Bán lẻ: Thua toàn diện trên sân nhà

(ĐTTCO) - Năm 2015, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam đạt doanh thu trên 100 tỷ USD, dự kiến năm 2016 sẽ cao hơn rất nhiều. Theo các chuyên gia, với quy mô dân số hơn 90 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng bán lẻ luôn đạt 2 con số, TTBL Việt Nam còn quá nhiều hấp dẫn. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài bằng nhiều cách đã có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ thiết thực, thời gian tới ngành bán lẻ trong nước sẽ hoàn toàn bị lép vế trên sân nhà bởi sự tấn công toàn diện của doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

(ĐTTCO) - Năm 2015, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam đạt doanh thu trên 100 tỷ USD, dự kiến năm 2016 sẽ cao hơn rất nhiều. Theo các chuyên gia, với quy mô dân số hơn 90 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng bán lẻ luôn đạt 2 con số, TTBL Việt Nam còn quá nhiều hấp dẫn. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài bằng nhiều cách đã có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ thiết thực, thời gian tới ngành bán lẻ trong nước sẽ hoàn toàn bị lép vế trên sân nhà bởi sự tấn công toàn diện của doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Thị phần đang dần bị thâu tóm

Trong một hội thảo mới đây về hướng đi cho DN nội trên TTBL, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Maketing Co.op Mart, chia sẻ câu chuyện về việc Co.op Mart tham gia mua hệ thống BigC từ tay người Pháp: “Việc lựa chọn đơn vị nào thắng gồm nhiều yếu tố. Thứ nhất, Co.op Mart đã trả giá không thua kém đối tác nước ngoài, bởi với họ ai mua cao sẽ bán. Thứ hai, khi mua lại thương hiệu họ cũng phải lựa chọn đơn vị đó có đủ sức vận hành hệ thống để không ảnh hưởng đến thương hiệu của họ. Cái này chúng tôi không thua họ. Thứ ba, về thanh toán, thủ tục pháp lý, vận chuyển, BigC đã đặt ra một số điều kiện khiến Saigon Co.op rơi vào thế khó và không thực hiện được. Rất tiếc chúng tôi đã không thành công dù quyết tâm cao, nhưng đây sẽ là bài học để chúng tôi củng cố thêm các thông tin và có bước chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới”. 

Không gian chính sách của Việt Nam bị giới hạn bởi những cam kết quốc tế, tuy nhiên đối với thị trường trong nước, không gian chính sách cho nền kinh tế do chính chúng ta giới hạn. Khi chúng ta dành nguồn lực ưu tiên cho lĩnh vực này, tiềm lực dành cho lĩnh vực khác sẽ bị hạn chế. Nguồn lực của Nhà nước là hạn chế, chính vì vậy khi dành nguồn lực ưu tiên cho ngành nào cần tính toán một cách cụ thể hiệu quả mà nó mang lại, nhằm tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Fulbright

Câu chuyện về sự quyết tâm của nhà bán lẻ Thái Lan trong thương vụ mua BigC là minh chứng cho thấy TTBL Việt Nam đang rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Thực tế sự hấp dẫn này đã diễn ra từ lâu với sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan được ví như một làn sóng đang quét qua TTBL Việt Nam. Ngay tại thời điểm năm 2014, khi TTBL chưa mở cửa hoàn toàn với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2014, đã có ít nhất 3 tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam, đó là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon với Trung tâm thương mại Celadon Tân Phú (TPHCM), tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ yên (theo kế hoạch, đến năm 2020 tập đoàn này sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD); tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte Mart với trung tâm thương mại thứ 8 quy mô lớn tại Hà Nội (mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 3,2 tỷ USD); và Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi 655 triệu EUR mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam.

Tháng 10-2015, Emart - nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đánh dấu sự tham gia TTBL Việt Nam bằng việc ra mắt khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại TPHCM. Không những vậy, các DN nước ngoài thâm nhập Việt Nam qua làn sóng mua bán sáp nhập (M&A). Tháng 5 vừa qua, Central Group của Thái Lan khuấy động TTBL Việt Nam khi thông báo đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Việt Nam là BigC từ tay người Pháp với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD. 

Cách đây không lâu, một tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác của Thái Lan là Central Group đã công bố mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới - đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim - một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam. Làn sóng M&A tại Việt Nam không chỉ diễn ra với DN bán lẻ offline mà còn ở cả DN bán lẻ online, như Alibaba mua Lazada Việt Nam. Đối với các DN, tập đoàn nước ngoài muốn vào TTBL Việt Nam, M&A là con đường nhanh và hiệu quả nhất.

Không thể ngăn được ông lớn nước ngoài vào

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các ngành kinh tế. Mặc dù vậy, thời gian qua vẫn có sự lúng túng trong việc xác định các ngành, lĩnh vực cần tập trung giúp đỡ, cũng như trong việc tìm kiếm các chính sách hỗ trợ vừa bảo đảm hiệu quả, vừa tuân thủ đúng cam kết.  

DN nước ngoài với kinh nghiệm, nguồn lực lớn về tài chính, công nghệ… nên nhiều khả năng DN Việt sẽ bị thâu tóm và xâm lấn thị trường. Làn sóng ngoại tiến vào TTBL chắc chắn ảnh hưởng tới DN Việt Nam. Nếu các kênh phân phối, bán lẻ lớn trong nước nằm trong tay DN nước ngoài, nguồn hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi họ sẽ có chính sách ưu tiên cho nguồn hàng đến từ đất nước họ.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ đi siêu thị

Trong bối cảnh hội nhập với các cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay, việc này càng phải được chú trọng hơn nữa. Bởi lẽ, do cam kết hội nhập, không gian chính sách tuy bị thu hẹp song không phải quốc gia nào cũng từ bỏ chính sách hỗ trợ cho mình. Tuy nhiên, chính sách thế nào cần có sự nghiên cứu sâu trong từng lĩnh vực cụ thể. Bán lẻ là ngành tiêu biểu, quan trọng do thu hút 50% DN Việt Nam tham gia. Thế nhưng, mở cửa thị trường trong phân phối chúng ta lại mở cửa quá rộng, khi có đến 1.750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực phân phối.

 Hiện nay nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng khi chúng ta mới chỉ “cản” các siêu thị lớn nước ngoài, trong khi lại bỏ ngỏ hệ thống các cửa hàng nhỏ lẻ. Thí dụ cửa hàng tiện ích Bộ Công Thương chỉ đưa ra quy định phải có diện tích 50m2. Đây là lỗ hổng lớn vì nhiều DN nước ngoài đã mở cửa hàng tiện ích rất lớn theo chuỗi, có tới hàng trăm cửa hàng theo chuỗi trên cả nước, cạnh tranh hết sức quyết liệt không chỉ với các siêu thị Việt Nam, mà cả hệ thống hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Sự tấn công của hệ thống bán lẻ nước ngoài đang diễn ra toàn diện, tổng thể trên cả nước, rất đáng lo ngại và cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề này.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (EVFTA) - 2 hiệp định có cam kết mạnh trong mở cửa TTBL, cũng như xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa - ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Cạnh tranh cũng khiến nhà bán lẻ Việt Nam bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình… Những hệ quả đã được nhận diện khi số lượng đáng kể DN bán lẻ rời khỏi thị trường, cũng như những khó khăn của các nhà sản xuất nội trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ nước ngoài.

77% chính sách hỗ trợ không hiệu quả

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) chính sách cho ngành bán lẻ hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là bất cập trong lưu thông hàng hóa từ nhà sản xuất nội địa đến nhà bán lẻ, khi chỉ có 51% đánh giá việc mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nội địa thuận lợi; có tới 40% đang gặp khó khăn lớn về năng lực của người lao động; 36% đánh giá các chính sách về quản lý thị trường, thuế đối với mặt bằng kinh doanh là cản trở (bằng với tỷ lệ đánh giá phí thuê mặt bằng cao); 31% gặp khó khăn với cơ quan chính quyền địa phương; 53% gặp khó do không có gói vay phù hợp với đặc điểm của ngành bán lẻ; 40% gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp.

Thương hiệu Big C thời gian qua là điểm nhấn cho TTBL Việt Nam luôn trong tầm ngắm của DN nước ngoài.

Thương hiệu Big C thời gian qua là điểm nhấn cho
TTBL Việt Nam luôn trong tầm ngắm của DN nước ngoài.

Còn với các nhà bán lẻ theo mô hình truyền thống, số có khó khăn cao gấp 1,5-2 lần so với mặt bằng chung. Đặc biệt, về chính sách ưu đãi với ngành này có đến 77% đánh giá không có hiệu quả thực tế. Trong khi đó, không gian chính sách cho ngành bán lẻ còn rất rộng. Vì thế cần thúc đẩy hình thành các trung tâm giao dịch kết nối các nhà bán lẻ - nhà sản xuất; ưu đãi đầu tư đối với ngành bán lẻ, trong đó có hỗ trợ về thuế để DN bán lẻ có chi phí bù đắp các chi phí thuê mặt bằng…

 Chia sẻ về điều trên, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng ý tưởng về một trung tâm kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối là rất tốt. Việc hỗ trợ của Nhà nước cũng không phải cần quá lớn nếu như chúng ta tận dụng các trung tâm triển lãm trên toàn quốc. “Chúng tôi sẽ bàn để xem còn có những dư địa gì cho chính sách phát triển của ngành này trong thời gian tới” - ông Quyền nói. Theo AVR, để bảo vệ nhà bán lẻ trong nước giúp họ có cơ hội phát triển và để nhà bán lẻ nội tồn tại được, trước hết DN cần tìm chỗ đứng cho mình, xác định mình là ai, mình làm được gì? Bên cạnh đó, DN cần liên kết, tận dụng lợi thế của nhau và phải xác định rằng không liên kết không thể thành công.

Hỗ trợ cạnh tranh bình đẳng

Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập

Cạnh tranh với DN FDI là vấn đề nổi cộm trong ngành bán lẻ hiện nay. Vậy Nhà nước cần có chính sách như thế nào để hỗ trợ DN nội cạnh tranh bình đẳng với các DN FDI. Báo cáo nghiên cứu rủi ro đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và các FTA, cũng như các đề xuất chính sách cho Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI thực hiện, đã phần nào giải đáp vấn đề này.

Thực trạng

Ngành bán lẻ hiện chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng số DN với 2 triệu cơ sở kinh doanh cá thể (hay còn gọi là hộ kinh doanh), ngoài ra, còn có khoảng 1.750 dự án FDI. Năng lực cạnh tranh của các DN trong nước và DN FDI trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay khá chênh lệch. Hiện các DN FDI mới chỉ chiếm thị phần chủ yếu ở các mô hình bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi…), nhưng với năng lực như hiện tại và xu hướng mở rộng kinh doanh mạnh mẽ của khu vực DN này, nguy cơ đối với DN nội địa ngày càng lớn.

Trên thực tế với vai trò là đầu ra của sản xuất và điểm mấu chốt thúc đẩy tiêu dùng, bán lẻ nói riêng và phân phối nói chung là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng đối với tất cả quốc gia. Do đó, trừ các nền kinh tế phát triển, mạnh về dịch vụ, phần lớn các nước luôn có biện pháp khác nhau để bảo vệ ngành bán lẻ nội địa trước những DN nước ngoài trong lĩnh vực này. Tuy nhiên cùng với các cam kết mở cửa thị trường, các biện pháp bảo hộ trực diện ngành bán lẻ nội địa trước các nhà đầu tư nước ngoài đang bị thu hẹp đáng kể.

Việt Nam hiện nay đã cam kết mở cửa không hạn chế về tỷ lệ vốn đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. 2 biện pháp hạn chế duy nhất còn có thể được sử dụng là thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT - áp dụng đối với việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất của DN bán lẻ FDI) và danh mục các loại hàng hóa cấm bán trong các cơ sở bán lẻ của DN bán lẻ FDI. Tuy nhiên quá trình thực thi các quy định này được nhiều chuyên gia, DN đánh giá chưa hoàn toàn chặt chẽ, do đó hiệu lực bảo hộ bán lẻ trong nước của các công cụ này thời gian qua rất mờ nhạt. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng việc Việt Nam chủ động, tự nguyện mở cửa rộng hơn cam kết trong lĩnh vực bán lẻ (việc bỏ ENT với cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 nếu phù hợp quy hoạch), đã vô tình tạo ra sức ép cạnh tranh hơn nữa cho các nhà bán lẻ nội địa, đi ngược lại mục tiêu ban đầu.

Ngành bán lẻ không chỉ có tác động xã hội mạnh mẽ bởi thu hút tới hơn 3 triệu lao động đang làm việc, mà còn tác động kinh tế khi nắm giữ vai trò đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro đối với ngành bán lẻ đang hiện hữu ngày càng rõ nét khi ngày càng nhiều dự án FDI đầu tư ồ ạt vào kênh bán lẻ hiện đại. Cùng với đó là sự cạnh tranh yếu ớt và thiếu chuyên nghiệp của kênh bán lẻ truyền thống… Vì thế, Nhà nước cần có chính sách phù hợp hỗ trợ DN nội cạnh tranh bình đẳng với các DN FDI.

Đề xuất chính sách

Giải pháp chính sách cho vấn đề này vì vậy cần tập trung vào các khía cạnh sau. Thứ nhất, liên quan tới quy định pháp luật, sửa đổi quy định liên quan đến thủ tục xem xét ENT để tăng cường tiếng nói và sự tham gia của các hiệp hội về bán lẻ (đại diện cho các nhà bán lẻ nội địa) trong quá trình xem xét ENT của các cơ quan có thẩm quyền. Thí dụ, thông qua việc bắt buộc phải có đại diện của các hiệp hội về bán lẻ trong các hội đồng đánh giá ENT. Bắt buộc công khai thông tin về việc thực hiện các thủ tục ENT để các DN, hiệp hội bán lẻ có cơ hội bình luận, cung cấp thông tin đặc biệt là trước khi các hội đồng đánh giá ENT ra quyết định chính thức.

Thứ hai, liên quan tới biện pháp thực thi pháp luật, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền và hướng dẫn cho các địa phương (cơ quan cấp phép cho DN bán lẻ FDI) nhận thức đẩy đủ về tầm quan trọng của công cụ ENT và việc vận dụng công cụ này trong việc bảo vệ ngành bán lẻ nội địa. Nhấn mạnh hoạt động báo cáo của các địa phương về việc thực hiện các nội dung này. Về phía cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, tăng cường công tác kiểm soát hoạt động kinh doanh của DN bán lẻ nước ngoài để chấm dứt tình trạng vi phạm hiện nay, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của các DN này (liên quan đến hiện tượng các DN FDI chỉ đăng ký bán buôn lại triển khai bán lẻ, các hàng hóa bị cấm đối với nhà bán lẻ nước ngoài vẫn được bày bán tại các cơ sở bán lẻ nước ngoài…). Có cơ chế tăng cường vai trò và sự phối hợp của các hiệp hội về bán lẻ và DN bán lẻ trong công tác giám sát phát hiện vi phạm về các nội dung này của các DN FDI.

Từ góc độ cam kết về đầu tư, theo quy định của hiệp định TRIMS trong WTO, Việt Nam không được phép đưa ra một số yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, như yêu cầu một tỷ lệ nhất định tỷ lệ hàng hóa trong kinh doanh phải là hàng hóa nội địa, yêu cầu buộc phải bán, mua cả hàng hóa nhất định từ/tới một khu vực lãnh thổ nhất định… Do đó, về cơ bản các chính sách bắt buộc nhà bán lẻ nước ngoài phải hướng tới hoặc ưu tiên cho các hàng hóa Việt Nam là không khả thi và không hợp pháp.

Từ góc độ hỗ trợ trực tiếp cho ngành bán lẻ nội địa, qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực của các nhà bán lẻ nội địa trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài, Việt Nam không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ về trợ cấp theo Hiệp định SCM của WTO đối với ngành bán lẻ (do hiệp định này không áp dụng cho ngành dịch vụ). Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ về giải pháp nguồn cung, tài chính, lao động có thể được áp dụng cho các nhà bán lẻ nội địa, không áp dụng cho nhà bán lẻ nước ngoài. Như vậy bằng việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính và chỉ giới hạn ở các nhà bán lẻ nội địa, Nhà nước có thể đồng thời hỗ trợ hợp pháp ngành bán lẻ nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung và hỗ trợ họ trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài nói riêng.

Các tin khác