Bóng đá và trách nhiệm xã hội

Bóng đá Việt Nam từng có giai đoạn sôi động với những “cầu thủ bạc tỷ”, các “ông bầu” là những chủ doanh nghiệp, nhà băng rót hàng trăm tỷ đồng mỗi năm… Nhưng nay “bức tranh” trổ màu khá ảm đạm: thị trường chuyển nhượng đóng băng, nhiều đội nợ lương cầu thủ, doanh nghiệp từ bỏ đội bóng… Liệu bóng đá có còn trở lại thời vàng son trước đây? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông LÊ HÙNG DŨNG, Phó Chủ tịch VFF, kiêm Phó Chủ tịch VPF, Chủ tịch HĐQT Eximbank (ảnh), xoay quanh vấn đề này.

Bóng đá Việt Nam từng có giai đoạn sôi động với những “cầu thủ bạc tỷ”, các “ông bầu” là những chủ doanh nghiệp, nhà băng rót hàng trăm tỷ đồng mỗi năm… Nhưng nay “bức tranh” trổ màu khá ảm đạm: thị trường chuyển nhượng đóng băng, nhiều đội nợ lương cầu thủ, doanh nghiệp từ bỏ đội bóng… Liệu bóng đá có còn trở lại thời vàng son trước đây? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông LÊ HÙNG DŨNG, Phó Chủ tịch VFF, kiêm Phó Chủ tịch VPF, Chủ tịch HĐQT Eximbank (ảnh), xoay quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Với cương vị là Phó Chủ tịch VFF lẫn VPF, ông nghĩ sao trước việc một loạt ông bầu có ý định bỏ đầu tư  bóng đá?

- Ông LÊ HÙNG DŨNG: - Giai đoạn bóng đá Việt Nam được coi là “hoàng kim” là những năm kinh doanh địa ốc thuận lợi, chứng khoán tăng, tài chính ngân hàng sôi động, doanh nghiệp ăn nên làm ra cần quảng bá thương hiệu để tăng uy tín và tiềm lực của mình.

Các doanh nghiệp nhận thấy quảng bá qua bóng đá là tốt nhất cho thương hiệu. Thí dụ, trước đây ít người biết đến bầu Đức là ông nào dù ông có rất nhiều tiền. Chỉ khi bầu Đức tham gia mua đội hạng nhất, năm sau lên thẳng đội chuyên nghiệp, rồi thuê cầu thủ nước ngoài, nên dù đang kinh doanh ở một tỉnh miền núi, qua bóng đá cả nước đều biết đến doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức.

Hoặc bầu Thắng, bầu Hiển cũng vậy. Qua việc đầu tư vào bóng đá, các thương hiệu như Đồng Tâm Long An, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã nhanh chóng sáng giá trên thương trường. Nhiều doanh nghiệp cho biết, qua kênh bóng đá, thương hiệu và giá trị thương quyền tăng cao hơn bất kỳ hình thức quảng bá thương hiệu nào.

Nhưng khi tình hình kinh tế khó khăn, chứng khoán đi xuống, địa ốc “đóng băng”, doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể phá sản, sản phẩm bán không được, hàng tồn kho lớn, nợ vay ngân hàng cao… điều “sống còn” của các doanh nghiệp lúc này là làm sao trả được nợ vay, lãi vay, cắt giảm các chi phí không cần thiết, trong đó đầu tư bóng đá đã trở thành gánh nặng cần phải giảm hoặc từ bỏ.

Những mùa giải trước, nuôi một đội bóng 50-70 tỷ đồng không thành vấn đề, nhưng nay kiếm 10-20 tỷ đồng để nuôi đội bóng không dễ. Vì vậy, sự thoái trào của các ông bầu trong đầu tư bóng đá là điều tất nhiên.

- Tại sao Eximbank không tài trợ một đội bóng mà “bao” cả V-League - một giải bóng đá chuyên nghiệp được đánh giá có chuyên môn thấp, kém hấp dẫn, ít khán giả và nhiều tiêu cực? 

- Bất cứ lĩnh vực, tổ chức nào trong xã hội cũng có mặt tích cực và tiêu cực, mặt ưu, mặt khuyết. Tiêu cực ấy phản ánh qua bóng đá là điều có thể thấy được. Vấn đề là khi phát hiện được tiêu cực chúng ta hành xử, xử lý như thế nào mới quan trọng.

Eximbank tài trợ cho V-League mà không tài trợ cho một đội bóng cụ thể là chiến lược riêng của chúng tôi. Tôi từng quản lý một đội bóng nên hiểu điều này không đơn giản, cực kỳ khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì tốn kém thời gian. Một vị tướng có thể thủ lĩnh nổi danh quân đội chỉ huy bao nhiêu quân đoàn, nhưng không dễ quản lý 12 cầu thủ.

Hơn nữa, một đội bóng có thể thắng hay thua, cầu thủ hôm nay có thể đá giỏi được tung hô nhưng ngày mai đá kém trở thành “tội đồ”. Chúng tôi tài trợ cho giải và cho rằng đây là công cụ quảng bá tốt, những giải có trận hay cũng có trận không hay. Thực tế giải bóng đá quốc gia xảy ra tiêu cực không chỉ ở V-League mà ở tất cả giải đấu trên thế giới.

- Vậy HĐQT Eximbank sẽõ gắn bó và tài trợ cho giải V-League bao nhiêu mùa, số tiền tài trợ bao nhiêu, được sử dụng như thế nào?

- Trong hợp đồng ký 3 năm, năm đầu tiên 2011 là 30 tỷ đồng, mỗi năm còn lại tăng thêm 10% (năm 2012 là 33 tỷ đồng) và mùa cuối 2013 chúng tôi tiếp tục tài trợ theo hợp đồng. Eximbank là một trong những doanh nghiệp tài trợ lớn cho bóng đá nhưng chưa phải là nhiều so với những ông bầu bỏ ra cả 100 tỷ đồng nuôi bóng đá mỗi năm.

Sau hợp đồng 3 năm, bắt đầu từ 2014, chúng tôi sẽ xem xét tình hình rồi mới quyết định có thể tiếp tục hay không. Qua theo dõi, chúng tôi khẳng định việc đầu tư bóng đá giúp thương hiệu của Eximbank lan tỏa trên cả nước. Đây là lĩnh vực giúp Eximbank hiện diện liên tục trên báo chí, đài truyền hình qua các trận đấu từ Bắc chí Nam.

- Theo ông, để đầu tư hiệu quả cần phải làm gì?

- Nếu tính toán chi ly, đầu tư bóng đá không được tiền nhưng bù lại hình ảnh của ông bầu, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nhiều người biết đến. Điều này giúp khẳng định vị thế của một doanh nghiệp và một doanh nhân.Vì thế, đầu tư bóng đá Việt Nam hiệu quả là quá trình không thể một sớm một chiều.

VFF đặt mục tiêu cố gắng tổ chức chất lượng chuyên môn giải ngày càng cao để thu hút lượng khán giả đến sân, phục vụ người yêu bóng đá. Điều đó có làm được hay không tùy thuộc vào các ông bầu, cầu thủ có phấn đấu không.

Bên cạnh đó, nhà quản lý điều hành giải VPF phải có đủ năng lực để tổ chức những trận đấu hay, đưa ra những quy định quản lý tốt để hạn chế tiêu cực trong từng câu lạc bộ. Mùa giải tới VPF đã đưa ra một số nội dung quản trị thiết thực hơn, trong khi VFF có những nỗ lực nhằm đưa V- League trở thành giải đấu có uy tín khu vực.

- Ông có tin bóng đá Việt Nam sẽ hồi phục và thu hút nhiều đầu tư như trước đây?

- Tôi tin tưởng chắc chắn, nên mùa giải 2013 chúng tôi vẫn tiếp tục tài trợ theo hợp đồng. Điều đó thể hiện niềm tin và mục tiêu để các sân đấu sáng đèn vào thứ bảy, chủ nhật, tạo sân chơi cho người yêu bóng đá, tức tạo niềm vui cho xã hội. Không thể có lúc đỉnh cao, vui vẻ thì vỗ tay, lúc thoái trào thì dứt áo ra đi.

Trong thời điểm này, những người làm bóng đá, yêu bóng đá nên ngồi lại với nhau, tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua những khó khăn, đưa bóng đá Việt Nam phát triển. Có thể ông bầu này nghỉ nhưng người khác thay, bước tiếp con đường đó.

Trước đây bỏ 100 tỷ đồng, nay khó khăn bỏ ra 20 tỷ đồng, các ông bầu cùng cơ quan quản lý bàn giải pháp giúp cho đội bóng một, hai mùa giải, từng bước đi lên. Nếu chất lượng những trận đấu đi lên, sẽ tác động kích cầu rất lớn cho bóng đá nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vì vậy, không chỉ lý do về quảng bá thương hiệu mà còn vì phục vụ cộng đồng, xã hội, Eximbank luôn mong muốn đồng hành cùng bóng đá.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác