Chính sách ngắn và trung hạn

Trong bản tin kinh tế vĩ mô vừa công bố, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách cho giai đoạn ngắn hạn và trung hạn (2013-2015) nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Trong bản tin kinh tế vĩ mô vừa công bố, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách cho giai đoạn ngắn hạn và trung hạn (2013-2015) nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong ngắn hạn các chính sách cần được định hướng nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua. Do chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6-6,5% là một mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu, nhất là từ phía các yếu tố thuộc nhóm chi phí đẩy (giá điện, xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm…), hay từ phía giá một số nhóm hàng (y tế, giáo dục…) và lạm phát kỳ vọng vẫn còn đáng kể, nên cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng.

Theo đó, cần sử dụng cách tăng cung tiền cũng như phương thức phân bổ tín dụng hiệu quả nhất trong việc đạt được mục tiêu kép là ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức hợp lý, để đảm bảo việc làm và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối bằng việc mua vào ngoại tệ vào các thời điểm phù hợp. Đây cũng là biện pháp tăng cung ứng tiền cho nền kinh tế lành mạnh nhất, có thể đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc.

Về chính sách tài khóa, trong giới hạn thâm hụt ngân sách không vượt quá 4,8% GDP, nhưng trong bối cảnh nguồn thu có xu hướng suy giảm và nhu cầu chi ngân sách rất lớn, cần chú ý đến tối ưu hóa cơ cấu thu chi.

Cụ thể, nên ưu tiên quyết toán nợ đọng từ các công trình đầu tư công. Đây là giải pháp rất hiệu quả và công bằng, bởi một phần nguyên nhân của gia tăng nợ xấu hiện nay là do nợ dây chuyền giữa doanh nghiệp thực hiện các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước nhưng chậm được chủ đầu tư thanh toán, gây thiệt hại cho nhà thầu và doanh nghiệp.

Đây là thời điểm thích hợp để giải quyết vấn đề nợ đọng. Bên cạnh đó, cần ưu tiên giải ngân các dự án dang dở để nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình này.

Đẩy mạnh cải cách cơ cấu trong trung hạn

Giải pháp giải ngân các công trình dang dở sẽ giúp “một mũi tên trúng hai đích”: tiêu thụ hàng tồn kho (yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng tối đa nguyên vật liệu trong nước với các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước); tránh lãng phí do đầu tư dang dở gây ra, một tình trạng khá phổ biến đang gây nhiều bức xúc hiện nay trong xã hội.

Trong các khuyến nghị chính sách trung hạn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh việc cần phải giám sát lạm phát, đưa thêm chỉ số lạm phát lõi (tức loại bỏ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng) vào hệ thống giám sát để tách bạch được ảnh hưởng của các yếu tố phi tiền tệ đến lạm phát, trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm, giá năng lượng trong nước tiếp tục chuyển sang cơ chế thị trường.

Về chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải thực hiện quyết liệt hơn. Tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để tránh trường hợp “lãi giả, lỗ thật”, giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững.

Đồng thời, điều chỉnh các quy định về sở hữu ngân hàng thương mại phù hợp với tình hình mới và giám sát chặt tình trạng sở hữu chéo. Cần chuyển dần việc sử dụng các công cụ chính sách trực tiếp sang áp dụng linh hoạt các công cụ gián tiếp, hạn chế tối đa việc sử dụng công cụ hành chính trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia nói chung và các chính sách quản lý tín dụng và tỷ giá nói riêng.

Thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt để giúp nền kinh tế có thể tự hấp thụ và phản ứng tốt hơn với các cú sốc từ nền kinh tế toàn cầu.

Về chính sách tài khóa, cần chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng nâng cao hơn nữa tỷ trọng thu trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ bên ngoài, như nguồn thu từ dầu thô và các hoạt động xuất nhập khẩu. Cải cách hệ thống thuế cần tập trung mở rộng cơ sở thuế và hạ thấp thuế suất để kích thích kinh tế, vừa chống tận thu thuế vừa giảm thất thu thuế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh các giải pháp cải cách mang tính cơ cấu khác như đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tập đoàn, tổng công ty nhằm nâng cao hiệu quả nền kinh tế, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.

Trọng tâm là buộc các DNNN phải chịu ràng buộc ngân sách cứng và bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân, chịu sự giám sát chặt chẽ theo tiêu chuẩn công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Kiên định thực hiện lộ trình xóa bỏ dần lỗ và chuyển sang cơ chế thị trường để xóa bỏ những méo mó giá cả làm sai lệch sự phân bổ nguồn lực, gây bất lợi cho ngành điện, trong khi khuyến khích công nghệ tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ.

Đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu đầu tư công, gắn chặt với quy hoạch, khắc phục triệt để đầu tư dàn trải, chạy theo lợi ích cục bộ. Chấm dứt tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở quá lớn, phô trương, lãng phí mà nên dành nguồn lực này vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và người nghèo. Việc sớm ban hành Luật Đầu tư công sẽ tạo ra một sự thay đổi thể chế quan trọng trong quá trình này.

Các tin khác