Áp lực ngân sách cuối năm

Việc Bộ Tài chính đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm ứng 30.000 tỷ đồng trong bối cảnh những khẳng định về việc thu ngân sách không gặp nhiều khó khăn, khiến không ít ý kiến thắc mắc: Điều gì đang xảy ra với ngân sách khi số liệu thu ngân sách từ đầu năm khá tích cực?

Việc Bộ Tài chính đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm ứng 30.000 tỷ đồng trong bối cảnh những khẳng định về việc thu ngân sách không gặp nhiều khó khăn, khiến không ít ý kiến thắc mắc: Điều gì đang xảy ra với ngân sách khi số liệu thu ngân sách từ đầu năm khá tích cực?

Chi lớn, nguồn bù đắp khó

 

Theo Bộ Tài chính, nếu kinh tế vĩ mô của 5 tháng còn lại của năm vẫn duy trì được như các tháng qua, các khoản thu sẽ hoàn thành vượt dự toán. Như vậy, có thể thấy việc hoàn thành dự toán thu ngân sách cả năm có thể đạt được, nhưng tại sao ngân sách vẫn phải “vay nóng” NHNN? Theo dự toán ngân sách năm 2015 thu 911.100 tỷ đồng, chi 1.147.100 tỷ đồng, bội chi ngân sách 226.000 tỷ đồng (5% GDP).

Tổng thu cân đối ngân sách 7 tháng năm 2015 đạt 544.600 tỷ đồng, xấp xỉ 60% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, tổng chi ngân sách 7 tháng 645.300 tỷ đồng, bằng 56,3% dự toán, tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, đáng chú ý chi trả nợ và viện trợ thực hiện tháng 7 gần 14.000 tỷ đồng; lũy kế chi 7 tháng đạt 94.400 tỷ đồng, bằng gần 63% dự toán, tăng hơn 15% so cùng kỳ năm 2014. Bội chi ngân sách 7 tháng trên 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 44,5% dự toán năm.

Mức bội chi được bù đắp thông qua vay nợ, trong đó có kênh phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên, tính đến ngày 25-7, Kho bạc Nhà nước đã phát hành trên 114.500 tỷ đồng TPCP bù đắp bội chi ngân sách và cho đầu tư phát triển, bằng khoảng 41,6% nhiệm vụ huy động vốn trong nước cả năm (kế hoạch 250.000 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cũng thừa nhận công tác phát hành TPCP trong tháng 7 vừa qua khá hơn so với tháng trước, song vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ trúng thầu bình quân phiên đạt 63,5%, lãi suất trái phiếu tăng 1-10 điểm cơ bản đối với các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm.

Tính toán từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, tháng 7 việc phát hành TPCP chỉ đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu tăng lên 63,8%, mức cao nhất kể từ tháng 3. Lãi suất phát hành giữ ở mức cao 6,4%, 6,7% và 7,65% cho các kỳ hạn tương ứng 5 năm, 10 năm và 15 năm.

Thực tế, việc phát hành TPCP khó khăn đã được nhiều chuyên gia, thành viên thị trường và ngay cả cơ quan quản lý đề cập. Như đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong lần gặp gỡ báo chí đầu năm 2015 đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch huy động TPCP cho ngân sách, khi Nghị quyết 78 của Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 2015 đã đưa ra yêu cầu chỉ huy động TPCP có kỳ hạn 5 năm trở lên.

Việc mua TPCP kỳ hạn bao nhiêu năm là nhu cầu của thị trường, còn việc áp kỳ hạn cứng là mong muốn của người phát hành. Nếu 2 bên không gặp nhau ở điểm chung về kỳ hạn sẽ gặp khó khăn trong huy động (trước đó, các tổ chức tín dụng thường tập trung mua nhiều ở kỳ hạn 2, 3 năm).

Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giao Vụ Tài chính NH chủ động trong việc trình cấp có thẩm quyền cho phép phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm cho đầu tư phát triển và đảo nợ. Như vậy, nếu điều này xảy ra, có thể nhận thấy dòng tiền vào TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên đang gặp rất nhiều khó khăn và kỳ hạn dưới 5 năm có vẻ là cứu cánh cho kế hoạch huy động vốn của cả năm nay.

Sự khó khăn của ngân sách còn thể hiện ở việc lãnh đạo Bộ Tài chính bên cạnh yêu cầu Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo huy động đủ 250.000 tỷ đồng được giao, còn phải huy động khoảng 20.000 tỷ đồng tín phiếu kho bạc để đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước; Vụ Hành chính sự nghiệp phối hợp với Vụ Ngân sách nhà nước huy động từ bảo hiểm xã hội tối thiểu 95.000 tỷ đồng theo kế hoạch, nếu có điều kiện huy động thêm...

Chưa minh bạch

Với yêu cầu của Nghị quyết 78, kỳ hạn 5 năm sẽ phải huy động năm nay 100.000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2014. Trong khi đó, việc huy động TPCP gặp khó khăn do Nghị quyết 78 yêu cầu chỉ phát hành kỳ hạn 5 năm, nhưng các tổ chức tín dụng lại có nhu cầu đầu tư ngắn hạn 1, 2, 3 năm nên việc mua có hạn chế.

Phan Thị Thu Hiền,
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính NH

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách, thanh khoản tạm thời bị thiếu hụt trong khi nguồn bù đắp từ TPCP đạt thấp so với kế hoạch. Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, Luật NHNN và các hướng dẫn, ngân sách có thể vay NH và hoàn trả trong năm ngân sách.

Tuy nhiên, câu chuyện khiến dư luận quan tâm, thắc mắc chưa có lời giải đáp cụ thể, như mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, sử dụng có hiệu quả... Theo ông Phạm Thế Anh, chuyên gia tài chính công, Đại học Kinh tế quốc dân, điểm lo ngại là trường hợp hết năm tài chính, khoản vay tạm thời không trả được, tốc độ chi không giảm, tức bội chi ngân sách khó giữ được ở mức 5% và điều này cũng sẽ có ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nợ công kể từ năm 2016.

Ở một khía cạnh khác, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong tháng 7 cơ quan này đã đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra thuế và thu ngân sách tại các doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng chức năng phòng chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tính đến nay, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành quy định của pháp luật về thuế trên 29.600 doanh nghiệp, đạt 41,1% kế hoạch năm, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện ngân sách.

Do vậy, mục tiêu trọng tâm tháng 8 của Bộ Tài chính là tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi ngân sách theo đúng mục tiêu và chỉ đạo; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán...

Các tin khác