An toàn tiền gửi nhà đầu tư

Những ngày qua, vấn đề tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán (CTCK) một lần nữa được nhắc đến nhưng cũng chỉ ở mức “hâm nóng”, thay vì tạo ra một sự đột phá nào đó. Các CTCK được trao thời hạn để tách bạch tài khoản (đến 15-1-2014) nhưng như vậy chưa đủ đối với nhiều người.

Những ngày qua, vấn đề tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán (CTCK) một lần nữa được nhắc đến nhưng cũng chỉ ở mức “hâm nóng”, thay vì tạo ra một sự đột phá nào đó. Các CTCK được trao thời hạn để tách bạch tài khoản (đến 15-1-2014) nhưng như vậy chưa đủ đối với nhiều người.

Hạ chuẩn tách bạch?

Một điều có thể thấy rất rõ là nhà đầu tư ngoài rủi ro thua lỗ trên thị trường, còn đang phải gánh chịu rủi ro khi để tiền tại CTCK. Phòng chống rủi ro đầu tiên đã rất khó nhọc, nay phải gánh thêm một rủi ro nữa là điều không đáng có chút nào.

Các CTCK có thời hạn để tách bạch tài khoản nhưng điều này có đồng nghĩa với việc sau 15-1-2014, tài khoản tiền gửi của khách hàng sẽ an toàn tuyệt đối 100% hay không? Thực tế, việc các CTCK tự đứng ra nhận và chi trả tiền mặt từ lâu đã không còn xuất hiện nữa.

Tại hầu hết các sàn chứng khoán đều có các quầy của ngân hàng để nhận tiền nhà đầu tư nộp hoặc hỗ trợ rút. Nhưng như vậy chưa chắc đã là tách bạch, là tốt, bởi ở đây cần lưu ý rằng nếu CTCK vẫn sử dụng tài khoản của mình để nhận tiền khách hàng, lúc này ngân hàng có đứng ra thu cũng chỉ là thu hộ tiền.

Vấn đề nằm ở chỗ, hễ cứ có ngân hàng, dù trước sự công bố mập mờ của CTCK, nhiều người vẫn hiểu là tách bạch, đây là một rủi ro. Có bao nhiêu nhà đầu tư đủ sức để nắm rõ các quy trình của CTCK và chắc gì CTCK đã nói đúng?

Theo quan điểm của một số người, tính toán kỹ tách bạch đúng nghĩa phải là việc tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng phải được tách riêng cho ngân hàng quản lý. Còn việc CTCK để tài khoản tiền của tất cả nhà đầu tư, khách hàng thành một loại tài khoản vẫn chưa thể gọi là tách bạch.

Có chăng là CTCK tách bạch tài khoản khách hàng, với tài khoản tự doanh và các tài khoản khác của mình. Như vậy, nếu tiêu chuẩn tách bạch mở rộng ra, không khó để dự báo đến ngày 15-1-2014, các CTCK sẽ dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn này.

Lúc này tách bạch trở nên quá đơn giản, không có gì khó khăn. Còn CTCK nào đáp ứng không nổi, thì gần như CTCK đó đã “chết” và có thể bị cấm môi giới, cũng giống như khai tử một cách không chính thức.

Quan trọng là chống rủi ro

Thoạt nhìn, nếu CTCK triển khai tách bạch từng tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư cho ngân hàng quản lý, đây có thể xem như cơ chế giao dịch an toàn nhất. Nhưng thực ra, vẫn có những điểm lấn cấn, bất tiện trong cơ chế này.

Thí dụ, khi nhà đầu tư tiến hành bán ra cổ phiếu, lệnh đã khớp và nhà đầu tư tiến hành ứng tiền trực tuyến, ngay lập tức tiền sẽ về tài khoản để họ tiếp tục giao dịch. Nhưng cùng lúc đó, nếu nhà đầu tư ra ngân hàng để rút tiền của mình, chưa chắc đã được.

Lý do khá đơn giản, do CTCK phải kết nối với ngân hàng trên từng tài khoản của từng cá nhân, nên quy trình sẽ phức tạp hơn, dòng tiền được ứng trên tài khoản có thể xem như tiền ứng ảo. Dù vậy, tiền ứng ảo này nếu đem mua cổ phiếu tiếp vẫn có thể được.

Còn nếu nhà đầu tư muốn rút tiền ngay, sẽ phải thông báo cho CTCK để CTCK chủ động thực hiện các nghiệp vụ rút tiền. Một cách ngẫu nhiên, nhà đầu tư có cảm giác nộp tiền vào mua chứng khoán thì dễ, rút tiền lại khó, mặc dù biết rằng cái khó này có tác dụng bảo vệ cho mình.

Với các nhà đầu tư VIP, tất nhiên nhân viên môi giới và ngân hàng sẽ phục vụ tận tình khi có yêu cầu. Nhưng với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, có thể sự phục vụ vẫn tốt, nhưng chỉ vì rút vài triệu hoặc vài chục triệu đồng, nhiều người sẽ e ngại.

Trong khi đó, với cơ chế tài khoản khách hàng không tách bạch riêng lẻ, nhưng nhập thành một tài khoản lớn và không để các tài khoản khác xâm phạm, dường như sự linh động sẽ tốt hơn. Bởi lẽ, với một tài khoản lớn, chỉ cần khách hàng có nhu cầu rút, nếu trong tài khoản còn tiền, sẽ dễ dàng “cắt” tiền cho khách hàng.

Với cơ chế này, rủi ro vẫn có thể xuất hiện. Đơn cử, dù CTCK không thể tự tiện rút tiền ra khỏi tài khoản của khách hàng, nhưng chỉ cần CTCK tạo ra một tài khoản “ma”, sau đó dùng tiền chuyển vào đây và rút ra, sẽ rất dễ dàng.

Một người đã có nhiều năm góp phần xây dựng các cơ chế giao dịch tại CTCK cho biết tại nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng cơ chế vừa nêu, thay vì tách bạch ra từng tài khoản cho từng người. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ chế nào thì có biện pháp chống rủi ro tương ứng, có cơ chế giám sát chặt chẽ như vậy.

Những ngày qua, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã khẳng định CTCK không được phép nhận và chuyển tiền nội bộ giữa tài khoản của khách hàng, có thể xem là một biện pháp phòng chống tương đối tích cực.

Tách bạch toàn phần, hay chỉ tách bạch một phần, giải pháp nào cũng có những mặt ưu, khuyết và đây không phải là mấu chốt để bảo vệ tiền của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần nhận thấy nhiều hơn nữa những biện pháp giám sát từ các cơ quan quản lý, hoặc CTCK phải công khai các giải pháp phòng chống rủi ro.

Không thể để xuất hiện những việc kiểu như nhà đầu tư đến CTCK nào đó mở tài khoản, hỏi rằng đã tách bạch chưa? Chắc chắn câu trả lời sau đó là rồi, nhưng một thời gian sau CTCK lại mất thanh khoản. Lúc này ai sẽ lãnh trách nhiệm giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư?

Các tin khác