Bán hàng đa cấp: Siết quản lý, thanh lọc thị trường

Lừa đảo thông qua hình thức bán hàng đa cấp (BHĐC) đã trở thành vấn nạn được báo chí nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, cơ quan chức năng cũng đưa ra những quy định quản lý và xử lý những vi phạm trong hoạt động này. Song nhiều hoạt động lừa đảo vẫn công khai thách thức dư luận và cả các cơ quan chức năng.

Lừa đảo thông qua hình thức bán hàng đa cấp (BHĐC) đã trở thành vấn nạn được báo chí nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, cơ quan chức năng cũng đưa ra những quy định quản lý và xử lý những vi phạm trong hoạt động này. Song nhiều hoạt động lừa đảo vẫn công khai thách thức dư luận và cả các cơ quan chức năng.

Đủ trò lách luật, lừa đảo

BHĐC là mô hình kinh doanh đặc thù được pháp luật quốc tế và Việt Nam thừa nhận. Bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2000, đến năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định 110 để quản lý hoạt động này. Nhưng qua hơn 15 năm hoạt động tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã xuất hiện nhiều biến tướng khiến xã hội có cái nhìn tiêu cực về hoạt động này. Không chỉ ở khu vực thành thị, ngay cả ở nông thôn sóng ngầm đa cấp cũng đã lan đến và đang ngày càng gây ra nhiều hệ quả xấu.

Mô hình BHĐC trong thực tế đã bị lợi dụng trái phép, giống như các phòng khám không phép nhưng vẫn hoạt động thu lợi bất chính. Ngay cả những doanh nghiệp có giấy phép cũng có một số vi phạm như nói quá công dụng sản phẩm, nói quá về quyền lợi của những người bán hàng khi tham gia hình thức bán hàng này.

Ông Bạch Văn Mừng,
Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương

Nhiều vụ sụp đổ hệ thống BHĐC như Muaban24, Agel, Colony Invest, Diamond Holiday Travel, Golden Rock... gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, để lại hậu quả xã hội nặng nề khi những người tham gia vận động bắt đầu từ người nhà, họ hàng, bạn bè tham gia hệ thống.

Sinh viên hay nông dân là đối tượng các doanh nghiệp BHĐC nhắm tới, đánh vào lòng tham muốn giàu nhanh chóng nhưng thiếu hiểu biết, bằng mọi giá vay mượn tiền, thế chấp tài sản để nộp tiền vào mạng lưới, trở thành những chuyên viên đa cấp trong chốc lát với ảo vọng trở thành VIP, thăng hạng kim cương, bạch kim có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Vừa qua dư luận vô cùng bức xúc khi các phương tiện truyền thông phản ánh trường hợp Công ty Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) tại Hải Phòng, đăng ký kinh doanh bán duy nhất một sản phẩm là máy khử độc ozone, nhưng đã bán cả thực phẩm chức năng như sâm nhung, đông trùng hạ thảo...

Công ty này còn ký hợp đồng BHĐC với khách hàng khi chưa được xác nhận hoạt động đa cấp tại Hải Phòng. Nguy hiểm hơn, Liên Kết Việt còn mạo danh cả Bộ Quốc phòng để lừa người tiêu dùng mua hàng.

Một trường hợp khác cũng từng được báo chí phản ánh khá nhiều về hoạt động lừa đảo trong BHĐC là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Cũng với chiêu thức bỏ tiền và không phải làm gì sẽ được nhận lại gấp nhiều lần, như bỏ ra khoảng 10 triệu đồng có thể thu về 25 triệu đồng, Thiên Ngọc Minh Uy đã lôi kéo được khá nhiều người tham gia.

Và khi bị lật tẩy công ty này đều đổ hết lỗi cho các đại lý đã làm sai, không đúng sự thật, còn công ty hoạt động theo pháp luật bởi đã được Bộ Công Thương cấp phép. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là đại lý trực thuộc công ty quản lý nhưng tại sao sai phạm lại xảy ra trên diện rộng như vậy.

Những chiêu lừa đã cũ nhưng vẫn thu hút rất nhiều người dân chung quy cũng bởi chữ lợi nhuận khủng. Lừa đảo ngang nhiên, thổi phồng quá đáng ai cũng thấy, truyền thông vào cuộc, quy định của cơ quan chức năng cũng được ban hành nhằm siết chặt hoạt động này, nhưng dường như các chế tài ấy vẫn chưa đủ mạnh để dẹp loạn, “vòi bạch tuộc” của một số công ty BHĐC vẫn không ngừng vươn tới nhiều địa phương.

Siết chặt quản lý

Tháng 5-2014, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định 42 với những quy định chặt chẽ hơn nhằm lập lại trật tự và nâng cao công tác giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc siết chặt quy định về người tham gia BHĐC. Có 4 vấn đề mới ở Nghị định 42. Thứ nhất, trình tự, thủ tục đăng ký, tạm ngừng chấm dứt hoạt động BHĐC khá chi tiết, đầy đủ.

Thứ hai, việc tuyển dụng, đào tạo và quản lý người tham gia BHĐC chặt chẽ hơn. Thứ ba, việc doanh nghiệp BHĐC phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng. Đây là một điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp đảm bảo hoạt động của mình. Thứ 4, có thêm chương về giám sát quản lý hoạt động BHĐC.

Yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Bộ Công an và các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về bản chất, BHĐC thu hút được người tham gia bởi những lời mời chào, quảng cáo quá sự thật về lợi nhuận. Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam, khẳng định những thông tin đó hoàn toàn trái pháp luật, mang tính gian dối, sai sự thật.

Theo quy định hiện nay, thu nhập BHĐC được trả dựa trên chương trình trả thưởng do doanh nghiệp quy định, nhưng chương trình đó phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Hiện nay, Chính phủ quy định đơn vị BHĐC chỉ trả cao nhất 40% hoa hồng so với doanh thu 1 năm. Vì thế không có chuyện người BHĐC có thể nhận cao hơn mức quy định của pháp luật.

“Chỉ có bán hàng mới đem lại thu nhập, tức người tham gia phải mua một sản phẩm, sau đó đi tìm người khác để bán mới nhận được hoa hồng. Nếu chỉ có mua hàng, không bán hàng, nhưng lại được hứa hẹn là nhận được tiền là hoàn toàn lừa dối” - luật sư Võ Đan Mạch, đại diện pháp lý của Hiệp hội BHĐC Việt Nam, khẳng định.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp, Hiệp hội BHĐC Việt Nam sẽ phát hành cẩm nang về BHĐC để tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu, không bị mắc lừa. Mặt khác, hiệp hội sẽ tổ chức phổ biến pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước để việc quản lý BHĐC đạt hiệu quả hơn, đồng thời đào tạo, cấp chứng chỉ kiến thức BHĐC cho người tham gia.

Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác giám sát, kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các công ty đa cấp vi phạm và loại bỏ những công ty không có giấy phép nhưng núp bóng đa cấp kinh doanh trái phép lừa dối người dân.

Ông Phan Đức Quế, Cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng để hoạt động bán hàng đa cấp đúng pháp luật, nên phổ biến các văn bản pháp luật mới cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cũng phải được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn.

Chế tài, xử phạt mạnh tay

Hoạt động BHĐC tuy mới mẻ ở thị trường Việt Nam, nhưng tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nó đã có lịch sử khá lâu. Tuy vẫn còn những tranh cãi xung quanh mô hình này nhưng việc nó vẫn được duy trì, phát triển cũng minh chứng đây không phải hoạt động xấu. Nhưng làm sao để thanh lọc thị trường vẫn đang là câu hỏi cần phải đi tìm lời giải thỏa đáng.

Theo một số phân tích, tính đặc thù trong kinh doanh đa cấp đã khiến cơ chế phát hiện và xử lý hiện nay gặp nhiều khó khăn. Người tham gia hoạt động đa cấp mang tính chất độc lập so với doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng cho phép họ tham gia mô hình với tư cách cá nhân, chỉ như một người cộng tác với doanh nghiệp. Vì vậy khi người tham gia mô hình kinh doanh đa cấp có hành vi bất chính như đưa thông tin gian dối để thành lập mạng lưới cấp dưới, bán các sản phẩm kém chất lượng, lừa khách hàng… doanh nghiệp kinh doanh đa cấp vẫn có thể phủi sạch trách nhiệm và đổ lỗi lên người tham gia.

Trước khả năng sinh lợi cao thông qua kinh doanh đa cấp, những toan tính bất chính luôn nhanh chóng phát sinh và tạo ra các hình thức mới để thỏa lòng tham về thu nhập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy những người kinh doanh đa cấp thường hết sức tinh vi. Quy định dù có sửa đổi, bổ sung họ cũng có cách biến hóa, lách luật. Vì vậy, lời khuyên được dành cho chính những người tham gia là phải tự cân nhắc để tránh thiệt hại cho bản thân, gia đình.

Ngay cả khi cầm chắc giấy tờ, hợp đồng có ghi rõ cam kết chia lãi, người tham gia cũng nên nhớ rằng công ty chỉ trả lãi, trả nợ gốc, trả vốn góp nếu công ty còn tài sản mà người tham gia không thể biết tài sản của công ty ra sao. Những cuộc phá sản, bỏ thị trường Việt Nam đã xảy ra và rất nhiều người đã mất những khoản tiền không nhỏ.

Có một thực tế, dù Việt Nam đã có những quy định khá cụ thể nhằm quản lý hoạt động BHĐC nhưng cho đến nay dường như các chế tài răn đe vẫn còn khá nhẹ, chưa đủ khiến những đối tượng vi phạm phải e sợ. Thí dụ, theo Nghị định 71/2013 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, Công ty Liên Kết Việt đối diện với mức phạt hành chính 60-100 triệu đồng, ngoài ra còn có thể bị thu hồi giấy phép. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp này sẽ hoạt động trở lại với một danh tính khác? 

Các tin khác