Bảo lãnh tín dụng DNNVV: Gỡ rào cản, tăng giải ngân

Khó vẫn hoàn khó

Một vấn đề nổi lên tại nhiều diễn đàn, hội thảo gần đây là dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Trước tình hình này, Chính phủ đang xem xét hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Trên thực tế, cơ chế này đã được ban hành từ nhiều năm nay nhưng có nhiều bất cập, nên cơ hội vay vốn của DNNVV thông qua kênh bảo lãnh tín dụng vẫn rất thấp.

Khó vẫn hoàn khó

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế bảo lãnh cho DN vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được giao nhiệm vụ bảo lãnh vay vốn cho các DN có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động (quy định cũ có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động).

Việc ra đời quỹ bảo lãnh tín dụng từ năm 2001 đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của DN. Tuy nhiên, hoạt động của quỹ cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương hoạt động đơn điệu, rời rạc, chưa thực sự tạo được lợi thế mà chính sách đưa ra, cũng như chưa giải quyết được vấn đề hỗ trợ DN. Ngoài ra, quy mô bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng ở Trung ương cho DNNVV vẫn rất hạn chế.

PHẠM THỊ THU HẰNG,
Tổng Thư ký VCCI

Khi đó, cơ chế này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được khó khăn cho DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, đến năm 2012, theo số liệu của VDB, chỉ có 1.950 lượt DNNVV được ngân hàng thương mại chấp thuận cho vay theo cơ chế này, với hạn mức tín dụng được bảo lãnh 15.316 tỷ đồng.

Đây là một con số rất thấp so với gần 500.000 DNNVV đang hoạt động. Một trong những lý do khiến kênh huy động vốn này chưa thực sự hiệu quả là cả nước mới có 13 tỉnh, thành phố thành lập được quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, VDB là đơn vị chủ lực thực hiện chủ trương trên, nhưng được giao mức vốn 200 tỷ đồng là quá ít so với nhu cầu bảo lãnh của cộng đồng DN hiện nay, đặc biệt khi DNNVV chiếm 97,5% tổng số DN.

Sau 3 năm hoạt động, quỹ đã chi hết 84% số vốn được cấp ban đầu và mặc dù đã được bổ sung nhưng số vốn hiện nay chưa bằng một nửa vốn ban đầu. Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều DN, lãi suất cho vay đối với khoản vay bảo lãnh tín dụng chưa có quy định cụ thể mà chỉ khuyến khích ngân hàng cho vay thấp hơn.

Điều này tuy linh hoạt, nhưng lại khiến nhiều DN thiếu cơ sở để được vay vốn thấp, nhất là trong điều kiện khó khăn. Một số quy định trong thủ tục để DN được vay vốn của quỹ bảo lãnh tín dụng cũng chưa rõ ràng. DN có trụ sở và dự án ở 2 địa phương khác nhau không biết quyền được thẩm định bảo lãnh sẽ thuộc về địa phương nào.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tràng An, cho rằng quy định về điều kiện cho vay theo cơ chế bảo lãnh tín dụng quá chặt chẽ và dường như chỉ dành cho các DN “khỏe”, có tình hình tài chính lành mạnh, có thể không cần được bảo lãnh cũng sẽ được ngân hàng thương mại cho vay. Còn những DN yếu và có thời cơ nhưng không đảm bảo được yêu cầu rất ít có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn này. Muốn lách luật, nhiều DN buộc phải mất phí “đi đêm” để có được chứng thư bảo lãnh, cộng với lãi suất ngân hàng khá cao nên “khó vẫn hoàn khó”.

Ngân hàng không tin bảo lãnh

Trong khi đó, ở các địa phương nguồn vốn góp của quỹ cũng eo hẹp do tính chất của quỹ không hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, đã không thu hút được vốn của các tổ chức tín dụng cũng như của DN. Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN TPHCM, cho biết mục tiêu hoạt động của quỹ là phi lợi nhuận với mức phí thấp, nhưng các tổ chức tín dụng và DN lại đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên rất khó kêu gọi sự góp vốn từ họ.

Bằng chứng là tại TPHCM, theo quy định mỗi ngân hàng thương mại trên địa bàn phải góp vốn vào quỹ từ 5 tỷ đồng trở lên, nhưng thực tế ngoài một ngân hàng quốc doanh góp 1 tỷ đồng, các ngân hàng còn lại chỉ góp vài trăm triệu đồng theo hình thức “làm từ thiện” nhiều hơn, bởi góp vốn không có lãi. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng ngại giải ngân cho DN được bảo lãnh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng Phòng Pháp chế MaritimeBank, phân tích: “Ngay cả các ngân hàng lớn đứng ra bảo lãnh cũng có nhiều đơn vị không “ham” việc này, huống hồ là các quỹ bảo lãnh với quy mô nhỏ hơn nhiều lần. Gặp nợ quá hạn, ngân hàng thương mại không dễ đòi nợ người bảo lãnh nên ngân hàng kém mặn mà là điều dễ hiểu”.

Cơ hội vay vốn của DNNVV qua kênh bảo lãnh tín dụng vẫn rất thấp. Ảnh: CAO THĂNG

Cơ hội vay vốn của DNNVV qua kênh bảo lãnh tín dụng vẫn rất thấp. Ảnh: CAO THĂNG

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, chủ trương bảo lãnh tín dụng tạo điều kiện cho DNNVV vay vốn gặp khó khăn còn bởi vấn đề niềm tin suy giảm. “Các ngân hàng do nợ xấu tăng cao nên không tin đơn vị bảo lãnh. Nhiều trường hợp đã được VDB cấp chứng thư bảo lãnh nhưng ngân hàng vẫn đi thẩm tra lại” - TS. Kiêm nói.

Thực tế cho thấy, một số khoản nợ VDB đã bảo lãnh nhưng không có khả năng thu lại vì những nguyên nhân bất khả kháng, như thiệt hại do lũ lụt, Nhà nước thay đổi chính sách, DN mất tích… Các khoản này đã được VDB trả nợ thay nhưng chưa có cơ chế xử lý.

Việc thu hồi nợ bắt buộc rất thấp (3,12% nợ phải thu) do không xử lý được tài sản bảo đảm. Nguồn vốn dự phòng được cấp giảm nhanh chóng do các quy định còn thiếu chi tiết và chặt chẽ, chưa điều chỉnh đầy đủ các trường hợp nảy sinh trong thực tế, nên việc triển khai gặp nhiều vướng mắc.

TS. Phan Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính và tiền tệ (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), nhận định mức bảo lãnh tối đa 100% như hiện nay là quá cao, không khuyến khích ngân hàng thương mại cùng chia sẻ rủi ro, ngân hàng thận trọng hơn trong việc thẩm định và cho vay dự án. Trong quy chế không quy định cụ thể các trường hợp bên bảo lãnh có quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh.

Vì vậy, trên thực tế có những trường hợp VDB bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vô điều kiện, kể cả khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ về sử dụng vốn trong hợp đồng. Ngoài ra, với mức phí bảo lãnh quy định rất thấp, nên VDB có xu hướng bảo lãnh cho các dự án lớn hơn là các dự án của DNNVV...

Thông thoáng,  khả thi hơn

Để cơ chế bảo lãnh tín dụng thực sự hỗ trợ khó khăn về vốn cho DNNVV trước hết cần bổ sung tiềm lực tài chính cho quỹ dự phòng và sửa đổi quy chế.

Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để các bên quan hệ bảo lãnh có điều kiện minh bạch trong thực hiện, cần có cơ chế để thúc đẩy phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng cả về quy mô, chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo lãnh của các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất - kinh doanh của DNNVV. Bản thân DN cũng cần nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bảo lãnh.

Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất với Chính phủ các giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả hơn cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV, như các ngân hàng thương mại phối hợp với VDB triển khai thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn. Theo đó, VDB sẽ bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của DNNVV thuộc đối tượng được bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại, với mức cho vay tối đa bằng 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án.

Ông NGUYỄN VĂN BÌNH,
Thống đốc NHNN Việt Nam

Trước nhiều đề xuất, kiến nghị của các DN và cơ quan thực thi chính sách, mới đây Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, với nhiều quy định thông thoáng hơn.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để DN được bảo lãnh tín dụng là có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 30% giá trị khoản vay. Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng hạ mức yêu cầu tài sản thế chấp, cầm cố này xuống còn 15% giá trị khoản vay.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phép quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho những khoản vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố nhỏ hơn 15% giá trị khoản vay.

Bên cạnh đó, để được bảo lãnh tín dụng, DN cần có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác... 

Theo dự thảo, quỹ bảo lãnh tín dụng có thể cấp bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của bên được bảo lãnh tại tổ chức tín dụng; bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại bên nhận bảo lãnh.

Mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một khách hàng được bảo lãnh không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của quỹ bảo lãnh tín dụng. Tổng mức bảo lãnh tín dụng của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của quỹ.

Về phí bảo lãnh tín dụng, Bộ Tài chính đề xuất phí thẩm định hồ sơ bảo lãnh tín dụng 500.000 đồng/hồ sơ (mức phí hiện hành là 50.000 đồng/hồ sơ). Phí bảo lãnh tín dụng do các quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định mức thu phí, nhưng tối đa không quá 2%/năm/số tiền được bảo lãnh tín dụng (quy định hiện hành là 0,8%).

Các tin khác