NỢ CÔNG VÀ KẾ HOẠCH TRẢ NỢ

An toàn nhưng cơ cấu các khoản vay

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nợ công Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, khi đến cuối năm 2014 đã lên đến 2,35 triệu tỷ đồng, tức khoảng 110 tỷ USD. Con số này có thể khiến nhiều người lo lắng, song điều quan trọng là phải xem xét số nợ phải trả hàng năm có quá 25% tổng nguồn thu ngân sách hay không. Sự minh bạch trong số liệu nợ công chính là bước giải tỏa tâm lý về nỗi lo lớn này. ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, xung quanh vấn đề này.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nợ công Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, khi đến cuối năm 2014 đã lên đến 2,35 triệu tỷ đồng, tức khoảng 110 tỷ USD. Con số này có thể khiến nhiều người lo lắng, song điều quan trọng là phải xem xét số nợ phải trả hàng năm có quá 25% tổng nguồn thu ngân sách hay không. Sự minh bạch trong số liệu nợ công chính là bước giải tỏa tâm lý về nỗi lo lớn này. ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa TS. nợ công vẫn nằm trong giới hạn an toàn theo quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Song báo cáo của WB cho biết tính đến tỷ trọng nợ công Việt Nam so với GDP từ mức 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014. Đây là tốc độ tăng khá nhanh và dự báo sẽ còn tăng trong 2015. Vậy vấn đề đáng lo ngại với nợ công nhất hiện nay là gì?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Đối với những nước đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam, vấn đề tích lũy tự thân nền kinh tế không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Đặc biệt, các nguồn thu từ ngân sách không đủ khả năng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Do đó, theo quan điểm tài chính công tích cực là chấp nhận sự bội chi ngân sách, vay nợ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề không thể tránh khỏi đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Như vậy vấn đề đặt ra với Việt Nam không phải là có vay nợ, có bội chi hay không, mà là vay nợ đầu tư mang lại hiệu quả hay không. Ngoài ra, cũng phải tính toán việc trả nợ như thế nào cho an toàn.

Dứt khoát kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép, dưới ngưỡng 65% theo quy định, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và giảm dần tỷ lệ nợ công sau năm 2017. Theo đó, Chính phủ sẽ tái cấu trúc nợ công, xem xét cơ cấu tài khóa, giảm bội chi ngân sách theo lộ trình, giảm chi thường xuyên, bảo đảm kế hoạch trả nợ; đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Các khoản vay mới sẽ chỉ tập trung cho đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu; hạn chế thấp nhất lãng phí, thất thoát, tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Vậy mức nợ vay 110 tỷ USD tương đương với gần 60% GDP có đáng lo ngại không? Để trả lời câu hỏi này trước hết phải xem lại cơ cấu nợ hiện nay như thế nào.

Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm vay chính phủ, tiếp đến là khoản vay của các chủ thể khác nhưng do Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay của chính quyền địa phương nằm trong ngân sách nhà nước phải trả. Trong 3 khoản vay này, phần quan trọng nhất hiện nay vẫn là vay của Chính phủ.

Theo đó, phần của Chính phủ đi vay là để cân đối ngân sách và cho vay lại. Trong cơ cấu các khoản vay hiện nay gồm phần vay ODA từ 3 tổ chức là WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn ODA của Nhật Bản thông qua Tổ chức JICA chiếm 85%. Những nguồn vay này là vay dài hạn, thời gian vay 20-25 năm và ân hạn khoảng 10 năm.

Đến thời điểm này, thời hạn trả nợ trung bình của ODA còn lại hơn 12 năm. Điều này cho thấy rõ các nguồn vay ODA không gây áp lực lớn đến vấn đề trả nợ những năm tới. Tuy nhiên trong những năm gần đây có một nguồn vay đa số là trung hạn, cụ thể là vay trái phiếu chính phủ dưới 5 năm, áp lực thời gian trả nợ rất nặng nề.

Hiện nay Quốc hội yêu cầu phải cơ cấu lại khoản vay trong nước là trái phiếu trên 5 năm để kéo giãn thời gian trả nợ. Quốc hội cho phép mức vay không quá 65% GDP và hiện nay tỷ lệ 60% vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Theo kế hoạch, nợ công đến năm 2017 sẽ tăng lên 65% nhưng sau đó giảm dần xuống mức 60% vào năm 2020.

Tuy nhiên vấn đề nguy hiểm của nợ công không phải xem là bao nhiêu % GDP, mà quan trọng nhất là số nợ phải trả hàng năm không được vượt quá 25% tổng nguồn thu ngân sách. Theo tính toán của Chính phủ, hiện nay số nợ phải trả hàng năm nếu không tính phần Chính phủ cho vay lại sẽ ở mức dưới 20%, còn nếu tính cả nguồn cho vay lại đang sát ngưỡng 25%.

Do đó vấn đề đặt ra là phải cơ cấu lại khoản vay trong nước, chuyển số vay ngắn hạn thành các khoản vay trên 5 năm, nhằm kéo giãn số tiền phải trả hàng năm đáo hạn không vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách. Vì vậy việc quan trọng nhất không phải là 110 tỷ USD, mà hàng năm phải trả bao nhiêu và sử dụng số tiền vay cho hiệu quả. Vay đầu tư nhưng không hiệu quả là điều đáng lo, nên cần tập trung vào chống thất thoát, đầu tư dàn trải.

- Mới đây Bộ Tài chính có kiến nghị vay 30.000 tỷ đồng từ NHNN. TS. đánh giá như thế nào về việc này?

- Việc Bộ Tài chính đề nghị vay 30.000 tỷ đồng từ NHNN không phải là khoản vay trong nợ công mà là khoản tạm ứng của ngân sách. Ngân sách nhà nước hàng năm được cân đối, nhưng dòng tiền không phải thời điểm nào cũng hợp nhau.

Thông thường cuối năm các nguồn thu mới dồn về, còn khoảng thời gian giữa năm chưa có nguồn thu, trong khi vẫn phải chi đều. Việc Bộ Tài chính xin tạm ứng ngân sách là chuyện bình thường nhiều nước trên thế giới vẫn làm.

Theo đó, Chính phủ có thể yêu cầu Ngân hàng Trung ương tạm ứng, nhưng phải cam kết tạm ứng bao nhiêu, tạm ứng để làm gì và chừng nào trả. Thông thường loại tạm ứng này phải trả trong năm. Do vậy Chính phủ cần nói rõ đây là khoản tạm ứng của ngân hàng cho ngân sách và hoàn trả trong năm tài chính, không phải là khoản vay để bù đắp thâm hụt ngân sách.

- Có ý kiến cho rằng nợ công phải bao gồm nợ doanh nghiệp nhà nước. Vậy có thể hiểu như thế nào về ý kiến này, thưa TS?

- Theo Luật Quản lý nợ công, nếu doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả thì không xem là nợ công. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy chưa doanh nghiệp nhà nước nào phá sản do không trả được nợ bởi đã được Nhà nước đứng ra lo.

Vấn đề cần làm rõ ở đây là trách nhiệm của Chính phủ - chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước - về trường hợp không trả được nợ sẽ như thế nào, có cho phá sản không và nếu không phải gánh nợ ra sao?

- Chính phủ liên tục khẳng định nợ công vẫn an toàn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chuyên gia lại cảnh báo về tình hình nợ công của Việt Nam. Tại sao lại có những quan điểm khác nhau này?

Nợ công của Việt Nam theo WB chiếm 59% GDP, nhưng đó chỉ là một vấn đề so với chỉ tiêu cần quan sát. Còn chỉ tiêu nữa là khả năng trả nợ của một quốc gia. Khả năng này phụ thuộc vào ngân sách quốc gia. Nếu nguồn thu ổn định và tăng trưởng tốt, mỗi năm trích ra để trả nợ công không phải là quan trọng. Nhưng nếu nguồn thu ngân sách không ổn định, có nhiều biến động và mức nợ công so với mức thu nhập quốc gia càng cao sẽ là nỗi lo lớn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia kinh tế

- Như tôi đã đề cập ở trên, số liệu nợ công hiện nay không phải là vấn đề an toàn hay không an toàn, mà là số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách. Tôi cho rằng nếu không sớm cơ cấu lại phần vay trong nước, phần huy động trái phiếu, những cảnh báo của các chuyên gia cần phải được xem xét nghiêm túc.

Bởi lẽ tình hình hiện tại là chúng ta vay để đảo nợ, tức phải vay để trả nợ cũ. Tình trạng này nếu không quan tâm đúng mức sẽ dễ vượt ngưỡng báo động 25% tổng thu ngân sách. Do đó phải theo dõi chặt chẽ và nhanh chóng cơ cấu lại số nợ phải trả hàng năm.

- Tại Hội thảo Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam vừa diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng vốn ưu đãi này nếu sử dụng không đúng sẽ biến thành nợ xấu. Quan điểm của TS. về vấn đề này?

- Tại hội thảo trên, nhiều chuyên gia cho rằng một số cơ quan thụ hưởng ODA ở cả Trung ương lẫn địa phương vẫn còn tồn tại nhận thức ODA là tiền cho không, là tiền chùa, coi ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, Chính phủ trả nợ... dẫn đến tình trạng đua nhau làm dự án và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả.

Thêm vào đó là cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thủ tục rườm rà, trong khi công tác chuẩn bị dự án lại rất sơ sài, không lường được những tác động đến kinh tế-xã hội đã cho làm dự án, khâu thẩm định kém. Vì vậy chúng ta phải chấm dứt hoàn toàn việc xem ODA là cái gì đó được ban phát rồi chia nhau.

Đấy sẽ là cái họa trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, cũng khẳng định, nợ công không phải từ ODA mà từ vay ngắn hạn trong nước. ODA rủi ro lớn nhất là Việt Nam là nước hướng tới xuất khẩu, xu hướng không để đồng bạc tăng giá để khuyến khích xuất khẩu, đồng nghĩa việc rủi ro về tỷ giá thấp hơn, lãi suất thấp nhưng rủi ro khi đồng tiền vay lên giá nợ sẽ tăng lên.

Ảnh minh họa: L.THANH

Ảnh minh họa: L.THANH

- Vậy làm thế nào để giải tỏa được mối lo về nợ công, thưa TS?

- Chính phủ phải thường xuyên minh bạch số nợ, vì các nước trên thế giới có đồng hồ nợ công cập nhập hàng giờ. Tiếp theo, phải minh bạch trong đầu tư để người dân biết những khoản nào sử dụng ngân sách nhà nước. Đừng để tồn tại suy nghĩ rằng Chính phủ ôm các doanh nghiệp nhà nước và trả nợ thay. Sự minh bạch này sẽ giải tỏa được về mặt tâm lý.

Phải làm sao để sự quan tâm của xã hội và các vấn đề của Nhà nước không ở 2 thái cực như việc Nhà nước nói an toàn còn các chuyên gia bảo không. Tôi cho rằng đó là cách để giải tỏa mối lo ngại này và để người dân chia sẻ với Chính phủ là việc vay nợ là cần thiết.

- Xin cảm ơn TS.

Các tin khác