Chỉ còn SJC sản xuất vàng miếng?

Dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trình Chính phủ, đã đưa ra nhiều quy định siết chặt quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Xem xét về điều kiện để doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng, dường như chỉ duy nhất Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đáp ứng được?

Dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trình Chính phủ, đã đưa ra nhiều quy định siết chặt quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Xem xét về điều kiện để doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng, dường như chỉ duy nhất Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đáp ứng được?

Trong thông báo khá dài được đưa ra cuối tuần trước, NHNN cho biết hiện có 8 tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp kinh doanh vàng được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng.

Tuy nhiên, vàng miếng của SJC chiếm trên 90% thị phần cả nước, tức các TCTD và doanh nghiệp còn lại sản xuất chiếm không đầy 10% thị phần.

Giao dịch vàng miếng tại SJC. Ảnh: LÃ ANH

Giao dịch vàng miếng tại SJC. Ảnh: LÃ ANH

Trong khi đó, theo dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp phải hội đủ 4 điều kiện: (1) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (2) Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; (3) Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; (4) Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.

Với 3 điều kiện đầu, có thể nhiều TCTD và doanh nghiệp đáp ứng được, nhưng với điều kiện thứ 4 đối chiếu với thực tế hiện nay (theo thông tin NHNN công bố), rõ ràng chỉ có SJC đáp ứng nổi. Như vậy, sau khi nghị định trên được ban hành, sẽ chỉ còn SJC được phép sản xuất vàng miếng?

Trao đổi với ĐTTC, lãnh đạo một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng bạc lớn phía Bắc từ chối bình luận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp, khái niệm “chiếm 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước” cần được làm rõ hơn. Và nếu điều này tạo điều kiện cho SJC độc quyền sản xuất vàng miếng ở nước ta thì cần xem xét lại, bởi NHNN khi trình dự thảo nghị định lên Chính phủ còn có mục đích xóa bỏ độc quyền!

Theo NHNN, một trong những nguyên nhân gây bất ổn thị trường vàng thời gian qua là “việc vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn (trên 90%) đã tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn”.

Vấn đề đặt ra là với những điều kiện nêu trên đối với doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, liệu tình trạng độc quyền trên có được khắc phục? Điều này NHNN chắc nắm rõ nhất.

“Lâu nay, nhiều doanh nghiệp chưa tính toán cụ thể thị phần của mình đối với sản xuất vàng miếng trong nước là bao nhiêu, bởi con số chính thức đã cấp phép chỉ có NHNN nắm được. Nhưng nếu phải đáp ứng yêu cầu chiếm 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp để được sản xuất vàng miếng, quả là điều kiện rất khó cho chúng tôi” - vị lãnh đạo doanh nghiệp trên bày tỏ.

Ông ĐINH NHO BẢNG, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng:

Nới rộng kinh doanh vàng nữ trang

Trong bối cảnh hiện nay hoạt động mua bán, kinh doanh vàng miếng dường như đang nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, việc ban hành Nghị định Quản lý kinh doanh vàng là điều hết sức cần thiết.

Nhưng đối với vàng trang sức thực ra chỉ là hàng hóa tiêu dùng đơn thuần, không mang tính chất tiền tệ, ngoại hối. Do đó, vấn đề quản lý đối với vàng nữ trang cần thông thoáng, thay vì quy định quá chặt chẽ.

Nếu quản lý quá chặt thị trường vàng nữ trang, nước ta sẽ mất vị thế phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là vàng nữ trang Trung Quốc. Nếu hàng hóa trong nước bị quản lý chặt, giá thành đội lên, doanh nghiệp trong nước sẽ không mặn mà với sản xuất, tạo cơ hội cho hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa.

Tuy nhiên, điểm nới của dự thảo Nghị định Quản lý kinh doanh vàng lần này là NHNN không quy định hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Như vậy cũng đã nới hơn so với những lần dự thảo trước đây.

 Ông NGUYỄN THÀNH LONG, Tổng giám đốc SJC:

Hạn chế chứ không cấm kinh doanh vàng miếng

Còn nhiều điều chưa quy định rõ trong dự thảo, nhưng dự thảo Nghị định Quản lý kinh doanh vàng lần này đã thể hiện rõ quan điểm hạn chế việc kinh doanh vàng miếng, chứ không cấm hoàn toàn trên thị trường tự do; đồng thời sẽ quy định một số đầu mối được kinh doanh vàng miếng.

Dự thảo cũng có hướng mở cho các NHTM được mua bán vàng miếng. Tôi cho rằng điều này là phù hợp vì NHTM có mạng lưới hoạt động rộng, được NHNN kiểm soát chặt, dễ kiểm soát hơn các đơn vị kinh doanh vàng khác.

Điểm đáng lưu ý trong dự thảo là hướng mở về chính sách vàng tài khoản sẽ do Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ, bởi đây là hoạt động phái sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này là điểm mới so với lần dự thảo trước không hề đề cập đến.

Nếu chỉ kinh doanh một mặt hàng vàng vật chất sẽ có nhiều rủi ro. Trên thế giới hiện nay, tỷ trọng kinh doanh vàng lớn nhất vẫn là vàng tài khoản và vàng tín chỉ, thay vì vàng vật chất như ở Việt Nam.

 Chị NGUYỄN KIM NGỌC, chủ cửa hàng vàng Ngọc Diệp, quận Tân Phú, TPHCM:

Cửa hàng nhỏ lấy đâu vốn 100 tỷ đồng?

Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa được biết thông tin cụ thể về dự thảo Nghị định Quản lý kinh doanh vàng của NHNN. Nhưng với những cửa hàng kinh doanh nhỏ như của tôi, việc thành lập công ty còn được chứ lấy đâu ra 100 tỷ đồng vốn điều lệ.

Nếu NHNN quy định như thế chắc chúng tôi sẽ chỉ kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, tôi nghĩ không dễ áp dụng theo quy định này vì trước đây đã có dự thảo cấm kinh doanh vàng miếng nhưng rồi đâu lại vào đó.

Chưa kể tiệm vàng nhỏ trên cả nước đếm sao cho hết. Cấm nhưng giám sát, quản lý không xuể, không khéo vô tình lại khuyến khích kinh doanh vàng lậu.

Những người làm luật có nhớ đến những cảnh chen chúc mua vàng như thời gian qua không. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng mà dân còn chen lấn huống hồ chỉ còn vài nơi có đủ điều kiện được kinh doanh.

Ai dám đảm bảo có ít đơn vị được mua bán vàng miếng thì người dân sẽ ít mua vàng hơn.

Các tin khác