Cần quy định chặt chẽ, rõ ràng

(ĐTTCO) - Hiện nay nhiều người dân vẫn e ngại tiếp cận vay tiêu dùng vì lãi suất cao hơn so với vay NH. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội NH Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO.

(ĐTTCO) - Hiện nay nhiều người dân vẫn e ngại tiếp cận vay tiêu dùng vì lãi suất cao hơn so với vay NH. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội NH Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO.

 

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC và NHTM hiện nay?

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: - So với NHTM, CTTC bị hạn chế một số dịch vụ và điều kiện nên phải cạnh tranh với NHTM khốc liệt hơn. Ngoài ra, CTTC còn gặp khó về nguồn vốn huy động. Còn phía NH có đủ lợi thế nhưng khó triển khai hơn CTTC vì không thể kinh doanh dàn trải. Bởi NH đã thực hiện dịch vụ cho vay sản xuất kinh doanh nên tập trung vào vay tiêu dùng rất khó, vì lĩnh vực này cần có sự chuyên sâu.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng vay tiêu dùng phải có quy định chặt chẽ, rõ ràng. Bản thân CTTC cũng xác định kinh doanh phải uy tín, bài bản. Quan trọng hơn phải có công cụ, biện pháp như hợp đồng tín dụng phải theo mẫu và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công Thương phải kiểm soát các tiêu chuẩn và những câu chữ để tránh tình trạng điều khoản đưa ra trái pháp luật.

CTTC tập trung hoàn toàn vào cho vay tiêu dùng với những chính sách và mục tiêu riêng, nhắm tới đối tượng người tiêu dùng nên quản lý rủi ro, quản lý khách hàng theo cách thức riêng. Do đó, các NHTM không có CTTC riêng hoặc không tách riêng mảng này gần như khó phát triển cho vay tiêu dùng, vì cùng một bộ phận không thể đáp ứng cùng lúc 2 lĩnh vực tương đối trái ngược nhau. Cho vay sản xuất kinh doanh phải thẩm định, quản lý, theo dõi chặt chẽ chuyên sâu bằng nghiệp vụ NH. Trong khi cho vay tiêu dùng phải quản lý dữ liệu số lớn, phải có công cụ, biện pháp có thể thu hồi vốn; các tiêu chí như mục đích, số tiền vay, tính chất, cách thức quản lý cũng khác.

- Tín dụng đen đang là tệ nạn nhức nhối trong xã hội. Vậy theo ông phát triển vay tài chính tiêu dùng có đẩy lùi được tín dụng đen?

- Tín dụng đen phát triển mạnh do vấn đề cung cầu. Thứ nhất, nhu cầu vay vốn rất lớn, đa dạng. Thứ hai, NH cũng hạn chế cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ vì nhiều lý do như năng lực, quan điểm kinh doanh và các nguyên tắc hoạt động của NH đòi hỏi yêu cầu cao nên khó cho vay tiêu dùng. CTTC khi tham gia lĩnh vực cho vay tiêu dùng đáp ứng được yêu cầu cho vay nhanh, dịch vụ cung cấp phù hợp thị trường nhưng lãi suất thường cao gấp đôi, gấp ba so với NH. Tuy nhiên, lãi vay tiêu dùng của CTTC so với tín dụng đen thấp hơn và ít rủi ro hơn. Việc cho vay hợp pháp này nếu phát triển được sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội, hạn chế được tín dụng đen.

- Vậy lãi suất cho vay của các CTTC được xác lập trên các nguyên tắc nào. Đặc biệt với các khoản vay đến kỳ không trả, lãi suất phạt sẽ rất cao, điều này có vi phạm quy định về cho vay của các TCTD, thưa ông?

- Với điều kiện rủi ro cao như vay tiêu dùng buộc phải chấp nhận cho CTTC áp dụng lãi suất cao, không thể nhập vào cuộc chơi chung của thị trường lãi suất theo quy định hiện hành không quá 13,5%/năm, cũng như theo quy định của Bộ luật Dân sự mới từ năm 2017 là không quá 20%. Nguyên tắc của thị trường là rủi ro tương ứng với lãi suất. NH cho vay rất chặt chẽ về điều kiện thẩm định tài sản, quản lý, khách hàng ít rủi ro nên lãi suất thấp hơn. CTTC nếu cũng cho vay như NH sẽ không cho vay được nên phải chấp nhận điều kiện đơn giản hơn, tài sản thế chấp không có hoặc có không đáng kể, mọi thủ tục nhanh chóng và số tiền ít, nếu rủi ro sẽ phần nào được bù lại từ lãi suất cao. Bản thân NHTM cho vay tiêu dùng cũng có lãi suất cao, nếu cho vay sản xuất thương mại 9-10%, nhưng cho vay tiêu dùng thường gấp đôi, gấp rưỡi. Luật TCTD không quy định rõ mà chỉ nói lãi suất được thỏa thuận. Nếu hiểu theo quy định trước đây của Bộ luật Dân sự, lãi suất cho vay không quá 13,5%/năm, nhưng nhiều NH áp dụng lãi suất riêng, dẫn đến tình trạng bên ngoài cho vay 14%/năm là phạm luật nhưng các TCTD cho vay 40%/năm cũng vẫn hợp pháp.

Về lãi suất quá hạn và lãi suất phạt, theo Bộ luật Dân sự cũ, mức phạt cộng thêm không quá 9%/năm tính từ lãi suất trong hạn, trong khi các TCTD vẫn áp dụng quy định cũ, mức phạt không quá 150% lãi suất trong hạn dẫn đến tình trạng cho vay tiêu dùng lãi suất 30%/năm, nếu quá hạn thay vì áp dụng lãi suất tối đa 39%/năm lại áp dụng lãi suất không quá 150% lãi suất trong hạn, tức lên đến 45%/năm. Thậm chí nhiều NH cho vay lãi suất cao, lãi phạt có thể tăng lên đến 50-70%/năm. Như vậy là không công bằng.

- Khi xảy ra tranh chấp, người vay thường chịu thiệt thòi vì các điều khoản ràng buộc theo hợp đồng bất lợi cho họ. Theo ông, cần giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp người vay?

- Thực tế hiện nay, hành lang pháp lý quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng chưa có, nên vẫn áp dụng quy định lỗi thời cho vay chung theo Quyết định 1627 của NHNN từ năm 2001. Các nội dung của quyết định này, nếu áp dụng cho vay sản xuất kinh doanh cũng không còn phù hợp. Tài chính tiêu dùng cần có quy định riêng, nếu không có văn bản riêng cũng phải có một chương hay một phần riêng trong quy chế cho vay mới đáp ứng được. Các quy định về đối tượng, mục đích, tiêu chuẩn của tín dụng tiêu dùng phải thông thoáng hơn, không thể cùng một chuẩn, một sân chơi như tín dụng kinh doanh. Ở các nước trên thế giới, hoạt động cho vay tiêu dùng cũng giống hướng Việt Nam đang đi, như trần lãi suất không ưu đãi hơn so với mặt bằng chung của xã hội, lãi suất cho vay cũng rất cao. Nhưng họ quản lý các dữ liệu về tiêu chuẩn, biện pháp, con số rất chuẩn, như khách hàng bao nhiêu tuổi, sức khỏe thế nào, thu nhập và điều kiện kinh tế ra sao nên rủi ro thấp hơn. Trong khi tại Việt Nam, mọi dữ liệu đều là con số ảo, không chuẩn nên áp dụng các giải pháp xử lý theo hướng rủi ro cao như lãi suất cao, tiêu chuẩn được vay cao hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác