất đai, nguồn vốn. Việc sử dụng mối quan hệ trong việc tranh thủ các nhân tố nói trên cần phải được giảm thiểu. Sự sáng tạo cần phải được thúc đẩy để nâng cao năng suất lao động. Việc phát triển nghiên cứu và phát triển cũng cần phải được chú trọng trong cách kết hợp giữa các DN và các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu.

Bước chuyển chậm chạp

Để cải thiện MTKD và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Quốc hội ban hành Hiến pháp 2013, Luật DN (sửa đổi) năm 2014, Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Đấu thầu 2013... Chính phủ cũng đã ban hành 2 Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015 với mục tiêu chính đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng thời gian qua dù có một số chuyển biến tích cực song chưa tạo ra những đột phá thực sự.

Tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong bối cảnh hợp tác sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng suất, nhưng tăng trưởng năng suất của lao động Việt Nam đang giảm đi. Đây là một điều lo ngại trong dài hạn khi Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Điều đáng quan ngại hơn là năng suất của khu vực tư nhân giảm theo thời gian.

Ông Sandeep Mahajan, Kinh tế trưởng của WB

Kết quả đánh giá MTKD trong tương quan so sánh với 189 nền kinh tế trên thế giới, cho thấy MTKD của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện. Theo báo cáo Kinh doanh 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 90/189 nền kinh tế, chỉ đạt mức điểm trên trung bình (62,1/100). Các lĩnh vực đánh giá kém thuận lợi và có điểm trung bình, dưới trung bình gồm: nộp thuế, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, giải thể DN, tiếp cận điện năng và khởi sự kinh doanh. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 chỉ ra 5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam, gồm: tiếp cận tài chính, chính sách không ổn định, lao động qua đào tạo không đủ, kỷ luật lao động kém và tham nhũng. Còn theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2006-2014, các lĩnh vực không được cải thiện hoặc có chiều hướng đi xuống là: chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, tiếp cận đất đai và cạnh tranh bình đẳng.

 Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư 3 tháng đầu năm 2016 thực hiện Nghị quyết 19 có nhận xét, một số bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung trái thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh như: Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Xây dựng... Các bộ cũng chưa chú ý rà soát, đánh giá, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, không cần thiết, thậm chí điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn tiếp tục ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn áp dụng. Vì vậy, chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh về cơ bản chưa có cải thiện so với trước.

Cần có những DNTN đủ mạnh

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV), cho biết mấy năm gần đây DNNVV có dấu hiệu đuối sức trong hội nhập và cạnh tranh. Có thực tế tiêu cực là DN nào quan hệ tốt với chính quyền sẽ tiếp cận tốt hơn đối với các tài nguyên, đất đai và thể chế. “Một khảo sát của chúng tôi cho thấy, trước đây khi nói đến điều này các DN cho rằng đó là chuyện của người khác, “lộc” của người khác. Hiện nay, DN đã phản ứng khác và cho rằng các DN đó chủ yếu là lo lót, chạy chọt. Diễn biến, sự bức xúc này các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét để đánh giá những hành vi kinh doanh” - ông Nam cho biết.

Thủ tục thuế vẫn còn quá nhiều phiền hà.

Thủ tục thuế vẫn còn quá nhiều phiền hà.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho rằng để có MTKD tốt, giải pháp của mọi giải pháp là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Việc tạo ra và thúc đẩy sự khởi nghiệp của DN, hoạt động kinh doanh của DN chỉ thuận lợi nếu người đứng đầu ra tay. “Tôi nghĩ, cần phải có chức năng phục vụ DN và chức năng này phải là chức năng quan trọng nhất. Còn cứ hành DN như hiện nay chỉ khiến họ mau chết. Theo đó phải kiên quyết dứt bỏ cơ chế xin-cho” - GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, nói. Cũng theo ông Lược, không có nước nào trên thế giới phát triển đi lên bằng DNNN và FDI, mà phải là DN tư nhân (DNTN). DNTN phải gánh vác trọng trách này. Do đó, thể chế phải hỗ trợ, phát triển DNTN. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh chất lượng thể chế đóng vai trò cạnh tranh, mấu chốt trong xã hội. Trong đó, thái độ của Chính phủ đối với thị trường tự do, quản lý điều tiết quá mức, thiếu sự minh bạch, sự phụ thuộc chính trị vào hệ thống tư pháp sẽ ảnh hưởng tới chi phí rất lớn.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, 5-7 năm tới sẽ trả lời cho câu hỏi dân tộc Việt Nam có vượt lên, có bứt phá được hay không. Chúng ta có một thời cơ thuận lợi khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết. Việt Nam đã vượt lên so với nhiều nước ASEAN và các nước láng giềng bên cạnh. Đây là cơ hội có một không hai khi TPP chưa mở rộng thành viên. Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không?

Cũng theo ông Lộc, để Việt Nam trở thành quốc gia có thể chế thuộc dạng hàng đầu thế giới, Chính phủ cần một tay cố gắng tạo môi trường bình đẳng, một tay khác hỗ trợ DNNVV. Bởi lẽ, từ trước tới nay, việc hỗ trợ DNNVV chưa được ổn định. Chỉ khi nào DN khó khăn mới hỗ trợ. Giờ phải thay đổi, phải hỗ trợ những DN có tiềm năng cạnh tranh vươn lên gặp khó khăn tạm thời. Chọn những DN có tiềm năng nhất để hỗ trợ, để họ có thể vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Từ đó chúng ta có những DNTN mạnh, trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia. Các DN sẽ đứng trên vai Nhà nước để phát triển. Đây là tư duy cần được áp dụng để phát triển.

Các tin khác