Bán cảng biển cho nhà đầu tư tư nhân

Bên cạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng ngành hàng không, Bộ GTVT cũng đang triển khai Đề án huy động vốn xã hội hóa (XHH) đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực hàng hải. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ có tới 41 dự án hạ tầng hàng hải được bán cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 19 dự án cảng biển, bến cảng. Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã lên phương án đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng ngành hàng không, Bộ GTVT cũng đang triển khai Đề án huy động vốn xã hội hóa (XHH) đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực hàng hải. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ có tới 41 dự án hạ tầng hàng hải được bán cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 19 dự án cảng biển, bến cảng. Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã lên phương án đầu tư vào lĩnh vực này.

XHH 41 dự án hạ tầng hàng hải

 

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong thời gian tới nguồn vốn cho đầu tư phát triển nói chung và cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông rất khó khăn; trong khi đó nhu cầu, yêu cầu đòi hỏi đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng nhằm sớm đưa đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và nhu cầu đầu tư trong các lĩnh vực giao thông rất lớn. Do vậy phải huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, bao gồm cả ODA, trong và ngoài nước, đặc biệt nguồn vốn XHH.

Đề án huy động vốn XHH để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực hàng hải đã được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2014. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2020 sẽ huy động ngoài ngân sách khoảng 43.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho 41 dự án hạ tầng hàng hải. Cụ thể có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải; 19 dự án cảng biển, bến cảng; 3 dự án hệ thống hàng hải điện tử; 9 công trình neo đậu, tránh trú bão. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay có 7 dự án thuộc đề án đã thực hiện XHH; 3 dự án dự kiến triển khai XHH trong giai đoạn 2015-2016.

Cần công khai, minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư và trình tự thủ tục đầu tư; rà soát lại trình tự các dự án ưu tiên đầu tư; rà soát lại và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan để thúc đẩy XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải trên tinh thần XHH toàn bộ những dự án tư nhân có thể làm được. Bộ GTVT nói không với đầu tư cảng bằng ngân sách và trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Ông Đinh La Thăng,
Bộ trưởng Bộ GTVT

Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, kinh doanh cảng biển là lĩnh vực thu lợi nhuận rất tốt, khi năm 2014 tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống cảng biển cả nước lên tới 14%. Các cảng của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) quản lý là các cảng tốt nhất trong cả hệ thống, song tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình, chỉ đạt 3% trong năm 2014.

Do đó, ông Nhật khẳng định: “Các cảng bán được cho tư nhân là nhà đầu tư trong nước hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam cần phải ủng hộ. Ngoài việc Vinalines thu được khoản tài chính rất cần cho tái cơ cấu doanh nghiệp, quan trọng hơn khi để cho tư nhân làm sẽ giúp thay đổi cách quản trị các cảng biển, sinh lời lớn hơn và tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội”.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư trong nước tỏ ra rất hứng thú với việc đầu tư vào cảng biển. Từ giữa năm 2014, Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển đã có văn bản gửi Bộ GTVT chính thức đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần nhà nước tại cảng Quảng Ninh.

Vinalines cũng đã có đề xuất với Bộ GTVT cho phép chuyển nhượng toàn bộ 49 triệu cổ phần của CTCP Cảng Quảng Ninh (98,02% vốn điều lệ) mà Vinalines đang nắm giữ cho Tập đoàn T&T với giá 10.000 đồng/cổ phần. Nếu được chấp thuận, Vinalines sẽ thu về hơn 490 tỷ đồng. Nguồn tài chính này sẽ được Vinalines sử dụng để tái cơ cấu nợ.

Thu hút nhà đầu tư

Theo Vinalines, việc thoái vốn nhà nước của Vinalines tại cảng Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính tham gia quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng quản trị, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của cảng Quảng Ninh. Trước đó, CTCP Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã được chấp thuận mua lại toàn bộ số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của Vinalines tại cảng Nha Trang.

Phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh vào ngày cuối cùng của năm 2014 cũng thu hút 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán. Có 9 nhà đầu tư đã mua hết lượng cổ phần bán ra với giá đấu thành công bình quân 12.129 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm ban đầu hơn 2.000 đồng).

Mới đây nhất, toàn bộ 13,22 triệu cổ phần của cảng Đà Nẵng bán đấu giá hôm 2-2 đã được bán hết với mức giá bình quân 15.677 đồng/cổ phần (trong khi giá khởi điểm là 12.000 đồng/cổ phần).

Làn sóng đầu tư cảng biển bắt đầu trỗi dậy từ cuối năm 2014 khi Chính phủ đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi tiến hành cổ phần hóa. Theo kế hoạch này, tất cả các cảng biển có vốn sở hữu nhà nước trên cả nước sẽ được cổ phần hóa. Nhà nước chỉ cần giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh. Đối với 4 cảng đầu mối trọng yếu gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước chỉ giữ tỷ lệ vốn 51% thay vì 75% như quy định trước đây.

Với 3 cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỷ lệ vốn nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49% thay vì 75%. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ. Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch HĐTV Vinalines, cho phép cổ phần hóa và thoái sâu vốn nhà nước tại các cảng biển là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Hầu hết các cảng biển Vinalines quản lý đều nằm tại các vị trí đắc địa, có sự kết nối tốt với mạng lưới giao thông, được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, đang được vận hành khá chuyên nghiệp.

Các cảng biển này có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư. Đầu tư vào các cảng biển này, nhà đầu tư có năng lực quản trị tốt sẽ thu lợi nhuận cao và bền vững, còn Vinalines cũng sẽ thu về được khoản tài chính cần thiết giúp tái cơ cấu doanh nghiệp.

Các tin khác