Chợ tết với bà

(ĐTTCO) - Sáng sớm chưa rõ mặt người, lũ gà trống thi nhau gáy râm ran. Bà đến bên giường tôi lay nhẹ: “Dậy đi, sư bố nhà anh ngủ gì say thế, dậy đi chợ Tết với bà nào”. Tôi mắt nhắm mắt mở hỏi trong tiếng ngái ngủ: “Sao đi sớm vậy bà?”. “Thế không đi sớm người ta mua hết à? Thôi ra bể nước rửa mặt cho tỉnh rồi bà cháu mình còn đi”.

(ĐTTCO) - Sáng sớm chưa rõ mặt người, lũ gà trống thi nhau gáy râm ran. Bà đến bên giường tôi lay nhẹ: “Dậy đi, sư bố nhà anh ngủ gì say thế, dậy đi chợ Tết với bà nào”. Tôi mắt nhắm mắt mở hỏi trong tiếng ngái ngủ: “Sao đi sớm vậy bà?”. “Thế không đi sớm người ta mua hết à? Thôi ra bể nước rửa mặt cho tỉnh rồi bà cháu mình còn đi”.

Mọi người trong nhà vẫn đang ngủ, bà tôi khẽ nhấc cái then cửa, đẩy nhẹ cánh cổng bằng tre, vậy mà con Vàng vẫn nghe được, chạy tới quẫy đuôi rối rít, nhảy cả lên lưng tôi và theo bà cháu tôi ra tận đầu làng, đuổi mãi mới chịu quay về.

Hôm nay là 27 Tết, theo lệ vùng quê tôi, là phiên chợ cuối cùng trong năm, còn được gọi là chợ Tết. Tôi thấy bà chuẩn bị đồ hàng trong hai thúng mấy nải chuối xanh, mấy quả bưởi. Đôi gà trống mào đỏ chót bị buộc chân thò cái đầu ra khỏi thúng kêu lục cục. Bà bảo năm nay nuôi nhiều gà, bán bớt đi để sắm thứ khác.

Trời lạnh, đường làng mấp mô và tối, tôi dù đã tỉnh ngủ nhưng vẫn thấy chân mình cứ chòng chành bước cao bước thấp. Bà đi đằng trước, dáng người nhỏ bé, đôi thúng trên vai nặng trĩu vẫn bước đi thoăn thoắt khiến tôi nhiều lúc phải chạy mới kịp với bà. Đã qua đầu làng, tôi sợ bà mệt nên bảo: “Hay là bà để cháu xách nải chuối giúp bà cho đỡ nặng nhé?”. Bà cười: “Thôi con đi cẩn thận không ngã xuống mương là tốt lắm rồi, bà gánh quen rồi”. Hai bà cháu cứ thế men theo con đường giữa cánh đồng.

Phải qua mấy cánh đồng, vài lần bước hụt chân, rồi đi qua một làng khác cho tới khi chân trời đã đỏ ối, loang loáng mặt người, bà cháu tôi mới đến chợ. Hôm nay chợ đông quá, dù đã vài lần được đi chợ với bà nhưng tôi chưa thấy đông như thế bao giờ. Tiếng người cười nói, lao xao huyên náo cả một vùng. Bà dắt tôi qua đầu chợ, nơi bày bán la liệt những lá dong, gạo nếp, ống dang, rồi qua dãy hàng măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, thảo quả…

Tới gần giữa chợ, bà đặt đôi thúng xuống, nhấc đôi gà trống ra để trên mặt đất. Đôi gà trống chắc cũng vừa tỉnh ngủ như tôi, thấy đông người chúng giãy đôi cánh phành phạch, mồm kêu quang quác liên hồi, tôi phải dỗ mãi mới chịu nằm im. Bà lấy ra dúm thóc nhỏ trải ra cho chúng rồi dặn tôi ngồi đấy trông đôi gà để bà mang mấy thứ còn lại đi bán.

Lúc này tôi mới để ý xung quanh mình. Một cô bán ngan đang lấy chiếc đũa to cố tọng miếng bánh đúc vào miệng một con ngan dù có lẽ nó đã quá no, mắt nó trợn lên và miếng bánh đúc cứ lòi ra khỏi mỏ nó, tôi cũng không hiểu lắm. Tôi bỗng thấy hơi lo lắng vì nếu có ai hỏi mua tôi không biết trả lời thế nào.

Nhìn sang hàng bên, thấy cũng có đứa con gái trạc tuổi đang ngồi trông hàng, thỉnh thoảng lại lấy tay che miệng ngáp. Chắc bố mẹ nó cũng để nó ngồi trông gà như tôi. Chợt nó vén quần lên tới bẹn để gãi, liếc sang bên thấy tôi nhìn, chắc xấu hổ, vội vàng buông chiếc quần xoăn như lò xo xuống. Trong nắng sớm, tôi thấy má nó đỏ ửng. Tay nó cứ giữ gấu quần, ấn chặt xuống mắt cá chân, như sợ gió lại thổi thốc lên.

Lúc này mặt trời đã lên khỏi ngọn tre phía đầu chợ. Bọn gà vịt quang quác khiến tôi điếc hết cả tai. Tôi vừa dáo dác tìm bà vừa nhẩm những câu trả lời nếu có khách hỏi mua. Mới nghĩ mà tôi đã hồi hộp tim đập thình thịch. May quá bà tôi đã quẩy đôi thúng quay trở lại và dắt theo một người khách. Thì ra người mua gà, họ mua chuối và bưởi của bà tôi, nghe bà tôi khoe còn đôi gà trống tốt mã, họ đến xem. Chẳng cần mặc cả họ rút tiền trả bà tôi và xách đôi gà đi. Bà cười nói với tôi: “Cha bố nhà anh, nay đi chợ với anh mà đắt hàng quá. Thôi bà cháu mình đi sắm Tết nào”.

Bà giơ tôi xem cái túi tam tòng giắt ở cạp quần có kha khá tiền. “À mà bà mua bánh cho con đây, ăn kẻo đói” - bà mở thúng, lấy ra đôi bánh rán thơm ngậy, tôi sướng quá quên cả hỏi bà đã ăn chưa, cắn nhai ngấu nghiến. Nóng quá, tôi phải há miệng ra thở hắt cho nguội mới dám nuốt. Những hạt đường ngọt lịm li ti dính vào mép, vào má tôi. Nhân bánh không biết làm bằng gì, chỉ biết có vị đậu xanh, vừa bùi, vừa ngọt.

Vừa ăn hết cái bánh, bà lại bới trong thúng, mở túi nilon lấy ra cho tôi túi kẹo dồi: "Đây nữa, ăn đi. Nhất anh đấy". Tôi lại đưa hai tay, đón từ bà những chiếc kẹo dồi, nhai rôm rốp. Từng miếng kẹo giòn tan, chỉ sau vài lần nhai đã chui tuột vào trong dạ dày. Vị ngọt, thơm vương vấn nơi đầu mũi.

Bà dắt tôi về phía đầu chợ, mua đôi ống dang về chẻ lạt gói bánh. Tôi hỏi bà sao không mua gạo nếp và lá dong, bà bảo mấy thứ đó nhà mình trồng được. Bà còn mua vài thứ nữa rồi dắt tôi qua hàng quần áo. Bà chọn một chiếc áo xanh, đưa vào người tôi ươm ướm rồi cười bảo: “Vừa quá, mặc vừa áo này chả mấy hồi lấy vợ được rồi”. Tôi sung sướng ôm chiếc áo vào người.

Bà cháu tôi về tới nhà, con Vàng lao ra vẫy đuôi cuống quýt miệng rên ư ử. Bố tôi đang cắt lá dong ngẩng đầu lên bảo: “Bà cháu đi chợ về rồi à, chờ dang của bà để chẻ lạt gói bánh đây”. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra đỡ đôi thúng cho bà. “Nặng thế này sao bà không gọi con đi cùng?”. “Có gì đâu, thôi chị xem ra vườn cắt chuối, bưởi để bày mâm ngũ quả đi”.

Tôi lớn lên, đi học xa nhà, không còn được đi chợ Tết với bà nữa. Vài năm sau bà mất, chợ Tết vẫn còn nhưng không khí đã khác xưa. Nhớ bà, năm nào cũng vậy, sáng sớm 27 Tết tôi lại đi chợ Tết một mình.

Các tin khác