Cánh cửa hội nhập: Nước đến chân, không đường lùi

Năm 2015 được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam khi hàng loạt hiệp định chính thức có hiệu lực, trong đó quan trọng nhất là việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong bối cảnh các hàng rào thuế quan sẽ giảm dần về mức 0%, việc đối phó và tạo ra các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) ngay trên sân nhà  là hết sức quan trọng. Không còn chỗ cho sự chần chừ, hay nói cách khác là “nước đã đến chân”, nhưng xem ra không ít DN, đặc biệt DNNVV còn khá mơ hồ về các hiệp định và việc cắt giảm các dòng thuế quan.

Năm 2015 được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam khi hàng loạt hiệp định chính thức có hiệu lực, trong đó quan trọng nhất là việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong bối cảnh các hàng rào thuế quan sẽ giảm dần về mức 0%, việc đối phó và tạo ra các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) ngay trên sân nhà  là hết sức quan trọng. Không còn chỗ cho sự chần chừ, hay nói cách khác là “nước đã đến chân”, nhưng xem ra không ít DN, đặc biệt DNNVV còn khá mơ hồ về các hiệp định và việc cắt giảm các dòng thuế quan.

Thông thương hàng hóa ASEAN

Một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây là AEC. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì năm 2015 là thời điểm hình thành khu vực kinh tế chung các nước ASEAN. AEC có 4 đặc trưng chủ yếu: thị trường đơn nhất, không gian sản xuất chung; khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao; khu vực có sự phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.

Nhằm thực hiện AEC vào năm 2015, tại hội nghị cấp cao lần thứ 14 ở Thái Lan năm 2009, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất ký Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA), có hiệu lực từ ngày 17-5-2010.

Theo đó, các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) xóa bỏ thuế suất đối với 100% dòng thuế thuộc danh mục thông thường; các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) cũng đang trong quá trình chuẩn bị đưa thuế suất về 0% đối với 93% danh mục thông thường từ năm 2015.

Đối với một số DN lớn có tầm hoạt động ở khu vực Đông Nam Á sẽ có nhiều thuận lợi khi cửa hội nhập mở rộng. Nhưng khi tham gia AEC, đối tượng bị tổn thương nhiều nhất là DNNVV, khu vực này phải tìm hiểu và nâng cao năng lực, xây dựng chiến lược mới để tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh rào cản thuế quan sẽ về 0% vào cuối năm 2015.

Ông Trần Thanh Hải,
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Riêng đối với Việt Nam, để thực hiện ATIGA đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng số trong biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%. Dự kiến từ ngày 1-1-2015, Việt Nam sẽ đưa thêm 1.720 dòng thuế (khoảng 18% tổng số dòng thuế) xuống thuế suất 0%. Số còn lại bao gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế) sẽ xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu các mặt hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô - xe máy; sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa; dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh, máy điều hòa; bánh kẹo; thức ăn gia súc; sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô; vô tuyến (tivi); tàu thuyền. Mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng. Như vậy, từ năm 2015 thuế của hầu hết ngành hàng nhập từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm về 0%.

Không chỉ hàng hóa các nước ASEAN tràn vào Việt Nam, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thời điểm 2015-2018 chúng ta phải cắt giảm nhiều dòng thuế. Chẳng hạn, theo FTA ASEAN - Trung Quốc, thuế suất đối với hầu hết dòng thuế với lộ trình thông thường đã được các nước ASEAN-6 và Trung Quốc xóa bỏ hoàn toàn từ ngày 1-1-2010, thậm chí một số sản phẩm (không quá 150 dòng thuế) được xóa bỏ trước thời gian này.

Đối với các nước CLMV việc loại bỏ sẽ được hoàn thành trước ngày 1-1-2015, có linh hoạt cho không quá 250 dòng thuế đến trước 1-1-2018... Như vậy, trước việc nhiều ngành hàng phải cắt bỏ thuế quan theo các hiệp định, các DN vừa có thể tận dụng lợi thế nhưng cũng đón đầu sức ép cạnh tranh.

Phép thử quan trọng

Theo kết quả khảo sát mới đây, có đến 76% DN Việt Nam không hay biết gì AEC, 94% DN không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC, 63% DN không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC. Một khảo sát khác ở 5 tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương theo đề tài “AEC trong bối cảnh kinh tế thế giới và sự tham gia của Việt Nam”, cho thấy có 2 vấn đề quan trọng đối với nước ta trong tiến trình gia nhập AEC.

Theo đó, có khoảng cách trong quan điểm, nhận thức về AEC giữa các cơ quan trung ương, địa phương và DN; các địa phương, DN chưa thực sự chuẩn bị cho AEC. Nguyên nhân do tầm quan trọng của AEC chưa được xác định rõ; bản chất cạnh tranh trong ASEAN và cơ chế phối hợp tuyên truyền, xử lý thông tin hội nhập chưa thực sự hiệu quả.

Như vậy, nhiều DN không biết về AEC trong khi thời điểm hội nhập đang đến rất gần. Điều này có nghĩa, DN nào không nắm được luật chơi sẽ dễ phạm lỗi, thậm chí bị đè bẹp ngay trên chính sân nhà. Nước đã đến chân, nếu không có sự chuẩn bị, nhiều DN đặc biệt là DNNVV sẽ bị sốc, bởi thực tế hiện nay nhiều DN đang nỗ lực để tồn tại hơn là tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức.

AEC có thể coi là cuộc thử nghiệm trong hồ nhỏ trước khi DN phải bơi ra biển lớn. Càng tham gia hội nhập, rủi ro và sự cố càng nhiều, DN cần học cách lắng nghe và “ném rủi ro” đi nơi khác. Đồng thời, DN phải làm thế nào để vào được chuỗi giá trị, chơi được với DN tiên phong, tham gia các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành mới…

TS. Võ Trí Thành

Trong khi đó, AEC tạo ra một thị trường có sự tương đồng ở mức cao của các nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, hiện đang có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển của nhóm nước CLMV so với các nước ASEAN-6, thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế và DN, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động. Do vậy, khi AEC được thành lập DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các DN có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm trong ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia…

Đối với ATIGA, đến năm 2015 cơ bản các mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. Đặc biệt, chính sách mở cửa và quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại hàng hóa sẽ gây ra không ít thách thức cho DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Quá trình tự do hóa thương mại trong ATIGA mang lại nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn sản xuất trong nước, nhưng sẽ có nhiều tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của DN. Trong bối cảnh này, DN phải đủ sức cạnh tranh với hàng hóa đến từ nhiều nước trong khu vực ASEAN. Và để làm được điều này cần có những hành động chung để DN tự tin trước cánh cửa 2015.

Liên kết tạo sức cạnh tranh

Một trong những khuyến cáo quen thuộc được gửi đến DN là cần tìm hiểu thuế suất đối với sản phẩm của ngành mình, của Việt Nam dành cho nước ngoài và của nước ngoài dành cho Việt Nam. Khả năng cạnh tranh từ các đối tác nước ngoài, quy tắc xuất xứ cần đáp ứng…

Hiện nay một số DN đã có đội ngũ luật sư riêng chuyên tìm hiểu những luật, quy định liên quan đến ngành nghề DN đang hoạt động. Bên cạnh đó cần hợp tác với các văn phòng luật để nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết cho ngành. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh các vụ tranh chấp, kiện cáo về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá… đang ngày một gia tăng.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, để chuẩn bị cho hội nhập, DN cần làm tốt 2 việc: Thứ nhất, đổi mới thiết bị công nghệ. Bởi chỉ với những thiết bị, công nghệ hiện đại DN mới có thể làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Thứ hai, DN phải liên kết lẫn nhau tạo ra sức mạnh trong cạnh tranh. Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường và dự báo cũng hết sức quan trọng.

Hội nhập sâu rộng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh nhưng cũng là thách thức để đối phó với các doanh nghiệp trong AEC.Ảnh: LONG THANH

Hội nhập sâu rộng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh nhưng cũng là thách thức để đối phó
với các doanh nghiệp trong AEC.Ảnh: LONG THANH

Về câu chuyện đổi mới thiết bị, cạnh tranh bằng chất lượng, theo các chuyên gia, DN phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá (gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch…).

Các DN cũng cần chú trọng xây dựng hình ảnh và thương hiệu. Cùng với đó tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành, giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, tăng cường đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu. DN cũng cần tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến, quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất để có khả năng nhận những đơn hàng lớn.

Thực tế hiện nay, đổi mới thiết bị đang khiến nhiều DN, nhất là DNNVV gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn. Rào cản này khiến nhiều DN nhỏ muốn nhảy nhưng chưa nhảy được nếu không có sự trợ lực của Nhà nước. Vì thế, chỉ có sự gắn kết mật thiết giữa Chính phủ và DN mới có thể tìm ra con đường phát triển tốt nhất cho DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Sự chuẩn bị rốt ráo của nhiều nước trong khu vực cho cánh cửa 2015 chính là hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam trong việc chuẩn bị tốt nhất để có thể kịp ứng phó. Vì sau 2015 sẽ là thời điểm thực thi hàng loạt hiệp định khác như FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Liên minh hải quan, TPP cũng như các FTA giữa ASEAN và các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Lúc đó sẽ không còn chỗ cho sự chần chừ, cho thói quen đợi nước đến chân mới nhảy.

Các tin khác