Các trường ĐH-CĐ lo khi phải tự chủ

Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) diễn ra ngày 22-10 nổi lên nhiều vấn đề nóng: tuyển sinh, tự chủ ĐH, phân tầng xếp hạng ĐH…

Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) diễn ra ngày 22-10 nổi lên nhiều vấn đề nóng: tuyển sinh, tự chủ ĐH, phân tầng xếp hạng ĐH…

Lo học phí tăng

Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến năm học 2014-2015, cả nước có 219 trường ĐH, 217 trường CĐ (không tính các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng, quốc tế), trong đó có 60 trường ĐH, 28 trường CĐ ngoài công lập. Tổng số giảng viên là 91.183 người.

Giảng viên có trình độ từ thạc sĩ là 48.888, chiếm 53,62%; giảng viên có trình độ tiến sĩ là 11.000, chiếm 12,06%; số giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ mới đạt 4,36%. Đáng chú ý, quy mô đào tạo đã giữ tương đối ổn định, tăng tỷ lệ sinh viên hệ chính quy, sinh viên hệ tại chức ngày càng giảm (chỉ còn khoảng hơn 20%).

Một trong vấn đề “nóng” nhất của giáo dục ĐH hiện nay là tự chủ ĐH. Đây là vấn đề tất yếu, luật đã quy định và về lâu dài các trường bắt buộc phải thực hiện. Trong năm học 2014-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với trường công lập giai đoạn 2014-2017.

Theo đó, các trường có đề án đổi mới cơ chế hoạt động được Chính phủ giao quyền tự chủ ở mức cao hơn về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; được thu mức học phí cao hơn so với quy định chung. Hiện nay, 11 trường ĐH đã được Thủ tướng cho phép thực hiện thí điểm mô hình tự chủ theo Nghị quyết 77.

 

Tuy nhiên, đúng như Bộ GD-ĐT đánh giá, việc xây dựng cơ chế tự chủ, xã hội hóa cho giáo dục còn gặp nhiều trở ngại do mức học phí còn thấp, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng khác nhau; một số ngành nghề quan trọng đối với phát triển đất nước nhưng vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ lại không có sức hấp dẫn trong xã hội (như năng lượng nguyên tử, nông lâm, một số ngành công nghệ…). Nhiều trường thể hiện nỗi lo và đề nghị cần có lộ trình để các trường có thể chuẩn bị cho việc tự chủ.

PGS-TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, băn khoăn vì học phí trường y ở tất cả các nước là đắt nhất trong các loại trường ĐH, nên khi thực hiện tự chủ trường rất lo. “Tự chủ thì lo nhất là học phí cao lên. Bộ nói một số trường tăng học phí nhưng số lượng tuyển sinh không giảm, điều đó là đáng mừng, nhưng chúng tôi lo lắng đến sức chịu đựng của xã hội, công ăn việc làm của sinh viên ra trường. Do đó, đề nghị khi thực hiện tự chủ phải có hệ thống chính sách để hỗ trợ người đi học”, PGS Nguyễn Đức Hinh đề nghị.

Nâng chất lượng

 * Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, Bộ GD-ĐT cần quan tâm đến những vấn đề như sớm xây dựng và ban hành khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN, để tạo định hướng cho các đơn vị xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo, vì cuối năm nay thị trường lao động trong khối ASEAN sẽ được di chuyển tự do và có sự cạnh tranh khốc liệt.

Lắng nghe trăn trở của các trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, tự chủ ĐH là xu thế tất yếu, chúng ta phải làm. Qua nhiều lần tranh luận, hiện đã thí điểm được 12 trường, tới đây sẽ phải làm tiếp, làm mạnh.

“Thay vì các trường đề nghị có lộ trình, chúng ta nên cùng bàn để có cơ chế để các trường có thể tự chủ, về tài chính, về bộ máy. Từng trường phải có đề án tự chủ, không nên hiểu tự chủ là nhà nước sẽ buông. Ví dụ về vấn đề tự chủ tài chính, nhà nước vẫn cấp kinh phí theo quy định, nhưng các trường được toàn quyền quyết định việc sử dụng số kinh phí đó mà không phải xin ý kiến; hoặc trường có thể quyết định độ tuổi của nhân sự. Vấn đề phân tầng ĐH cũng nhất thiết phải làm. Chính phủ đã có nghị định, nhiều trường cũng đã có ý thức để được lọt vào bảng xếp hạng của thế giới. Cần tham gia việc phân tầng, xếp hạng theo chuẩn thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc quan trọng nhất là nâng chất lượng giáo dục ĐH lên, chất lượng nhân lực được bảo đảm thì đất nước phát triển sẽ tốt hơn, việc làm sẽ nhiều hơn.

Thí sinh được tự do đăng ký xét tuyển?

Cũng tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã công bố phương hướng thi - tuyển sinh năm 2016 để các trường trong cả nước thảo luận. Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPT QG) và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 theo hướng về cơ bản giữ ổn định như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh. Sau khi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm, các cụm thi cập nhật dữ liệu điểm thi vào hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT; tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho thí sinh, khắc phục tình trạng nghẽn mạng.  

Về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016, điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Các trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng tiếp tục xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh. Bộ GD-ĐT quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Bộ có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp, để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt từ 5-7 ngày. Các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự phối hợp thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.

Hoàn thiện các khâu kỹ thuật cho kỳ thi THPT quốc gia 2016

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phương án thi - tuyển sinh năm 2016 chưa nên ấn định điều gì, cần thảo luận kỹ hơn. Bộ GD-ĐT chỉ nên  bước đầu cam kết năm 2016 sẽ tiếp tục có những điều chỉnh để bảo đảm kỳ thi trung thực, nhẹ nhàng, tiết kiệm, không gây áp lực. Phải tách bạch việc thi và tuyển sinh, theo tinh thần tuyển sinh là việc tự chủ cho các trường, Bộ GD-ĐT không nên tham gia vào mà chỉ quy định những gì cần thiết. Nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT là tạo ra sự công bằng cho thí sinh trong kỳ thi”

Về kỳ thi THPT QG trong năm 2016, hầu hết các trường đề nghị giữ nguyên các mặt ưu điểm trong năm 2015,  những gì hạn chế thì mới thay đổi. Ví dụ cần khắc phục hạn chế về công nghệ thông tin trong xét tuyển; phải có phối hợp rất tốt giữa các Sở GD-ĐT và trường ĐH để công tác tổ chức thi, đăng ký xét tuyển tốt hơn. Đề thi cũng phải có sự phân hóa tốt hơn.

Các trường cùng cho rằng, năm 2016 cần đẩy mạnh tuyên truyền để thí sinh đăng ký xét tuyển, thay đổi nguyện vọng đều thông qua trực tuyến thì sẽ hạn chế được tình trạng “hồi hộp như chơi chứng khoán” trong tuyển sinh như năm 2015. Các trường tốp trên cần có điểm sàn vào trường cao hơn để bảo đảm phân tầng xét tuyển. Đáng chú ý, khá nhiều ý kiến đề nghị bỏ thi viết đối với môn ngoại ngữ.

Các trường vẫn còn khác nhau về thời gian dự kiến tổ chức thi. Bộ GD-ĐT dự định chuyển kỳ thi năm 2016 sang giữa tháng 6, nhưng một số trường đồng tình, một số trường đề nghị giữ nguyên đầu tháng 7 như hiện nay. Một số trường đề xuất chỉ có một loại cụm thi thay vì 2 loại cụm thi như năm 2015.

Các trường ở khu vực TPHCM cho rằng, hiện nay việc xét tuyển mới chỉ tìm được thí sinh đỗ vào trường ĐH nào đó, rất nguy hiểm cho nhân lực quốc gia về sau. Vì vậy, cần có giải pháp để bảo đảm thí sinh thi được vào ngành mình thích, ví dụ như các trường cùng nhóm ngành nên liên kết để xét tuyển, khi đó thí sinh không đỗ trường này thì vào trường kia nhưng cùng ngành.  

Tiến sĩ Lê Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT đề nghị có thể tổ chức hai đợt thi. Ngoài ra thời gian nhập học không nhất thiết chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi thấy sinh viên Việt Nam rất khổ, học xong phổ thông là hì hục thi ĐH. Đó là do quy chế của chúng ta cứng nhắc, cần thay đổi”, TS Minh nhận xét.

Các tin khác