Chưa quyết liệt giá cước vận tải

(ĐTTCO) - Kể từ giữa tháng 6-2015 đến nay, giá xăng đã giảm hơn 4.000 đồng nhưng các doanh nghiệp vận tải có vẻ vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Mặc cho sức ép từ phía các cơ quan quản lý, các nhà xe vẫn chây ì, hoặc có giảm cũng chỉ  giảm theo kiểu nhỏ giọt.

(ĐTTCO) - Kể từ giữa tháng 6-2015 đến nay, giá xăng đã giảm hơn 4.000 đồng nhưng các doanh nghiệp vận tải có vẻ vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Mặc cho sức ép từ phía các cơ quan quản lý, các nhà xe vẫn chây ì, hoặc có giảm cũng chỉ  giảm theo kiểu nhỏ giọt.

 

Doanh nghiệp vận tải chây ì

Trước tình hình không chịu giảm giá cước, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) về việc tăng cường quản lý giá cước vận tải tại các địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá. Vậy nhưng, dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều động thái quyết liệt, đồng thời nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM đã có văn bản chỉ đạo đơn vị vận tải ô tô kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm của giá xăng, dầu, các nhà xe vẫn bình chân như vại. Thậm chí, đến thời hạn cuối cùng (ngày 8-1) phải kê khai theo quy định, TPHCM vẫn còn 23 doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định và 6 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi chưa chấp hành kê khai lại giá cước theo đà giảm của giá xăng dầu.

Đề nghị các địa phương chỉ đạo mạnh, quyết liệt kiểm tra giá vận tải tại địa phương; xử nghiêm nếu đến thời điểm này doanh nghiệp chưa giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Các địa phương chủ động tổng hợp thông tin cho báo chí về tình hình kê khai giá cước vận tải khi có biến động giá nhiên liệu.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Lý do các doanh nghiệp vận tải đưa ra lý giải cho việc chậm giảm cước vì giá xăng thường giảm nhỏ giọt, thất thường nên họ phải chờ một mức giảm nhiều hơn mới điều chỉnh giá. Bên cạnh đó, mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp phải in ấn lại hóa đơn, bảng niêm yết giá, kẹp chì lại đồng hồ mất nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, phí đường bộ BOT sẽ tăng từ 1-6-2016 cũng là một lý do khiến các doanh nghiệp vận tải không muốn giảm giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, kiêm Giám đốc điều hành Vinasun Taxi, cho biết: “Sau ngày 1-1-2016, đúng ra doanh nghiệp taxi phải tăng giá cước vận tải do phải tăng quỹ lương vùng cho nhân viên lên đến 15%. Lương và phí quản lý 45%, xăng chỉ chiếm 25% trong tổng tiền cước vận tải”.

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không nghiên cứu, xây dựng các phương án giảm giá, xuất bán nhiều loại giá vé thấp, tạo điều kiện hơn nữa cho nhiều người dân tham gia giao thông đường hàng không. Bên cạnh đó, các hãng hàng không phải xây dựng và đưa thêm nhiều chương trình khuyến mại, giá vé đặc biệt thu hút hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không. Các hãng hàng không triển khai thực hiện yêu cầu này và báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 10-1-2016. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hãng hàng không nào triển khai thực hiện.

Theo đại diện một hãng hàng không, dù giá nhiên liệu giảm nhưng một loạt yếu tố đầu vào khác như: thuế nhập khẩu, bảo vệ môi trường được điều chỉnh tăng, kết hợp với tỷ giá trong năm 2015 biến động rất mạnh; thị trường hàng không nội địa cạnh tranh khốc liệt khiến lợi nhuận từ hoạt động bay thu được không đáng kể. Hàng không có đặc thù là không chỉ có một mức giá cố định rồi giảm mức giá đó xuống, mà các hãng có nhiều dãy giá khác nhau để hành khách lựa chọn. Chính do có dãy giá khác nhau nên cũng chỉ khuyến khích các hãng giảm giá tùy theo phương án kinh doanh của từng hãng. Yếu tố quan trọng nhất là tạo cạnh tranh giữa các hãng để giảm giá.

Cơ quan quản lý thiếu chế tài

Câu chuyện giá xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải vẫn án binh bất động không hề mới và đã tái diễn nhiều lần. Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhiều chuyên gia, một phần do từ trước đến nay chúng ta chưa có sự tính toán cũng như quy định cụ thể về mức giá cước cần điều chỉnh theo giá xăng dầu cho doanh nghiệp vận tải, khiến họ có cớ để chây ì. Tại Khoản 5, Điều 11, Luật Giá đã quy định rất rõ, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp biến động của yếu tố hình thành giá. Do đó, việc giảm giá cước theo giá xăng dầu là nghĩa vụ của doanh nghiệp vận tải, không thực hiện là cố tình làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt.

Để xử lý rốt ráo tình trạng bất cập này,  Bộ GTVT và Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Nội dung quan trọng nhất của bản dự thảo này quy định cơ sở bắt buộc doanh nghiệp vận tải đường bộ phải kê khai lại giá cước khi xăng dầu giảm. Cụ thể, dự thảo quy định: “Giá nhiên liệu đầu vào giảm từ 20% trở lên so với giá nhiên liệu tại thời điểm kê khai liền kề trước, tối đa sau 5 ngày kể từ ngày giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai hoặc thông báo giá theo quy định phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu”.

Thực tế, một số doanh nghiệp chỉ giảm giá sau khi có sự can thiệp bằng biện pháp hành chính xử phạt từ cơ quan quản lý. Cụ thể, Sở Tài chính TPHCM vừa ban hành văn bản xử phạt 7 hãng taxi ở TP vì không chịu kê khai giảm giá cước sau khi xăng dầu giảm liên tục. Trong 7 doanh nghiệp này có 1 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn ở TPHCM. Theo thống kê của bến xe Miền Đông, hiện có 25 doanh nghiệp hoạt động trong bến (trong đó có 19 doanh nghiệp vận tải của TPHCM) đã kê khai giảm giá cước, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp này kê khai trước ngày 18-12-2015. Với mức kê khai mới, các doanh nghiệp giảm giá cước từ 2-5%. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết giá cước vận tải là do doanh nghiệp vận tải tự kê khai, bến chỉ quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong bến nên không can thiệp được.

Theo đánh giá của Sở Tài chính TPHCM, sau 2 đợt giảm giá ngày 18-12-2015 và 4-1-2016, giá xăng đã giảm 1.300 đồng/lít, tương ứng giảm 7,5% giá. Việc giảm giá xăng dầu 2 đợt liền kề có tác động đến giá cước taxi khoảng 2,2%, tương ứng 200-350 đồng/km. Sở Tài chính đã quyết định công khai trên trang thông tin điện tử danh sách các đơn vị vận tải thuộc diện kê khai nhưng chưa chấp hành yêu cầu kê khai giảm giá cước. Đồng thời Thanh tra Sở Tài chính đang lên kế hoạch kiểm tra đồng loạt các hãng taxi để yêu cầu điều chỉnh cước vận tải phù hợp, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ dịp Tết Bính Thân 2016.

Các tin khác