Cần giải pháp đột phá phát triển doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Bối cảnh mới của đất nước đòi hỏi Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ toàn dân khởi nghiệp, động viên DN nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Đây là yêu cầu bức thiết trong tiến trình hội nhập, nếu ta không muốn bị loại khỏi sân chơi chung. Nhìn lại thực trạng DN nước ta, có nhiều điều đáng lo.

(ĐTTCO) - Bối cảnh mới của đất nước đòi hỏi Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ toàn dân khởi nghiệp, động viên DN nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Đây là yêu cầu bức thiết trong tiến trình hội nhập, nếu ta không muốn bị loại khỏi sân chơi chung. Nhìn lại thực trạng DN nước ta, có nhiều điều đáng lo.

Nhận diện thực trạng

Việt Nam là nước thuộc nền kinh tế mới nổi, vì vậy DN là bộ phận quan trọng nhất, quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước (hiện đóng góp khoảng 60% GDP). Kể từ năm 2000 (năm Luật DN thống nhất được ban hành), DN lớn mạnh không ngừng cả về quy mô và tốc độ phát triển: Số DN thực tế hoạt động năm 2014 trên 400.000, gấp 10,4 lần năm 2000, bình quân tăng 18,2%/năm; thu hút 12,13 triệu lao động, gấp 3,7 lần năm 2000, bình quân mỗi năm thu hút thêm 9,7% lao động. 

Việt Nam là một trong những nước đi đầu tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, nhưng nhìn chung năng lực cạnh tranh quốc tế của DN Việt còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đây là thách thức lớn, phải giải được bài toán: tận dụng thời cơ vươn ra toàn cầu hay bị nước ngoài xâm lấn, thôn tính.

Thành tựu đạt được trong giai đoạn vừa qua là rất ấn tượng: Tổng vốn cho sản xuất kinh doanh năm 2014 của DN đạt 20.755 ngàn tỷ đồng, gấp 19,1 lần năm 2000, bình quân tăng 22,5%/năm (tăng nhanh nhất trong các chỉ tiêu). Doanh thu năm 2014 đạt 16.689 ngàn tỷ đồng, gấp 17,2 lần năm 2000, bình quân tăng 22,5%/năm (tăng nhanh thứ hai trong các chỉ tiêu). Lợi nhuận năm 2014 đạt 556,7 ngàn tỷ đồng, gấp 13,6 lần năm 2000, bình quân tăng 20,5%/năm (tăng nhanh thứ ba trong các chỉ tiêu). Đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2014 đạt 665,8 ngàn tỷ đồng, gấp 11,6 lần năm 2000, bình quân tăng 18,7%/năm. Cơ cấu DN xét theo loại hình DN: biến động theo hướng giảm dần đóng góp của DNNN, tăng dần và nhanh DN ngoài nhà nước và DN FDI. Theo khu vực và ngành kinh tế, DN thuộc khu vực dịch vụ tăng nhanh nhất về quy mô và tốc độ, tiếp đến là khu vực công nghiệp - xây dựng; khu vực nông nghiệp ngày cành giảm dần, không phát triển.

 Tính theo vùng kinh tế: Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng kinh tế phát triển nhất, chiếm phần lớn quy mô DN (năm 2014 chiếm 73,3% số DN, 70% lao động); quy mô nhỏ nhất là Tây nguyên và vùng núi phía Bắc (chỉ 2,6-3,9% số DN và 2-5,5% lao động). Đặc điểm hoạt động DN thời gian qua cho thấy số lượng DN và lao động của DN quy mô lớn giảm dần, nhưng DN lớn đầu tư nhiều vốn, tạo ra nhiều lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Ngược lại, khối DNNVV chiếm tỷ lệ áp đảo về số DN và lao động nhưng quy mô vốn nhỏ, tạo ra lợi nhuận thấp, đóng góp không nhiều cho ngân sách nhà nước. Xét theo trình độ công nghệ của các DN ngành chế biến, chế tạo cho thấy DN có công nghệ cao có tỷ lệ số DN, lao động giảm trong 15 năm qua, nhưng lại kinh doanh hiệu quả hơn DN có công nghệ thấp và trung bình về đầu tư vốn, lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách. Các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu có trình độ công nghệ thấp (57,3% số DN) và trung bình (30,2%). 2 loại hình công nghệ này có xu hướng ngày càng tăng.

Đối mặt thách thức

DN Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế cho đầu tư vốn, kỹ thuật, công nghệ và chiến lược phát triển hiệu quả. Tỷ lệ DNNVV hiện nay xấp xỉ 95%. Nhìn chung, mặc dù có sự cải thiện trong thời gian qua nhưng DN Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển theo chiều rộng (tăng số DN, lao động, vốn), chưa được cải thiện nhiều về chất lượng, chiều sâu. Nguồn lực của DN Việt Nam (chất lượng lao động, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, marketing, môi trường kinh doanh...) còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.

Tinh thần, trách nhiệm xã hội của một bộ phận doanh nhân và DN Việt còn yếu, biểu hiện ở nhiều mặt: lách luật, chuyển giá, trốn thuế, báo cáo không trung thực, gây ô nhiễm môi trường, thành lập DN nhưng thực chất hoạt động trá hình, xuất nhập khẩu khống chiếm đoạt thuế, buôn lậu... gây tổn hại, thiếu lành mạnh đối với nền kinh tế.

Quản lý nhà nước và việc triển khai chủ trương khuyến khích phát triển DN kết quả chưa đồng đều, hiệu quả thấp. Công tác cổ phần hóa DNNN có nhiều tiến triển tích cực, nhưng nhìn chung còn chậm, chưa triệt để. Thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, do các đơn vị hoạt động gia công là chủ yếu, giá trị gia tăng thấp, không đạt kỳ vọng về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị kinh doanh tiên tiến lan tỏa trong nền kinh tế.

Lộ trình hội nhập ngày càng mở rộng nhưng nước ta có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa do công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, không đáp ứng sự phát triển nhanh của thế giới. Chủ trương thúc đẩy phát triển DN của Nhà nước chưa thực thi đầy đủ, hiệu quả ở một số bộ, ngành và địa phương.

Đa phần DNNVV Việt Nam hiện nay có công nghệ lạc hậu.

Đa phần DNNVV  Việt Nam hiện nay có công nghệ lạc hậu.

Tạo cú hích phát triển

Bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và cạnh tranh hội nhập, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và thực chất; hoàn thiện khuôn khổ chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN phát triển. Để làm được yêu cầu này cần có cơ chế đẩy mạnh việc giám sát chặt chẽ các cơ quan Chính phủ, địa phương trong thực thi pháp luật, chính sách hỗ trợ và phát triển DN. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá đầy đủ, hiệu quả về việc “Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DN” đối với các cơ quan Chính phủ, các địa phương; quy trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương có chỉ số yếu kém, chậm phát triển.

Đổi mới hay là chết - phải là lời hiệu triệu mới trong bối cảnh hiện nay để các ngành, các cấp đồng tâm tực hiện. Để tránh khả năng tụt hậu xa hơn, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo để phát triển đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động.Để đổi mới hoạt động, quản trị DN thực chất, phân bổ nguồn lực của Nhà nước hiệu quả phải đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, đảm bảo khu vực này hoạt động lành mạnh, bình đẳng với các loại hình DN khác. Chính phủ đưa ra phương châm hành động mang tính thực chất: Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển.

Hơn lúc nào hết, để hiện thực hóa chủ trương này, cần triển khai nhanh việc xây dựng, ban hành những quy định của pháp luật liên quan đến DN, có tác động tạo cú hích khởi nghiệp trong toàn xã hội để DN yên tâm làm ăn bài bản, tiệm cận với tiêu chuẩn phổ quát thế giới. Bằng các cơ chế cụ thể, Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai, cơ hội đầu tư kinh doanh... Chỉ bằng hành động thực tế mới tạo sự chuyển biến toàn bộ nền kinh tế, giải phóng sức sản xuất.

Các tin khác