Bùng nổ bán lẻ trực tuyến

Thương mại điện tử (TMĐT) từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt vượt trội của nó so với các loại hình kinh doanh truyền thống. Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp kinh doanh TMĐT đã và đang mang lại những kết quả hết sức khả quan. Do đó, việc áp dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Thương mại điện tử (TMĐT) từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt vượt trội của nó so với các loại hình kinh doanh truyền thống. Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp kinh doanh TMĐT đã và đang mang lại những kết quả hết sức khả quan. Do đó, việc áp dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Những tín hiệu lạc quan

Thanh toán trực tuyến đối với TMĐT nếu xét về công nghệ không có gì khó khăn. Nhiều doanh nghiệp TMĐT đã tích hợp công cụ thanh toán trên trang web bán hàng trực tuyến của họ. Khó khăn lớn nhất là thói quen mua sắm của người tiêu dùng, họ vẫn muốn cầm, nắm sản phẩm trước khi quyết định trả tiền.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại TPHCM

Việc 2 trung tâm thương mại (TTTM) lớn của Hoa Kỳ là JC Penney và Macy’s tuyên bố đóng nhiều cửa hàng do hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến đã thu hút sự quan tâm khá lớn của dư luận. Cụ thể, JC Penney sẽ đóng 40 trong số 1.060 cửa hàng, tương đương khoảng 2.250 người sẽ bị mất việc làm. Trong khi đó, Macy’s sẽ đóng 14 trong số 790 cửa hàng trong vài tháng tới, cắt giảm hơn 1.300 việc làm. Tất nhiên, tại Việt Nam sự kiện này chưa đến mức khiến doanh nghiệp bán lẻ phải lo lắng, bởi đa phần người tiêu dùng trong nước chưa có thói quen mua hàng trên mạng. Tuy nhiên, hình thức mua sắm trực tuyến cũng đang dần thu hút người tiêu dùng quan tâm, sử dụng.

Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin VECITA (Bộ Công Thương), năm 2014, gần 220 sàn giao dịch TMĐT tham gia khảo sát mang lại doanh thu hơn 1.660 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2013. Trong đó, top 10 website dẫn đầu thị trường chiếm đến 75% tổng doanh thu. Còn tổng doanh thu từ TMĐT B2C (giữa doanh nghiệp với khách hàng) năm 2014 đã cán mốc 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng VECITA, nhìn nhận: “Trong 40 triệu người dùng Internet tại Việt Nam có 58% người từng mua sắm trực tuyến. Ước tính năm 2015 doanh thu thị trường TMĐT trong nước sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD. Đây là những tín hiệu lạc quan cho ngành TMĐT Việt Nam”. Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004, đến nay sau hơn 10 năm TMĐT đã có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ, nhất là sau khi có sự tham gia của nhiều đại gia nước ngoài thông qua việc đầu tư kinh doanh trực tiếp như Lazada hay Zalora, hoặc thông qua hình thức rót vốn vào các doanh nghiệp TMĐT của Việt Nam.

Sự tham gia mạnh mẽ của nhiều đại gia nước ngoài đã khiến cán cân thị trường TMĐT nghiêng hẳn về phía doanh nghiệp ngoại. Cụ thể, năm 2014, các website mua sắm trực tuyến do nhà đầu nước ngoài làm chủ chiếm số lượng nhỏ, nhưng lại nắm đến 59% doanh thu toàn thị trường, tăng 15% so với mức 44% của năm 2013. Lazada (trực thuộc Tập đoàn Rocket Internet của Đức) trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong vòng 2 năm trở về đây. Lý do, chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, Lazada đã vượt qua 216 sàn TMĐT khác trong nước để đứng đầu về doanh thu, chiếm 36% thị phần trong năm 2014. Tiếp nối là các trang Sendo chiếm 14,4%, Zalora đứng thứ 3 với 7,2% thị phần, Tiki nắm giữ 5,4%... Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài đã kéo theo một cuộc đua khốc liệt về tiếp thị trực tuyến. Và trong cuộc đua này, đã có không ít sàn TMĐT phải đóng cửa do không thể chạy đua về vốn với những gã khổng lồ khác.

 Cuộc đua kim tiền

Cuộc chơi TMĐT sắp tới sẽ ngày càng hấp dẫn. Sự nhập cuộc của các ông lớn nước ngoài giàu kinh nghiệm về TMĐT vào Việt Nam sẽ làm gia tăng áp lực nhưng cũng là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến trong nước muốn tồn tại buộc phải trở nên chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, CEO website Việt Lingo.vn

Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, sự kiện website beyeu.com chính thức đóng cửa đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của cả giới trong nghề cũng như dư luận. Sự thu hút đến từ lời nhắn nhủ beyeu.com gửi gắm lại: “TMĐT cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng". Nhiều ý kiến cho rằng những lời nhắn nhủ này hoàn toàn chính xác và nó đến từ những người rất am hiểu cuộc chơi TMĐT. Đây thực sự là cuộc chơi kim tiền. Ngay cả Rocket Internet cũng đang phải đứng trước những thách thức sau những cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, Foodpanda (một trong những đứa con của Rocket Internet) đã phải bán cho Vietnammm.com. Dù giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng theo đánh giá Foodpanda không được định giá cao.

Hiện trong giới TMĐT đang rộ lên tin đồn sau Foodpanda, Zalora cũng sẽ được rao bán bởi tập đoàn này đang chịu những khoản lỗ khá lớn. Và nếu điều này xảy ra, Rocket Internet chỉ còn lại Lazada là con át chủ bài tại thị trường Việt Nam. Có lẽ vì vậy Rocket Internet vẫn tiếp tục những chiến lược đổ vốn vào Lazada. Cụ thể, cuối năm 2014, Lazada Group - trung tâm điều hành kênh mua sắm trực tuyến số một Đông Nam Á - công bố đã nhận được khoản vốn đầu tư mới lên đến 200 triệu EUR (gần 250 triệu USD) từ các tập đoàn lớn Temasek (Singapore), Rocket Internet (Đức), Kinnevik và Verlinvest để phát triển 6 thị trường ở khu vực Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Riêng Lazada Việt Nam nhận khoảng 1/6 trong số này. Nhờ những khoản vốn khủng, Lazada đã tung ra nhiều chương trình tiếp thị nhằm thu hút khách hàng đến với website của mình. CEO Lazada Việt Nam, Alexandre Dardy thừa nhận: “Chúng tôi chi rất nhiều tiền để có được lượng khách hàng hiện nay, nhưng cũng cần rất nhiều yếu tố hơn tiền để có được vị trí hàng đầu”.

Để chạy nhanh hơn trong cuộc đua này, các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam đã bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây nhất, sàn TMĐT taembe đã công bố nhận được số vốn 228.000USD (tương đương 5 tỷ đồng) cho vòng tài trợ hạt giống giai đoạn đầu từ Quỹ Swiss Founders Fund - quỹ đầu tư vòng hạt giống có trụ sở tại St.Gallen, Thụy Sĩ. Trước đó, CTCP Sen Đỏ, trực thuộc Tập đoàn FPT sở hữu 2 sàn giao dịch điện tử là Sendo và 123Mua cũng có cái bắt tay với 3 tập đoàn dịch vụ Internet hàng đầu Nhật Bản, bao gồm SBI Holdings, Econtext ASIA và Beenos. Hay tiki.vn cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Tất nhiên, không phải có yếu tố ngoại mới có thể làm nên chuyện. Sự thật đang có nhà đầu tư nội được kỳ vọng trở thành đối trọng với những ông lớn ngoại như Lazada, đó chính là Vingroup. Năm 2014, Vingroup bắt đầu sự tham gia của mình vào thị trường TMĐT với việc thành lập VinEcom, có vốn điều lệ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Hồi tháng 8-2015, VinEcom đã cho ra mắt sàn TMĐT Adayroi với một số ngành hàng đặc biệt như ô tô, xe máy và thực phẩm tươi sống. Vẫn còn quá sớm để nói về sự thành công cho VinEcom nhưng với tiềm lực tài chính mạnh, những bước đi thần tốc trong việc phát triển mạng lưới siêu thị của Vingroup, nhiều người tin tưởng vào bước đột phá trong TMĐT của doanh nghiệp nội này.

 Lỏng lẻo niềm tin tiêu dùng

Hiện nay, ngoài số lượng người nhất định đang thực hiện các giao dịch mua hàng trực tuyến, tại Việt Nam vẫn còn lượng không nhỏ người tiêu dùng chưa tin tưởng vào hình thức mua hàng này. Báo cáo của VECITA cho biết hiện có 44% người dùng Internet ở Việt Nam (tương đương 14 triệu người) chưa bao giờ tiến hành các giao dịch hàng hóa trực tuyến. Hay mới đây, một khảo sát của Neilsen cũng chỉ ra rằng 22% người tiêu dùng được khảo sát không tin tưởng thông tin trên mạng; 15% ngại chi phí giao hàng; 11% phàn nàn các trang web mua sắm khó hiểu, chưa thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin. Để lấy lại niềm tin người tiêu dùng, một số sàn TMĐT phải mở các cửa hàng offline.

Vừa qua, nhãn hiệu thời trang trực tuyến Zalora cho ra mắt cửa hàng trưng bày đầu tiên theo hình thức mua hàng trực tuyến tại chỗ. Theo đó, tại cửa hàng Zalora, ngoài những sản phẩm được trưng bày, nơi đây còn có một hệ thống 15 máy tính hiện đại nhằm hỗ trợ khách tham khảo giá, tiến hành đặt mua trực tuyến. Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam, bà Nguyễn Phương Anh, cho biết: “Dù TMĐT đang được cho là bùng nổ ở Việt Nam, nhất là tại TPHCM, nhưng thực tế nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết cách thực hiện các bước mua sắm qua mạng, cũng như e dè với hình thức này vì không được thử và tận tay sờ sản phẩm”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế, hiện nay nhiều trang TMĐT vẫn đang bán hàng theo kiểu bán hàng “nhái” với mức giá gần hàng thật; niêm giá cao trước khi giảm giá; chất lượng và hình ảnh sản phẩm thực không đúng với quảng cáo trên trang web; người tiêu dùng bị làm phiền liên tục bởi những email quảng cáo của các trang TMĐT - nói theo cách gọi quen thuộc là bị “bom thư”. Nhưng dường như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ. Bàn về vấn đề này trong một buổi giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng Văn phòng phía Nam của Vecita, chia sẻ: “Về khía cạnh thông tin rác, Nghị định 52 và Nghị định 77 của Chính phủ bổ sung về chống thư rác, trong đó có quy định các nhà làm TMĐT khi nhận thông tin người dùng phải có sự cho phép của người dùng mới được gửi thư. Tuy nhiên khía cạnh hậu kiểm còn nhiều thiếu sót nên vẫn tồn tại thư bom, càng khiến niềm tin của người tiêu dùng đối với TMĐT bị lung lay”. Hiện nay, để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các bên tham gia giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tham gia mua sắm trên mạng, VECITA vừa xây dựng thông tư quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng di động. Dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Cuộc chơi thương mại điện tử của Việt Nam chắc chắn sẽ còn rất dài, sẽ còn có những kẻ ra người vào và thị trường được nhận định sẽ phải mất khoảng 5-7 năm nữa để ổn định và định hình. Và khi đó thị trường bán lẻ trực tuyến chắc chắn sẽ bùng nổ.

Các tin khác