TÁI CƠ CẤU NGÂN HÀNG GIAI ĐOẠN 2

Bài 1: Áp lực cũ, thách thức mới

(ĐTTCO) - Kết thúc tái cơ cấu (TCC) hệ thống ngân hàng (NH) giai đoạn 2011-2015, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như nợ xấu, sở hữu chéo chưa được xử lý triệt để, chất lượng quản trị NH chưa được nâng cao, chưa tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh này, mục tiêu TCC giai đoạn 2 của NHNN sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, khi vừa phải xử lý tồn tại cũ vừa phải đáp ứng yêu cầu mới.

(ĐTTCO) - Kết thúc tái cơ cấu (TCC) hệ thống ngân hàng (NH) giai đoạn 2011-2015, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như nợ xấu, sở hữu chéo chưa được xử lý triệt để, chất lượng quản trị NH chưa được nâng cao, chưa tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh này, mục tiêu TCC giai đoạn 2 của NHNN sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, khi vừa phải xử lý tồn tại cũ vừa phải đáp ứng yêu cầu mới.

Tiếp tục TCC

Trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời hồi tháng 2-2015, trước câu hỏi về những bước đi tiếp theo của TCC hệ thống NHTM, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết giai đoạn 1 của chương trình mới tập trung xử lý các NH yếu kém nhất và những "mắt xích" có thể đứt vỡ bất cứ lúc nào. Vì thế, TCC giai đoạn 2 sẽ được tiến hành đồng bộ, toàn diện hơn, không chỉ NH yếu kém, mà cả NH trung bình hay đang tốt cũng phải thực hiện để tốt và bền vững hơn. Trong đó, NHTM có vốn nhà nước đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt quá trình TCC. Ngoài ra, sẽ triển khai hình thành 1-2 NHTM có quy mô, trình độ tầm cỡ khu vực. Điều này cho thấy NHNN đặt mục tiêu tái cấu trúc hệ thống NH với mức độ cao hơn, kỳ vọng lớn hơn. 

TCC các NH yếu kém thông qua phương thức M&A và quốc hữu hóa cùng với các tiến triển trong ổn định vĩ mô, đã giúp hệ thống NHTM tránh được sự sụp đổ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nâng cao tính lành mạnh và củng cố năng lực cạnh tranh của hệ thống, như giải quyết nợ xấu và sở hữu chéo, tăng cường minh bạch và khả năng giám sát, nâng cao quản trị rủi ro đáp ứng chuẩn mực quốc tế và thông lệ tốt nhất.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Nhìn lại giai đoạn 2011-2015 thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống NHTM, về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thanh khoản hệ thống NHTM được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ, giảm sở hữu chéo. Song song đó, tỷ lệ nợ xấu cũng được kéo giảm từ khoảng 17% vào tháng 9-2012 về mức 2,72% vào tháng 11-2015. Tính đến cuối năm 2015, các NH yếu kém đã được xử lý, 9 tổ chức tín dụng (TCTD) được sáp nhập, hợp nhất (M&A); 4 TCTD được mua lại, kéo giảm số lượng NH trong hệ thống xuống còn 1 NHTM nhà nước, 37 NHTMCP ( trong đó bao gồm 3 NHTM đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng), 5 NH 100% vốn nước ngoài, 4 NH liên doanh, 1 NH chính sách và 1 NH hợp tác xã.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, nguồn lực để TCC NHTM chủ yếu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD và thông qua Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC). Hoạt động của VAMC còn gặp một số vướng mắc nên dù trên sổ sách, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH giảm về 3%, nhưng thực tế số nợ xấu vẫn đang bị giam lỏng, chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường. Các NH sau M&A, dù đã có sự tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ này thời gian qua chủ yếu về mặt cơ học, chưa có sự cải thiện đáng kể về tài chính và quản trị. Tình trạng sở hữu chéo vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, dù NHNN đã yêu cầu các cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu tại các NH xuống dưới giới hạn cho phép vào cuối năm 2015.

Nhiều thách thức

Theo TS. Trần Du Lịch, sau khi thực hiện đề án TCC giai đoạn 2011-2015, hệ thống NHTM cơ bản đã ổn định nhưng phải tiếp tục giải quyết 2 vấn đề: nâng cao năng lực quản trị của các NH đã TCC; giải quyết phần nợ xấu NHTM đã bán cho VAMC. Lãnh đạo VAMC cho biết đã mua 245.000 tỷ đồng nợ xấu gốc, song đến nay chỉ mới xử lý, thu hồi được 22.780 tỷ đồng. Trong đó VAMC bán tài sản đảm bảo thu được khoảng 7.000 tỷ đồng, các NH tự thu hồi được 15.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cùng với số dư nợ xấu đã bán cho VAMC, năm 2015 nợ quá hạn của các NHTM là 179.501 tỷ đồng, nợ xấu 119.660 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu đã phát sinh 45.000 tỷ đồng. Báo cáo này cũng cho biết số dự phòng rủi ro tín dụng 78.629 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu báo cáo lên tới 65,7%, tăng mạnh chỉ sau mức 74,8% năm 2011. Nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC, tỷ lệ dự phòng rủi ro/nợ xấu 26%. Đây là gánh nặng tài chính lớn đối với các NHTM.  

Các NH phải nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của TCC, chấp nhận thách thức, thậm chí rủi ro, vì đây là quá trình dài và nhiệm vụ không phải chỉ của giai đoạn 2011-2015. Nhưng cùng với NH, quá trình TCC cũng cần sự đồng hành của Chính phủ, NHNN và các cơ quan liên quan.

TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính)

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, việc xử lý nợ xấu không dùng ngân sách cũng có điểm tốt nhưng lại thiếu thực tế. Nếu chỉ để NH trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu không biết đến khi nào mới xử lý xong. Khi trích lập dự phòng, NH chấp nhận giảm bớt lợi nhuận nhưng việc này cũng nên có giới hạn, vì nếu hao hụt lợi nhuận quá nhiều vào phần này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe NH, gây đổ vỡ dây chuyền.

 Bên cạnh đó, việc M&A giai đoạn 2011-2015 được các chuyên gia kinh tế đánh giá là hướng đi đúng, vừa thực hiện được mục tiêu giảm số lượng NHTM yếu kém, khắc phục tình trạng phát triển NHTM ồ ạt, vừa đạt một yêu cầu quan trọng là TCC nhưng không gây đổ vỡ, mất thanh khoản. Đồng thời, M&A giải quyết cả vấn đề sở hữu chéo. Từ những thuận lợi đạt được, NHNN đặt mục tiêu sẽ giảm số lượng NH xuống còn 15-17 vào năm 2017. Song theo NH Thế giới (WB), thời điểm này chỉ nên khuyến khích tự nguyện M&A vì đã hết thời gian bắt buộc, việc có sáp nhập hay không do thị trường quyết định, nên mục tiêu này sẽ là thách thức không nhỏ đối với NHNN. Ngoài ra, WB cũng lưu ý hầu hết thương vụ M&A NH tại Việt Nam đều không có NH nước ngoài tham gia trực tiếp, trong khi Nghị định 01 ban hành tháng 1-2014 cho phép tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu của nước ngoài cao hơn trong một số trường hợp đặc biệt nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ góp thêm vốn mà còn hỗ trợ rất lớn trong công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý và minh bạch. Tuy nhiên, theo WB đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm tới các NH yếu kém của Việt Nam.

Cùng với việc xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, giảm số lượng NH, việc triển khai thực hiện Basel II cũng là nội dung quan trọng. Theo đó, năm 2014 NHNN đã chọn 10 NHTM để thí điểm thực hiện phương pháp quản lý vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này cũng vẫn đang trong giai đoạn khởi tạo do khi bắt tay thực hiện, cả NHNN và NHTM phải đối mặt những thách thức về nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ và nguồn tài chính phục vụ cho việc triển khai thực hiện Basel II. Theo kế hoạch, từ tháng 2-2016, 10 NH được chỉ định sẽ chính thức bước vào thực hiện thí điểm. Dù vậy, việc tiếp cận chuẩn Basel II dự báo sẽ mất khá nhiều thời gian.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Báo cáo Việt Nam 2035 do WB và các cơ quan Chính phủ đồng thực hiện vừa công bố, đã chỉ ra thực trạng NH cho vay kinh doanh bất động sản quá nhiều. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình của ngành NH đã giảm hơn 1%, từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% năm 2012. Con số báo cáo về nợ xấu tăng nhưng vẫn bị coi chưa đầy đủ; trích dự phòng rủi ro thấp hơn mức trung bình tại các nước thu nhập trung bình khu vực Đông Á. Nhiều khoản nợ xấu và khoản vay phải TCC liên quan đến doanh nghiệp nhà nước. Tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các NH với cá nhân, giữa NH với nhau và giữa NH với doanh nghiệp. Mức độ tuân thủ với nguyên tắc cơ bản Basel có cải thiện, song vẫn còn thấp; nhiều NH không đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu để đối phó với rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động theo Basel II…

Với hàng loạt vấn đề đang tồn tại, nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị nên rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện thông thoáng cho NHTM nâng cao hiệu lực quản lý. NHNN cần tham gia, hỗ trợ sâu hơn để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau; tư vấn, sắp xếp, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, kiểm soát tính minh bạch của các luồng tiền khi NHTM tăng vốn, tránh lặp lại tình trạng sở hữu chéo. Để VAMC giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu cần tạo ra một sân chơi chung, rộng hơn về quy mô và thông thoáng hơn về luật lệ với sự tham gia của các công ty mua bán nợ hay nguồn lực khác. Đồng thời, Luật Phá sản được Quốc hội thông qua đã chính thức luật hóa các quy định về phá sản TCTD và Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh nếu cần thiết sẽ cho phá sản NH yếu kém. Vì thế  cần mạnh dạn xem xét thực hiện M&A hay phá sản đối với các NHTM có tình hình nợ xấu cao, thanh khoản yếu kém.

HDBank là một trong những ngân hàng thành công trong việc TCC. Ảnh: LONG THANH

HDBank là một trong những ngân hàng thành công trong việc TCC. Ảnh: LONG THANH

Trong quý I-2016, NHNN ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% và hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản điều chỉnh từ 150% lên 250%. Những điểu chỉnh này cho thấy NHNN lo ngại nếu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá cao và tín dụng tập trung vào bất động sản, sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản và có rủi ro tiềm ẩn. Thực tế ngành NH Việt Nam đang phải chịu gánh nặng cấp vốn cho nền kinh tế, bao gồm vốn trung và dài hạn, trong khi theo các chuẩn mực quốc tế không thuộc nghiệp vụ của NH mà do thị trường vốn cung cấp. Xem ra đây là gánh nặng cũng như thách thức mới cho người cầm trịch mới, tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

Các tin khác