Bất bình đẳng xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu được xem là nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp (DN) tư nhân buộc phải chấp nhận các yêu cầu của NH như bán lỗ tài sản, trong khi khu vực DNNN, việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, ít áp lực hơn.

Xử lý nợ xấu được xem là nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp (DN) tư nhân buộc phải chấp nhận các yêu cầu của NH như bán lỗ tài sản, trong khi khu vực DNNN, việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, ít áp lực hơn.

Ưu ái DNNN

 

Từ trước đến nay, các chính sách phát triển DN đều luôn khẳng định tạo sự công bằng giữa DNNN và khu vực tư nhân. Tuy nhiên, thực tế DNNN vẫn được nhiều ưu ái về vốn, nguồn lực, tài nguyên, đất đai... trong khi DN tư nhân chưa được hỗ trợ phát triển đúng tầm dù họ sử dụng vốn hiệu quả hơn so với DNNN.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định so với khu vực DN khác, DNNN thể hiện nhiều điểm yếu hơn. Thứ nhất, DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực nhưng giá trị sản phẩm đầu ra lại thấp hơn.

Thứ hai, DNNN chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Thứ ba, DNNN không còn là khu vực tạo ra công ăn việc làm chính cho nền kinh tế. Thứ tư, kết quả hoạt động kinh tế không thực sự tốt nhưng DNNN sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn DN khu vực khác.

DNNN ngày càng phải sử dụng một lượng vốn lớn hơn gấp nhiều lần so với một đơn vị sản phẩm được tạo ra. Về tín dụng, DNNN cũng được ưu tiên phục vụ hơn. Danh mục cho vay của các NHTM quốc doanh cho đến nay vẫn tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty lớn, hoặc được Nhà nước hỗ trợ thông qua việc chỉ định vay, còn DN tư nhân muốn tiếp cận vốn NH phải chạy vạy gõ cửa khắp nơi.

3 năm gần đây, nợ xấu trở thành mối đe dọa đến sức khỏe của hệ thống NH. Trước tình hình này, việc xử lý nợ xấu được gấp rút khởi động. Nhưng nhìn lại, hầu như quá trình này dường như chỉ tập trung triển khai ở khu vực DN tư nhân, trong khi nợ xấu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước không hề nhỏ.

Thống kê năm 2005 của NHNN cho biết tỷ lệ cho vay đối với DNNN chiếm đến 33,2% tổng dư nợ của nền kinh tế và ngay thời điểm đó, NHNN đã cảnh báo về tình trạng nợ xấu của khu vực này có xu hướng gia tăng.

Trong báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của DNNN được công bố hồi cuối năm 2013, số nợ của 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các công ty mẹ - con lên đến 1,35 triệu tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các TCTD hơn 400.000 tỷ đồng. Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối năm 2013 cũng chỉ ra nợ xấu tính đến cuối năm 2012 của các DNNN chiếm đến 11,8% tổng nợ xấu toàn hệ thống và chiếm 5% tổng dư nợ của nhóm DNNN.

Cần sự công bằng

DN tư nhân phải tự thân vận động trong một thị trường với nhiều người mua, người bán xuất hiện một cách tự phát, nên mức độ cạnh tranh cao hơn so với DN khu vực nhà nước. Cạnh tranh tốt, kinh doanh có lợi nhuận, DN sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển, thua lỗ DN phải tự tìm cách giải quyết hoặc phá sản. Còn DNNN trước nay đều được ưu tiên thực hiện các hợp đồng kinh doanh lớn, nếu gặp khó khăn sẽ nhận được sự hỗ trợ ngay, như không đủ vốn kinh doanh sẽ được hỗ trợ vay vốn; khi xảy ra tình trạng lỗ sẽ được bơm vốn, các khoản nợ xấu được khoanh lại hoặc xóa…

Từ thống kê trên, theo tính toán của các chuyên gia, cả tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN năm 2012 ở mức hơn 73.000 tỷ đồng. Tại thời điểm này, khu vực DNNN chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng số DN, chỉ khoảng 1.000 DN, trong khi tổng số nợ của khu vực này lên đến 1,6 triệu tỷ đồng nhưng con số nợ xấu không được công bố.

Lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ dù không được tiết lộ cụ thể nhưng khoản nợ này chắc chắn đang là gánh nặng của không ít NHTM, nhất là NHTM quốc doanh, trong đó những khoản nợ xấu trì trệ, khó xử lý nhất nằm ở các đơn vị xây dựng công trình giao thông. Bên cạnh đó, hiện đang có tình trạng nhiều khoản nợ của DNNN được khoanh lại, chưa tính vào nợ xấu để giảm áp lực trích lập dự phòng cho một số NH.

Thời gian qua, nhiều NHTM rốt ráo xử lý nợ xấu thông qua các giải pháp như thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Song những giải pháp này chỉ được thực hiện đối với những DN tư nhân.

Theo đó, nhiều DN phải chấp nhận bán lỗ tài sản để hoàn tất các khoản nợ NH. Ngược lại, đối với nợ xấu của DNNN, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét dành một phần ngân sách nhà nước để xử lý. Tuy đề xuất này đã được rút lại nhưng qua đó có thể thấy DNNN vẫn đang nhận được sự ưu ái rất lớn từ các nhà quản lý.

Dù không phủ nhận việc bán tài sản hoặc nhượng cổ phần của DN tư nhân để xử lý nợ xấu dễ dàng hơn so với DNNN, nhưng nếu như nợ DNNN cứ trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách, rõ ràng là thiếu công bằng đối với DN và người dân.

Một chuyên gia kinh tế phân tích, giải pháp xử lý nợ xấu tại DNNN đã có, nhưng để thực hiện hiệu quả cần sớm tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại. Chẳng hạn, VAMC đang xây dựng các phương án tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu, tín phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi, vay vốn của các tổ chức quốc tế để mua, bán nợ xấu theo giá thị trường.

Nếu tăng vốn thành công, VAMC có thể tiến hành mua những khoản nợ xấu có tính thị trường của DNNN. Những khoản nợ xấu còn lại có thể xử lý thông qua việc cổ phần hóa với sự hỗ trợ từ nguồn lực bên ngoài. Hiện chương trình cổ phần hóa của DNNN quy mô lớn đang tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên đang có quá nhiều rào cản nên nhà đầu tư chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm, chưa thể tham gia.

Nếu những rào cản đối với quá trình cổ phần hóa sớm được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện cho DNNN bán hoặc chuyển nhượng cổ phần, thu về nguồn lực để xử lý bớt các khoản nợ xấu đang tồn đọng.

Các tin khác