Cây vông đồng

Nhiều lúc một mình thơ thẩn, tôi thường ngồi trên nền cỏ dưới tán lá xanh của hàng trăm cây vông đồng. Chẳng làm gì cả. Chỉ để nghe vông đồng “kể chuyện” ngày xưa.

Nhiều lúc một mình thơ thẩn, tôi thường ngồi trên nền cỏ dưới tán lá xanh của hàng trăm cây vông đồng. Chẳng làm gì cả. Chỉ để nghe vông đồng “kể chuyện” ngày xưa.

Không ở đâu như khu di tích nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị lại có nhiều cây vông đồng đến thế. Cây lớn già cỗi, cây bị gãy cành do bão tố dập vùi, nhưng tất cả đều xanh tươi.

Một màu xanh từ thuở nơi này còn là vùng đất rừng thiêng nước độc, đến bây giờ và mãi mai sau màu xanh ấy vẫn huyền hoặc dưới bầu trời bình yên nơi biên ải. Cây vông đồng có người nhầm lẫn với cây ngô đồng. Nhưng vông đồng có lá hình trái tim, thân cây to, đầy gai góc, vươn cao trên nền trời đầy sức sống.

Thuở nhỏ, những trưa hè oi ả tôi thường trốn nắng học bài dưới tán cây vông đồng. Bạn bè cùng trang lứa ít đứa dám đến nơi này bởi mọi người bảo đây là nhà tù khốc liệt của đế quốc, là nơi chết chóc và bệnh tật.

Tôi vẫn thường tới đây nhặt trái vông đồng về làm bánh xe và những trò chơi trẻ con. Im lặng nghe tiếng trái vông đồng rơi, đôi lúc ta như đang bắt gặp lời của cổ nhân đang thì thầm từ những ngày khai hoang lập địa.

 

Nói về sự hình thành của vùng đất biên giới Lao Bảo, có lẽ cây vông đồng là “nhân chứng” đầu tiên và mãi đến bây giờ. Năm 1622, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho lập dinh Ai Lao để coi giữ vùng đất biên giới phía Tây Quảng Trị.

Địa điểm lập dinh nằm ngay trên làng Bảo, làng người Vân Kiều, chỉ vẻn vẹn chục ngôi nhà đơn sơ với những rẫy sắn và lúa. Những cây vông đồng mọc tự nhiên bên dinh canh phòng được giữ lại và phát triển. Từ đó đến nay gần 400 năm, những cây vông đồng nảy chồi, lan dần tạo nên một rừng cây như ngày nay.

Lợi dụng địa thế phức tạp của vùng đất Lao Bảo, năm 1896 thực dân Pháp đã biến Bảo Trấn Lao thành nhà tù Lao Bảo khét tiếng về sự khắc nghiệt và tàn ác ở Đông Dương.

Chợt rùng mình nhớ đến câu thơ của Nguyễn Sơn Trà, một tù nhân ở Lao Bảo: “Ôi Lao Bảo đây là nơi mồ chôn bao chiến sĩ / Từ Duy Tân khởi nghĩa đến Thanh niên”.

Dưới chế độ hà khắc của bọn cai ngục, những chí sĩ không ngừng đấu tranh, đòi yêu sách, thậm chí tổ chức vượt ngục. Như phong trào đấu tranh đòi bỏ gông cùm, xiềng xích; trả về nhà lao tỉnh; cho đọc sách báo; cho gửi thư về gia đình và nhận quần áo của gia đình gửi đến; cải thiện chế độ ăn uống của Nguyễn Sỹ Sách; cuộc nổi dậy phá khám, cướp súng của Hồ Bá Kiện... Nơi đây đã trở thành nơi nung nấu lòng yêu nước thiết tha, rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ Cộng sản.

Cạnh nhà tù là bến sông Sê Pôn, trên con đường mòn từ nhà tù đến bến sông giờ đây cỏ phủ mờ, nơi này ghi dấu chân của những Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Thế Tiết... ngày bị nô dịch gánh nước, chặt tre.

Nhìn những thân cây vông đồng sừng sững lởm chởm gai mà nhớ về thời khắc nghiệt đã qua, nghe người ta bảo bọn cai ngục khi xưa đã từng bắt những tù nhân “cứng đầu” cởi trần trèo lên cây. Câu chuyện hư hư thực thực nhưng gợi lên những cực hình dã man của thực dân cai trị nơi này.

Tôi từng tự hỏi về sức sống của loài cây này. Giữa bom đạn, bão tố của dải đất hẹp miền Trung, những cây vông đồng hàng trăm năm tuổi vẫn tỏa bóng mát, trầm mặc và che chở cho những người lính áo xanh từng ngày về đây tưởng niệm những gì đã qua và hoài vọng tương lai tươi đẹp trong dòng chảy xô bồ thời gian.

Tôi từng chứng kiến một người cựu binh về đây, ngả nón kính cẩn dưới tượng đài tưởng niệm, không gian thinh lặng, rưng rưng nước mắt khẽ chạm tay vào thân xù xì đầy gai góc cây vông đồng. Giọt nước mắt như bắt gặp quá khứ một thời. Rồi gió từ đâu làm những trái vông đồng rơi xuống đất lộp độp.

Đứa trẻ đi cùng tinh nghịch nhặt lên: “Ông ơi, trái này giống cái bánh xe nhỉ”. Người cựu binh xoa đầu cháu bé: “Giữ lấy đi cháu. Đó là quà tặng của lịch sử” -  những cây vông đồng mãi xanh tươi.

Các tin khác