Cao tốc TPHCM-Trung Lương: An toàn hay tiết kiệm điện?

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chủ yếu vào ban đêm. Nguyên nhân do đâu?

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chủ yếu vào ban đêm. Nguyên nhân do đâu?

Nhiều đoạn không có đèn

 

Anh Đặng Quốc Việt, người thường xuyên lưu thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương về Bến Tre vào dịp cuối tuần cho biết, vào buổi tối đường cao tốc nhiều đoạn không mở đèn, rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là khi hướng xe chạy ngược chiều đèn pha vào, người điều khiển bị lóa mắt không nhìn thấy gì.

Trong khi đó, con lươn ở giữa quá thấp, lại không có lá chắn phản quang ngăn ánh đèn của xe hướng ngược lại, nếu tài xế không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn do va quẹt vào con lươn, chưa kể có thể húc vào xe phía trước nếu khoảng cách không an toàn. Hiện nay, xe đời mới có đèn chiếu khá xa và sáng, nhưng với tốc độ 80 - 100 km/giờ thì đèn xe không ăn thua, nên rất cần hệ thống đèn đường.

Nhiều tài xế cho biết, vào thời điểm từ 2 giờ đến 5 giờ sáng, tài xế mệt mỏi, dễ ngủ gật, đường cao tốc chạy tốc độ cao mà ánh sáng nhập nhòe nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Anh Nguyễn Ngọc Thọ, tài xế từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông trên cung đường này, mô tả: “Tôi thường xuyên chạy xe trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương nhưng lần nào cũng lo lắng khi điều khiển xe qua những đoạn đường không có đèn chiếu sáng lại gặp đúng lúc xe ngược chiều pha đèn. Sợ nhất là khi đêm tối trời mưa, gần sáng xuất hiện sương mù, tầm nhìn còn hạn chế hơn. Điều vô lý là trên đường cao tốc có lắp đủ bóng đèn nhưng lại không được bật lên”.

Theo phản ánh của các tài xế, chúng tôi đã thử khảo sát đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vào nhiều thời điểm. Ghi nhận chung, đèn nhiều nhưng chỉ bật ở một số khu vực có cầu vượt hoặc những nhánh đường rẽ. Còn lại hầu hết đèn không mở, thậm chí những điểm giao cắt, đèn chỉ mở trên các cầu vượt, còn hệ thống đèn của đường cao tốc cũng không mở.

Đơn cử, tại nút giao Tân An - Mộc Hóa không bật đèn và đoạn từ km45 đến km41 hướng từ Long An về TPHCM cũng không bật đèn. Tại điểm giao cầu Quản Thọ (địa phận tỉnh Long An) chỉ có 1 bóng đèn trên hệ thống đường cao tốc được bật! Tóm lại, suốt tuyến cao tốc nhiều đoạn không có hệ thống đèn chiếu sáng, thậm chí những đoạn có đèn cũng không bật mà chỉ để làm “kiểng”.

Ngoài ra, đường dẫn ở hai hướng Tiền Giang và TPHCM vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương nhiều đoạn gồ ghề, nhấp nhô, rất nguy hiểm đối với tài xế chưa có kinh nghiệm lưu thông qua đường này, nếu chạy với tốc độ cao rất dễ bị lật xe. Mặt đường cao tốc hướng TPHCM về Tiền Giang đã xuống cấp, đang được dặm vá trông rất nham nhở. Nhất là những ngày trời mưa, nhiều vũng nước đọng trên đường, ở những khu vực có cống thoát nước băng ngang, mặt đường gồ ghề nên không thể chạy nhanh.

Tắt đèn để… tiết kiệm điện

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, ngoài việc thiếu sáng, đường hư thì hiện nay, tình trạng lái xe say xỉn, phê ma túy lại khá phổ biến nên lái xe bất chấp quy định, cũng dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng. Đơn vị quản lý đường cao tốc cần phải khắc phục những khiếm khuyết để giao thông trên tuyến đường này an toàn hơn.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, hệ thống đèn chiếu sáng trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Nhưng sau đó, thực hiện Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26-1-2011 về việc tăng cường tiết kiệm điện và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã căn cứ theo tiêu chuẩn quốc gia “Đường ô tô cao tốc” chỉ thực hiện chiếu sáng tại các vị trí cần thiết như trạm thu phí, các nút giao, các cầu vượt, đường ngang.

Các đoạn đường được tài xế phản ánh không bật đèn là đường thẳng không có nút giao. Ngoài ra, trên vị trí thành cầu, những nơi dải phân cách giữa thấp đều được gắn bảng phản quang ngăn ánh sáng của xe chạy ngược chiều, nhằm đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn khi trời tối. Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, Cục Quản lý đường bộ IV sẽ khảo sát đánh giá để điều chỉnh các vị trí chiếu sáng, bổ sung các biện pháp nhằm đảm bảo xe lưu thông an toàn. Về việc xây dựng trạm dừng, hiện tại, Bộ GTVT đã đồng ý với đề xuất của Tổng Công ty Cửu Long về xây dựng trạm nghỉ dừng chân tại km28 + 200 để phục vụ lái xe kiểm tra độ an toàn của xe, hành khách đi vệ sinh, ngăn ngừa tình trạng dừng xe phóng uế dọc đường cao tốc.

Theo ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, chủ đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, về nguyên tắc thiết kế thì đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đảm bảo 120km/giờ. Khi đưa đường cao tốc vào sử dụng, thời gian đầu, Bộ GTVT chỉ cho phép xe lưu thông với vận tốc tối đa 100km/giờ để tài xế quen dần.

Sau một thời gian lưu thông ổn định, bộ mới điều chỉnh cho xe chạy 120km/giờ theo đúng thiết kế. Về việc đèn chiếu sáng không được bật, ông Dũng cho rằng, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương bố trí đèn rất đầy đủ ở những vị trí cần thiết. Nhiều nước trên thế giới cũng chỉ bố trí đèn chiếu sáng ở những vị trí cần thiết, không có nước nào lắp đặt đèn chiếu sáng trên toàn tuyến cao tốc.

Các tin khác