Ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ

Chính sách ưu đãi chưa thông

(ĐTTCO) - UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 50/2015/QĐ-UBND về Chương trình kích cầu đầu tư với mục đích tạo điều kiện ưu đãi nhiều hơn về cơ sở hạ tầng và vốn vay cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó có ngành cơ khí. ĐTTC đã trao đổi với ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, xung quanh thực trạng của ngành cơ khí trên địa bàn và tác động của Quyết định 50 đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) cơ khí.

(ĐTTCO) - UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 50/2015/QĐ-UBND về Chương trình kích cầu đầu tư với mục đích tạo điều kiện ưu đãi nhiều hơn về cơ sở hạ tầng và vốn vay cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó có ngành cơ khí. ĐTTC đã trao đổi với ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, xung quanh thực trạng của ngành cơ khí trên địa bàn và tác động của Quyết định 50 đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) cơ khí.

Tự thân nỗ lực để tồn tại

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định như thế nào về hoạt động ngành cơ khí trên địa bàn TPHCM?

Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG: - Theo thống kê, tại TPHCM số lượng DN tư nhân trong ngành cơ khí có quy mô vừa và lớn rất ít, chưa đến 10 DN. DNNN trong lĩnh vực này cũng chỉ có Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn. Trước đó có vài đơn vị, nhưng đã phá sản do không đầu tư được hoặc đầu tư mới, sau đó không thể phát triển và thua lỗ. Còn lại rất nhiều cơ sở nhỏ hoạt động theo kiểu lấy công làm lời. Điều đáng nói, đa số DN trong ngành yếu về vốn, phổ biến khoảng vài chục tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành cơ khí đang gặp nhiều rào cản do xuất phát điểm thấp, trong khi chưa có thị trường, thiếu tính liên kết và khó cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Sắp tới, các DN cơ khí sẽ còn gặp nhiều khó khăn nếu Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học - Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) không được sửa đổi để phù hợp với thực trạng DN cơ khí hiện nay, các DN cơ khí sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Thị trường ngành cơ khí tại TPHCM chủ yếu tiêu thụ sản phẩm của DN trong nước như máy công cụ có chất lượng vừa phải, giá thành cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giá rẻ. Cũng do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu Trung Quốc trong thời gian quá dài nên sự phát triển của DN cơ khí bị chậm, thời gian sau này ngành cơ khí mới phát triển tương đối nhờ đầu tư máy đã qua sử dụng giá thấp để chế tạo hàng chất lượng đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Về xuất khẩu, số lượng DN làm hàng xuất khẩu không nhiều. Thực tế này cho thấy DN cơ khí Việt Nam phải tự thân nỗ lực để phát triển. Bởi lẽ hiện nay rất ít nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào ngành cơ khí do khó tham gia vào các dự án sử dụng vốn ngân sách. Ngay các tổng công ty lớn muốn tham gia nhưng cũng rất chật vật với chính sách đấu thầu. Với hàng loạt khó khăn như vậy, có thể nói dù ngành cơ khí TPHCM vẫn đang phát triển nhưng để đáp ứng được nhu cầu thực sự của nền kinh tế với tiêu chí cơ khí là nền tảng, là trái tim của ngành công nghiệp, cần phải nỗ lực và sự hỗ trợ nhiều hơn nữa.Kỳ vọng hỗ trợ cụ thể từ QĐ50

- Ông đánh giá như thế nào về Quyết định 50 UBND TPHCM vừa ban hành đối với sự phát triển của ngành cơ khí?

- Đây là chính sách rất tốt. Trước đó, UBND TPHCM cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các ngành trọng điểm, trong đó có ngành cơ khí. Bắt đầu từ Quyết định 20/2009/QĐ-UBND ban hành năm 2009, đến Quyết định 33/2011/QĐ-UBND năm 2011 và bổ sung sửa đổi bằng Quyết định 38/2013/QĐ-UBND và năm 2015 tiếp tục ban hành Quyết định 50 nói trên. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, ngành cơ khí nói chung vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nào, dù Chính phủ đã có chỉ thị giao Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương xây dựng chính sách đất đai hỗ trợ ngành cơ khí.

Riêng tại TPHCM, chính sách hỗ trợ của chính quyền về vốn cho DN trong đó có DN cơ khí đã tạo động lực cho DN. Từ Quyết định 20 đến Quyết định 38, sự hỗ trợ cũng tăng dần các bước song vẫn còn nhiều điểm khó. Đến Quyết định 50 đã có nhiều điểm thuận lợi, có ý nghĩa với DN như được hỗ trợ toàn bộ lãi suất, các dự án công nghiệp sẽ do Sở Công Thương thông qua Trung tâm Phát triển CNHT làm đầu mối để tiếp nhận hồ sơ, tham mưu trình UBNDTP phê duyệt các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và CNHT, thay vì chỉ duy nhất Sở Kế hoạch - Đầu tư là đầu mối tiếp nhận các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin… nên tiến độ thẩm định dự án rất chậm. Chúng tôi hy vọng với quy định mới, sự hỗ trợ từ Trung tâm Phát triển CNHT sẽ tạo điều kiện giảm thời gian thẩm định dự án của DN ngành CNHT nói chung và cơ khí nói riêng, nhất là DN thực hiện các dự án nhỏ.

Các báo cáo được công bố cho thấy giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí rất lớn do điều kiện nhập khẩu khá thuận lợi với mức thuế suất bằng 0% được áp dụng trong suốt 30 năm qua. Trong khi đó, DN cơ khí nhập khẩu linh kiện về sản xuất lại phải chịu thuế nhập khá cao. Những quy định này khiến sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập.

Một số vấn đề khác cũng cần được quan tâm hơn như việc hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho DN. Thực tế hiện nay DN vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất, sau đó phải lo lãi trả ngân hàng, đến cuối năm mới làm thủ tục hồ sơ để xin được hoàn khoản lãi đó, trong khi lãi vay NH chắc chắn sẽ cao hơn lãi được hoàn dù quy định là hỗ trợ 100%. Bên cạnh đó, dù đã có chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng muốn nhận được hỗ trợ đó, trước hết DN phải vay được vốn ngân hàng. Nhưng muốn vay được vốn, DN phải có dự án tốt, vốn đối ứng để tham gia dự án và phải có tài sản thế chấp. Điều kiện xét duyệt dự án khả thi đối với ngành cơ khí của ngân hàng rất khó, như tài sản thế chấp phải là tài sản vốn có, tài sản gia đình như bất động sản, còn cơ sở vật chất của công ty chỉ có thể là tài sản bổ sung.

6 năm qua, từ khi TPHCM ban hành Quyết định 20 cho đến nay, số DN cơ khí tham gia chương trình kích cầu theo các quyết định được ban hành chưa nhiều, vì để tham gia được các gói hỗ trợ, đòi hỏi DN phải có xuất phát điểm tương đối và có nguồn lực ban đầu để tiếp cận vốn ngân hàng. Do đó, dù sự hỗ trợ rất tốt nhưng để theo được hoàn toàn không dễ.

Khó khăn tham gia chuỗi giá trị

- Với kinh nghiệm hoạt động 26 năm trong ngành, theo ông ngành cơ khí cần được hỗ trợ những vấn đề cụ thể nào để phát triển tốt hơn?

- Cụ thể là chính sách thuế. Theo đó, nếu chính sách thuế quy định hàng cơ khí nhập khẩu bằng 0% hàng trong nước sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi, khó cạnh tranh. Hơn nữa, DN cơ khí có tỷ lệ lãi thấp nhưng vẫn phải đóng thuế bằng các DN lãi lớn. Thí dụ, DN ngành khác kinh doanh mỗi năm lãi 1 tỷ đồng đóng thuế 20%, trong khi DN cơ khí kinh doanh mỗi năm lãi 100 triệu vẫn đóng thuế 20%. Nếu được kéo giảm xuống 10% sẽ tạo động lực giúp DN cạnh tranh bình đẳng. Song song đó, chính sách đất đai được miễn giảm như thế nào phải rõ ràng hơn, đồng thời phải có chính sách xây dựng cụm công nghiệp cơ khí tạo điều kiện phát triển ngành… Chính phủ đã ra chỉ thị phải hỗ trợ ngành cơ khí nhưng trên thực tế chưa có chính sách nào được triển khai.

Cụ thể Thông tư 23 quy định DN chỉ có thể nhập máy móc cơ khí có tuổi thọ tối đa 10 năm, trong khi tỷ lệ máy móc có tuổi thọ tối đa 10 năm rất ít, thường họ sử dụng hơn  10 năm mới bán. Các DN lớn có tiềm lực tài chính mới mua được máy mới giá cao, còn DN nhỏ thường không đủ khả năng mua máy mới nên phải mua máy móc, thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc. Trong khi nếu so sánh máy mới của Trung Quốc và máy đã qua sử dụng 15-20 năm của Nhật Bản, chất lượng máy đã qua sử dụng của Nhật Bản vẫn hơn máy mới từ Trung Quốc. Nói thật, các đơn vị xây dựng thông tư mới đứng trên lập trường của DNNN, DN lớn, chưa đứng về phía số đông DNNVV. Hội Cơ khí TPHCM đang kiến nghị Bộ Công Thương ban hành thông tư quy định chi tiết yêu cầu đối với từng loại máy móc để gỡ khó cho các DN nhỏ.

Công nghệ ngành cơ khí chỉ đủ làm ra những sản phẩm cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Ảnh: LONG THANH

Công nghệ ngành cơ khí chỉ đủ làm ra những sản phẩm 

cạnh tranh được với hàng  Trung Quốc. Ảnh: LONG THANH

Một vấn đề nữa, hiện nay từng DN đang rất khó khăn trong việc tham gia chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Khi nhà sản xuất nước ngoài tìm đến nhà cung ứng Việt Nam, nếu công ty đó có sản phẩm đáp ứng yêu cầu, đáp ứng hệ thống máy móc và giá thành sẽ ký hợp đồng cung ứng. Lấy đơn cử Công ty Duy Khanh đã tham gia được vào chuỗi cung ứng với các đối tác đến từ Nhật Bản, Italia. Nhưng theo tôi, muốn tham gia chuỗi cung ứng phải đầu tư rất nhiều nhưng lợi nhuận thấp, thậm chí phải chịu lỗ thời gian đầu để học hỏi phát triển, đáp ứng yêu cầu và từng bước tiến lên. Trong khi đó, các DN Việt Nam lại quá yếu về vốn, nên nếu đầu tư bị lỗ họ sẽ không đầu tư. Vì thế đến nay chỉ những DN có nguồn lực, tiềm lực mới mạnh dạn tham gia chuỗi cung ứng vì họ có khả năng lấy phần lời ở hoạt động khác bù vào khoản lỗ này, sau đó sẽ thu lợi nhuận.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác