Chất lượng đào tạo yếu tố sống còn

Kết thúc mùa tuyển sinh 2015, nhiều trường ĐH điểm chuẩn rất cao, nhưng cũng rất nhiều trường phải vật vã xét tuyển vẫn không đủ chỉ tiêu. Trao đổi với ĐTTC về thực trạng này, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết:

Kết thúc mùa tuyển sinh 2015, nhiều trường ĐH điểm chuẩn rất cao, nhưng cũng rất nhiều trường phải vật vã xét tuyển vẫn không đủ chỉ tiêu. Trao đổi với ĐTTC về thực trạng này, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết:

 

Đối với trường có uy tín, tỷ lệ chọi rất cao, vài ba chục thí sinh dự thi mới có 1 thí sinh trúng tuyển. Trong kỳ xét tuyển ĐH-CĐ 2015 cũng đã chứng kiến cảnh thí sinh vất vả nộp đơn hay rút đơn xét tuyển, chủ yếu diễn ra ở khoảng 30 trường ĐH hàng đầu. Tính cạnh tranh vào các trường ĐH tốp trên rất cao.

Nhưng cũng có trường nhận cả thí sinh đủ điểm sàn song cũng không thu hút được các em nộp hồ sơ. Trên thế giới cũng có những trường uy tín đòi hỏi điều kiện đầu vào rất khắt khe, song cũng có trường chỉ cần tốt nghiệp THPT là được nhập học. Đó chính là sự cạnh tranh chất lượng giữa các trường ĐH. Điều này cho thấy nếu các trường không quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, người học sẽ quay lưng.

Trước đây, tâm lý phải vào ĐH bằng mọi giá rất nặng nề. Nhưng hiện nay, thí sinh đã có sự lựa chọn khá rõ ràng. Họ vào ĐH không phải chỉ để kiếm một chỗ học bằng mọi giá, mà các bậc phụ huynh, thí sinh đã tính toán rất kỹ cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đó mới là yếu tố quyết định việc chọn trường của thí sinh. Thực tế, những trường ĐH có uy tín luôn tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đầu. Còn lại, nhiều thí sinh khác dù đủ điểm nhưng vẫn không lựa chọn  những trường các em không thích. Như vậy, nếu các trường ĐH không cải thiện chất lượng và nâng cao uy tín của mình trong xã hội, còn chỗ học thí sinh cũng không vào. 

PHÓNG VIÊN: - Như vậy việc tuyển sinh năm nay cũng nhằm tăng tính cạnh tranh chất lượng giữa các trường, thưa ông?

Ông BÙI VĂN GA: - Chất lượng là ưu tiên sống còn cho sự phát triển của từng trường ĐH- CĐ nói riêng và giáo dục ĐH nói chung. Điều này bộ GD-ĐT cũng đã cảnh báo các trường từ nhiều năm trước.

Bởi chi phí học hiện nay không còn là ưu tiên số một khi các em chọn trường, mà là chất lượng đào tạo, uy tín của trường đó đối với xã hội. Một trường ĐH tư thục hay các trường công lập tự chủ tài chính có học phí cao nhưng chất lượng bảo đảm, các em vẫn chọn thay vì một trường công giá rẻ nhưng không có tiếng tăm.

Thực tế tuyển sinh năm 2015 đã chứng minh rất rõ điều này. Trước đây, nhiều trường kêu tuyển sinh khó khăn vì hạn chế liên thông (yêu cầu thí sinh có kinh nghiệm thực tế 36 tháng mới thi liên thông do trường tổ chức). Nhưng nay quy chế liên thông đã sửa đổi tình hình tuyển sinh các trường này cũng không cải thiện.

Hoặc các trường từng kêu tuyển không đủ chỉ tiêu là do Bộ GD-ĐT định ra điểm sàn. Nhưng năm nay nhiều trường tuyển sinh riêng, xét tuyển học bạ phổ thông...  vẫn khó. Sự thật những trường công lập hay ngoài công lập có uy tín, có chất lượng đều sẽ tuyển sinh tốt dù với cơ chế nào.

- Với tình trạng như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần  tái cơ cấu hệ thống trường ĐH-CĐ?

- Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp, nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc giám sát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường được Bộ GD-ĐT triển khai quyết liệt trong thời gian qua.

Theo đó yêu cầu các trường sớm đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giảng viên để đảm bảo điều kiện hoạt động. Luật Giáo dục ĐH đã giao quyền tự chủ cho các trường, các trường cần phải  vận dụng tối đa cơ chế đặc biệt này để nâng cao chất lượng hoạt động của mình. Để tạo lập được uy tín chất lượng, các trường cần có thời gian và đầu tư nhiều công sức.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH làm 3 nhóm: ĐH theo định hướng nghiên cứu, ĐH theo định hướng ứng dụng và ĐH thực hành. Các trường cần xác định rõ mục tiêu trường mình thuộc nhóm nào để đầu tư phát triển phù hợp, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để được xếp hạng cao trong mỗi nhóm.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường các giải pháp giám sát. Bên cạnh việc dừng mở mới các trường ĐH-CĐ, Bộ cũng đã chủ trương rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành, các trình độ đào tạo.

Thực tế, từ năm 2011 đến nay, Bộ đã cho dừng tuyển sinh của nhiều ngành, chuyên ngành trình độ đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ vì không bảo đảm điều kiện. Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tới đây giáo dục ĐH sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo với quy mô hợp lý.

Vì vậy, ngoài việc hạn chế tối đa phát triển các cơ sở giáo dục ĐH mới, việc sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới trường ĐH-CĐ cũng rất cần thiết để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực.

-Xin cảm ơn ông.

GS. Nguyễn Đình Phan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân:

Tái cấu trúc mô hình ĐH

Hiện nay hệ thống trường ĐH Việt Nam tuy được cải tiến nhưng còn nhiều bất cập. Số lượng các trường tăng nhanh và liên tục trong nhiều năm, trong khi ĐH công lập chưa trở thành đơn vị tự chủ; còn nhiều trường dân lập, trường địa phương, trường nâng cấp từ trung cấp, CĐ lên ĐH nên quy mô nhỏ, đội ngũ thiếu và yếu, chất lượng không bảo đảm.

Điều này cho thấy nhiều năm qua giáo dục ĐH nước ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng, số lượng. Vì vậy, đã đến lúc giáo dục ĐH phải phát triển theo chiều sâu, tức phải coi trọng chất lượng và hiệu quả. Những năm tới, cạnh tranh giữa các trường ĐH sẽ còn gay gắt hơn giữa các trường công, giữa trường công và trường tư, giữa ĐH Việt Nam với ĐH quốc tế ở Việt Nam... Vì vậy, phải tái cấu trúc các trường ĐH để nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm xã hội.

Cụ thể, trong số gần 500 trường ĐH-CĐ cả nước hiện nay, có một số trường bề dày truyền thống nhưng cũng có quá nhiều trường nhỏ thuộc các tỉnh mới được thành lập hoặc được nâng cấp lên, hoạt động kém hiệu quả, không bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, để trường ra trường, nên giải thể một số trường quá nhỏ, chất lượng đào tạo kém, không đủ trở thành một trường ĐH. Một số trường năng lực yếu, đào tạo chuyên ngành hẹp, thuộc địa phương nên sáp nhập lại để thành trường lớn, đa ngành, đa lĩnh vực…

Các tin khác