Triển khai giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phá, ổn định kinh tế vĩ mô

Bài 3: Đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu

Bài 2:

Bài 2:

Năm 2011 Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 78,8 tỷ USD, nhập khẩu 92,98 tỷ USD. Như vậy nước ta sẽ nhập siêu khoảng 14 tỷ USD, tương đương khoảng 18% so với kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu nhập siêu không quá 16%, tức phải giảm 2%, tương đương 1,5 tỷ USD. Chỉ tiêu này đang tạo thách thức không nhỏ trong năm 2011.

Cơ hội cho nông, lâm, thủy sản

Những ngày này, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), hoạt động xuất khẩu diễn ra rất nhộn nhịp. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, cho biết sau Tết Nguyên đán là thời kỳ cao điểm xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là dưa hấu. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu Tân Thanh, xuất khẩu trên 3.000 tấn nông sản chủ yếu là dưa hấu, chuối xanh, thanh long...

Cải thiện cán cân thương mại là một mục tiêu quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường tiềm năng, có nhu cầu hàng hóa phù hợp với hàng hóa do Việt Nam sản xuất; tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do, đồng thời phát triển các thị trường mới có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á - Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin.

Ông Nguyễn Thành Biên,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết đến hết tháng 2, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,79 tỷ USD, tăng 45,6% (tương ứng tăng hơn 4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, hàng dệt may tăng 761 triệu USD (tăng 54,4%), cao su tăng 359 triệu USD (186%), giày dép tăng 284 triệu USD (42,3%), hàng thủy sản tăng 224 triệu USD (43%), gạo tăng 213 triệu USD (52,1%), cà phê tăng 189 triệu USD (60,2%)… Nhìn vào cơ cấu các mặt hàng tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu và dự báo trước đó, cho thấy nhiều nhóm hàng, nhất là nông, lâm, thủy sản đang đứng trước những cơ hội rất lớn về tăng trưởng kim ngạch trong năm nay, đặc biệt vừa tăng lượng vừa tăng giá. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tỷ giá USD với VNĐ lên 9,3% cũng sẽ tác động tích cực giúp các ngành hàng nông, lâm, thủy hải sản (không lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu) sẽ sớm đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2011.

Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, ngoài việc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp về đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, Bộ Công Thương cho biết đang tích cực tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại song phương (FTA), nhất là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường rộng lớn này; gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn…

Tập trung tạo chuyển biến về chất

 Hoạt động xuất khẩu năm 2011 đang đứng trước những thách thức do xu thế toàn cầu hóa và hội nhập. Trong đó, có những khó khăn hiển hiện như cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới; bảo hộ thương mại ngày càng nhiều và phức tạp. Các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU sẽ đưa ra những chính sách ưu ái với các công ty trong nước và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nước ngoài. Việc các nước nhập khẩu bắt đầu áp dụng các rào cản thương mại và các quy định mới sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản nước ta đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá.

Bài 3: Đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu ảnh 1

Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2011 tăng 213 triệu USD, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm 2010. Ảnh: L. ANH

Trong khi đó, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp. Năm 2010, xuất khẩu dệt may đạt 11,2 tỷ USD, tăng 23,2% so với năm 2009. Năm 2011, dự kiến toàn ngành sẽ đạt 12,7-13 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khoảng 70% nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất dệt may của Việt Nam vẫn dựa vào nhập khẩu. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá cũng có những tác động không nhỏ đến ngành này. Trong khi đó, phụ liệu của công nghiệp dệt may sản xuất trong nước chưa đáp ứng được đòi hỏi về mẫu mã, chất lượng cần thiết của sản phẩm xuất khẩu, nên giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm không cao. Đến nay công nghiệp thiết kế mẫu mã nước ta vẫn còn lạc hậu, chủ yếu là gia công và làm thuê theo đơn đặt hàng của nước ngoài.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những hạn chế của hoạt động xuất khẩu là xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa vững chắc, yếu tố tăng giá dẫn đến tăng kim ngạch nhiều hơn yếu tố tăng khối lượng và chất lượng. Vì thế, để nâng cao hàm lượng giá trị trong hàng hóa xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phải phát triển. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 120 về chính sách ưu đãi một số ngành công nghiệp hỗ trợ khuyến khích phát triển, như cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giày và công nghiệp công nghệ cao. Làm được việc này sẽ tạo chuyển biến về chất, giúp cải thiện cán cân thương mại một cách căn cơ, giúp kiềm chế nhập siêu hiệu quả.

Thách thức kiềm chế nhập siêu

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhập siêu năm nay phải dưới 16%. Nếu so với chỉ tiêu xuất khẩu khoảng 78,8 tỷ USD, con số nhập siêu tương ứng khoảng 12,6 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ nặng nề cho cả năm 2011 vì giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới đã tăng cao hơn so với năm 2010 (năm 2010 nhập siêu đã ở mức 12,4 tỷ USD). Còn nếu theo tỷ lệ phần trăm, để đạt được con số 16%, nhiệm vụ đối với xuất khẩu cũng rất nặng nề và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phải cao hơn so với kế hoạch đề ra. Để kiềm chế nhập siêu việc hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Tình trạng nhập siêu kéo dài một phần vì nước ta trong giai đoạn đang đầu tư phát triển cần nhiều máy móc nhập khẩu và các nguyên vật liệu  sản xuất. Tuy nhiên đã đến lúc nghiêm túc xem xét, siết chặt các dự án đầu tư sử dụng, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, năng lượng...

Phân tích, tách bạch rõ ràng cơ cấu nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu để biết được những mặt hàng nào trực tiếp đi vào sản xuất, những hàng hóa chỉ phục vụ cho cuộc sống cá nhân. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ định hướng chính sách, rà soát chặt chẽ để có cơ sở cấp vốn vay nhập hàng, cũng như sử dụng các biện pháp hành chính khác nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, chưa thật cần thiết so với bối cảnh chung kinh tế-xã hội nước ta.

Ông Nguyễn Dương Thái,
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan 

Theo các chuyên gia, cần áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật hữu hiệu đối với các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu để giúp cân đối cán cân thương mại ổn định hơn, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hơn để bù đắp thâm hụt từ hàng nhập khẩu. Tình thế mới đòi hỏi áp dụng biện pháp điều tiết thuế song song với các giải pháp về tín dụng để hạn chế nhập hàng tiêu dùng không thiết yếu. Cụ thể cần rà soát lại tất cả các khoản thuế, dòng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt nhóm hàng hạn chế nhập khẩu và áp dụng đến mức cao nhất mà lộ trình đã cam kết cho phép; nghiên cứu áp dụng các rào cản phi thuế như các rào cản kỹ thuật, biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, biện pháp tự vệ, trợ cấp hoặc biện pháp đối kháng theo đúng các điều kiện do WTO quy định. Đã đến lúc cần thay đổi cơ cấu nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường nội địa thông qua mở rộng sản xuất thay thế hàng nhập khẩu và chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo Bộ Công Thương, trong nhập khẩu, nhóm các mặt hàng thiết yếu, đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn phải đảm bảo nhập khẩu để ổn định sản xuất. Nhóm mặt hàng cần kiểm soát như sản phẩm gang thép, than cốc, hóa dầu, gas, đá, kim loại quý phải kiểm soát và hạn chế, tránh tăng đột biến làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm các mặt hàng hạn chế như nguyên phụ liệu thuốc lá, hàng tiêu dùng, ô tô và linh kiện ô tô dưới 12 chỗ, linh kiện xe máy... sẽ được kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để tăng đột biến.

Các tin khác