Chính quyền cảng: Làm rõ bản chất, tránh hiểu lầm

Với mong muốn tạo sự đột phá về thể chế chính sách để phát triển kinh tế biển, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải, Bộ GTVT đã đưa ra một khái niệm mới: Chính quyền cảng. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đây là điểm đột phá nhất trong các nội dung sẽ sửa đổi lần này. Tuy nhiên, khi dự luật được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có nhiều ý kiến băn khoăn.

Với mong muốn tạo sự đột phá về thể chế chính sách để phát triển kinh tế biển, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải, Bộ GTVT đã đưa ra một khái niệm mới: Chính quyền cảng. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đây là điểm đột phá nhất trong các nội dung sẽ sửa đổi lần này. Tuy nhiên, khi dự luật được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có nhiều ý kiến băn khoăn.

Doanh nghiệp được hưởng lợi

 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), GTVT biển của Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 74/138 quốc gia được xếp hạng. Năm 2014, logistics (dịch vụ hậu cần vận chuyển, kho bãi…) xếp thứ 48 trên thế giới. Nhưng điều đáng nói Việt Nam chỉ đứng trên 3 nước trong khu vực Đông Nam Á, đó là Lào, Campuchia và Myanmar (trong đó Lào không có biển).

“Bởi vậy, nung nấu của ngành GTVT khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải là nhằm tạo cơ hội  đột phá về thể chế chính sách phát triển kinh tế biển, phấn đấu từ năm 2021, kinh tế hàng hải sẽ vươn lên vị trí thứ nhất thay dầu khí” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Một trong những nội dung sửa đổi được Bộ trưởng Đinh La Thăng đặc biệt nhấn mạnh là quy định về chính quyền cảng (tổ chức quản lý khai thác cảng). Theo dự thảo, chính quyền cảng có chức năng điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại hiện nay là có nhiều nhà đầu tư khai thác cảng biển dẫn đến tình trạng dư thừa công suất như tại khu vực Cái Mép - Thị Vải; không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng nên không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển; nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hóa đến bến cảng của mình đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung...

Vì thế, chính quyền cảng sẽ đóng vai trò là "chủ đất", trực tiếp đầu tư hoặc đứng ra kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng, hạ tầng cơ bản, sau đó cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thuê để kinh doanh, khai thác.

Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết mô hình chính quyền cảng biển được nhiều nước đang áp dụng thành công. Thí dụ ở Mumbai (Ấn Độ), chính quyền cảng đưa ra giá sàn cho tất cả các cảng. Các cảng chỉ được phép cạnh tranh về công nghệ, thiết bị… và không được phá giá. Còn tại Trung Quốc, chính quyền cảng Quảng Đông đã buộc các hãng tàu phải tập trung hàng cho một cảng trung chuyển mới của tỉnh này.

Điều này giúp cho trật tự cũng như luồng hàng được điều tiết một cách hợp lý hơn và doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều với điều này.

“Các cụm cảng ở Việt Nam rất cần một chính quyền cảng để có thể tập hợp sức mạnh của các cảng, đồng thời phân bổ luồng hàng phù hợp chức năng của từng khu vực, từng cảng. Đặc biệt, các cảng sẽ có được mức phí, giá dịch vụ hợp lý, thống nhất để đủ sức cạnh tranh với cảng nước ngoài” - ông Nguyễn Nhật phân tích.

Sửa cách gọi để hiểu đúng bản chất

Chính quyền cảng không nằm trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương mà là tổ chức thống nhất phối hợp từ đầu tư, kinh doanh đến khai thác có hiệu quả cảng biển. Không phải cảng nào cũng có chính quyền cảng, mà chỉ tổ chức ở những cảng lớn như ở Hải Phòng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Tại phiên họp của UBTVQH diễn ra tuần trước, khái niệm chính quyền cảng đã khiến nhiều thành viên của UBTVQH băn khoăn. Nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng không nên dùng cụm từ “chính quyền cảng” bởi nội dung thể hiện chưa rõ thuộc ai, cơ cấu thế nào, trong khi chức năng theo dự thảo rất lớn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm, thể hiện từ ngữ, nội hàm phải thống nhất để không thể hiểu khác.

Theo ông, không nên dùng từ  “chính quyền” vì nếu có sẽ dẫn đến việc ra đời một loạt “chính quyền” ở các khu công nghiệp, cảng hàng không. Viết như vậy dễ nhầm lẫn, mà xét nghĩa nào cũng không thể gọi đó là chính quyền được.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng tỏ ra băn khoăn: “Dự thảo có nội dung chính quyền cảng và cảng vụ nghe giống nhau. Vậy, các đơn vị này thuộc cơ quan nào quản lý, trên là Bộ GTVT, Chính phủ, hay chính quyền nào. Trong khi đó, dự thảo quy định chức năng của đơn vị này rất lớn, có phù hợp Luật Tổ chức chính quyền địa phương không?”. Chia sẻ với các thành viên UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Luật phải sửa cách gọi chính quyền cảng để hiểu cho đúng bản chất mô hình này. Cũng như không ai gọi là chính quyền hàng không”.

Giải thích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hầu hết các nước đều có mô hình tổ chức chính quyền cảng. Tồn tại bất cập nhất của Việt Nam là tổ chức phối hợp đầu tư cảng ở những khu vực nhất định, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả, tổ chức kém nên giá cao trong khi năng suất thấp. Chính vì vậy phải có mô hình tổ chức cho phù hợp để thống nhất được tất cả lực lượng. Tuy nhiên, từ ý kiến của UBTVQH, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, dùng từ cho phù hợp để tránh gây hiểu nhầm.

Theo một số chuyên gia, cần nghiên cứu hình thành một tổ chức tổng hợp liên ngành có đầy đủ quyền lực ở cấp vĩ mô để hoạch định chiến lược và chính sách phát triển chung cho khối kinh tế biển và biển đảo Việt Nam; đồng thời quản lý và xử lý trực tiếp những bất cập phát sinh trong khối.

Theo đó, thành lập một ban chỉ đạo đặc biệt chuyên lo hệ thống cảng biển và phát triển logistics, hình thức và chức năng tương tự những ban chỉ đạo đang tồn tại của Chính phủ, như Ban chỉ đạo Tây nguyên, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ…

Các tin khác