8 phiên đấu thầu vàng: Kinh doanh hay bình ổn?

Hôm qua 17-4, NHNN tổ chức phiên đấu thầu thứ 8 với tổng khối lượng trúng thầu đạt 39.700 lượng/40.000 lượng chào thầu. Tính từ cuối tháng 3-2013 đến nay, tổng khối lượng trúng thầu là 223.600 lượng (tương đương 8,6 tấn vàng) trên tổng số 262.000 lượng chào thầu. Tuy nhiên, sau 8 phiên, mục tiêu quản lý và bình ổn thị trường vàng của NHNN đang lộ rõ nhiều bất ổn khi giá vàng trong nước chênh lệch so với giá vàng thế giới  giãn ra đến 5-6 triệu đồng/lượng, đồng thời giá tham chiếu luôn cao hơn giá thế giới, có lúc cao hơn giá thị trường trong nước.

Hôm qua 17-4, NHNN tổ chức phiên đấu thầu thứ 8 với tổng khối lượng trúng thầu đạt 39.700 lượng/40.000 lượng chào thầu. Tính từ cuối tháng 3-2013 đến nay, tổng khối lượng trúng thầu là 223.600 lượng (tương đương 8,6 tấn vàng) trên tổng số 262.000 lượng chào thầu. Tuy nhiên, sau 8 phiên, mục tiêu quản lý và bình ổn thị trường vàng của NHNN đang lộ rõ nhiều bất ổn khi giá vàng trong nước chênh lệch so với giá vàng thế giới  giãn ra đến 5-6 triệu đồng/lượng, đồng thời giá tham chiếu luôn cao hơn giá thế giới, có lúc cao hơn giá thị trường trong nước.

Lộ dần những bất ổn

Ngoài chức năng quản lý thị trường vàng với tư cách là ngân hàng trung ương, NHNN tham gia thị trường vàng với vai trò kiến tạo và mua bán cuối cùng, trong đó mục tiêu trước hết là chính sách, nhằm định hướng dẫn dắt thị trường, NHNN không đặt mục tiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, qua 8 phiên đấu thầu vàng có thể thấy cần phải xem lại mục tiêu trên. Đầu năm 2013, NHNN mua 11 tấn vàng (từ việc cho phép các NHTM tạm xuất vàng phi SJC, nhập vàng nguyên liệu) với giá trung bình 41 triệu đồng/lượng.

Với giá mua này, vấn đề đặt ra là giá bán ra của NHNN trong đấu thầu vàng như thế nào? Nhìn vào bảng thống kê những phiên đấu thầu vừa qua, có thể thấy 6 phiên đầu NHNN đã lời vì giá trúng thầu luôn cao hơn 41 triệu đồng/lượng, bình quân ở mức 42-43 triệu đồng/lượng.

Phiên thứ 7 do giá vàng thế giới biến động giảm quá mạnh, mức giá đưa ra trong đấu thầu là 38,8 triệu đồng/lượng, NHNN biết trước sẽ lỗ nên chỉ cung ra 26.000 lượng, bằng 40-50% những phiên trước. Do số lượng đấu thầu thấp đã đẩy giá thị trường vàng trong nước lên.

Cụ thể, ngày 16-4 vàng trong nước biến động rất mạnh, sau khi rớt xuống theo giá thế giới đã vọt tăng trở lại sau phiên đấu thầu.

Bước sang phiên thứ 8 (hôm qua 17-4), NHNN cung ra 40.000 lượng với giá tham chiếu 40,2 triệu đồng/lượng. Vì giá vàng thế giới đang thấp nên việc NHNN bán với mức giá này đã tạo chênh lệch khá cao so với giá thế giới, nhưng vẫn thấp hơn giá 41 triệu đồng mà NHNN nhập vàng về.

Tuy nhiên, việc lời 6 phiên trước đó, có thể bù lỗ cho phiên thứ 7 và thứ 8. Tính đến hôm qua, so với giá vàng các doanh nghiệp mua vào từ thị trường, mức giá sàn đấu thầu của phiên thứ 8 cao hơn khoảng 500.000 đồng/lượng.

Còn so với giá vàng quốc tế quy đổi tính theo giá USD tự do (chưa bao gồm các chi phí liên quan), giá vàng trong nước ngày 17-4 cao hơn trên 6 triệu đồng/lượng. Như vậy, việc đấu thầu vàng của NHNN liệu có tiếp tay cho giới đầu cơ?

Qua 8 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã bán 8,6 tấn vàng. Dựa trên số vàng 11 tấn vàng NHNN nhập về, còn lại trong kho 2,4 tấn vàng, NHNN sẽ bán vàng với mức giá nào? NHNN không thể để đấu thầu vàng bị lỗ vì sẽ liên quan trách nhiệm lấy vốn nhà nước kinh doanh gây thất thoát.

Có thể số vàng còn lại NHNN sẽ tiến hành đấu thầu trong 3 tuần hoặc 1 tháng. Giả sử, khi đó giá vàng thế giới tiếp tục giảm chỉ còn 30 triệu đồng/lượng, dù NHNN cộng thêm 3-4 triệu đồng chênh lệch bán ra với giá 34 triệu đồng/lượng vẫn lỗ. Kịch bản này liệu có xảy ra?

Nếu NHNN đưa giá đấu thầu vàng cao, bằng cách đẩy lỗ ra thị trường và khi tạo ra chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ phá vỡ mục tiêu quản lý và bình ổn thị trường vàng của chính mình.

Kịch bản “hậu” 11 tấn vàng và hệ lụy

Một vấn đề thị trường đang quan tâm là sau khi NHNN bán hết 11 tấn vàng trên, điều gì xảy ra cho thị trường vàng? Vẫn biết 11 tấn vàng tạm xuất tái nhập, tức vàng trong nước đem đi xuất sau đó nhập về nên không ảnh hưởng đến kho ngoại tệ. Còn nếu muốn mua vàng nữa để đấu thầu, NHNN phải xuất ngoại tệ.

Kịch bản thứ nhất: NHNN tiếp tục mua vàng ở nước ngoài về để đấu thầu trong nước, nếu lỗ sẽ làm thất thoát ngoại tệ dự trữ của quốc gia, trong khi NHNN còn có vai trò là ngân hàng trung ương, quản lý ngoại tệ.

Kịch bản thứ 2: NHNN buông thị trường vàng, bất chấp giá vàng trong nước biến động ra sao. Điều này sẽ tiếp tay cho những đơn vị, công ty kinh doanh vàng đã mua vàng đấu thầu có cơ hội đầu cơ.

Nếu kịch bản này sẽ sớm xảy ra khi những tấn vàng còn lại trong 11 tấn vơi đi sau mỗi phiên đấu giá, phiên gần cuối cùng dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ lớn.

Một bất ổn nữa là trước nay lượng xuất, nhập khẩu vàng đều có báo cáo hàng tháng, hàng quý của Cục Thống kê và Hải quan, trong khi lượng vàng nhập về của NHNN lại không công bố. Như vậy có thể có một nhóm người sở hữu thông tin này kiếm lợi.

Người dân đăng ký ngồi chờ mua vàng tại SJC. Ảnh: LONG THANH

Người dân đăng ký ngồi chờ mua vàng tại SJC. Ảnh: LONG THANH

Nhiều quan điểm cho rằng, với chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cao như hiện nay, NHNN đã thực hiện được mục tiêu không khuyến khích người dân mua vàng. Thực tế không quốc gia nào khuyến khích người dân mua vàng. Nhưng khi NHNN đã tạo ra một thị trường vàng công khai, người dân có quyền mua và NHNN không thể tạo ra sự bất ổn của thị trường khiến người mua vàng bị thiệt.

Hơn nữa, để tình trạng chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước quá cao như hiện nay, đã dẫn đến hệ lụy nhập lậu vàng, gây bất ổn tỷ giá và thị trường tiền tệ. Giả sử sau thời hạn ngày 30-6, các NHTM đã tất toán được trạng thái dư nợ vàng, thị trường có thể mất đi một lực cầu là các NHTM, nhưng không ai đảm bảo lực cầu trong nước giảm sút.

Vì người dân có quyền mua vàng và chính người dân mua vàng có thể tạo ra lực cầu vàng lớn. Ngay như thời điểm này, nếu NHNN để các NHTM tự mua bán cân trạng thái với tài khoản vàng ở nước ngoài để thực hiện tất toán, các NHTM lời rất lớn cả về lãi suất tiền đồng lẫn giá vàng, không bị lỗ như vừa qua.

Điều này cho thấy NHNN đã không tạo ra sự nhất quán trong quản lý thị trường vàng, khiến NHTM bị lỗ, thay vì NHNN có thể dựa vào tiềm lực tài chính và quản trị rủi ro của từng NHTM để cho họ được phép chuyển đổi trong hạn mức quy định. Giả sử NHNN đấu thầu vàng trong thời điểm giá thế giới tăng, NHNN đấu thầu thành công, không lỗ, nhưng “sự thành công” ấy không phải do chính sách tạo ra, mà là do giá thế giới tăng.

Giải pháp nào cho thị trường?

Từ những vấn đề trên cho thấy, mục tiêu quản lý thị trường vàng của NHNN đã sai định hướng, bởi việc đấu thầu vàng không giúp bình ổn thị trường và kéo giảm chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. NHNN có thể quản lý thị trường vàng theo giải pháp khác. Cụ thể, thị trường vàng hiện nay có NHTM và các công ty kinh doanh vàng.

Thông tin cho rằng NHNN đưa ra giá thầu cao, các công ty, NHTM mua vàng sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện các công ty, NHTM kinh doanh vàng bị lỗ, bởi họ luôn có một lượng vàng tồn kho. Họ mua được 1.000 lượng vàng của NHNN, lập tức bán ngay cho hệ thống, bởi mua bán giữa NHNN và các đơn vị này không giao vàng vật chất mà bút toán, cấn trừ. Vì vậy, khi giá vàng thế giới rớt, các đơn vị không lỗ, nếu có là giá trị hàng tồn kho bị giảm theo giá vàng thế giới. 

Các NHTM chịu quy định của NHNN về trạng thái vàng không quá 2% trên vốn tự có, nếu mua vàng nhiều phải tất toán bán vàng ra bằng cách bán cho NHNN hoặc cho các công ty kinh doanh vàng. Thường các NHTM và các công ty kinh doanh vàng có mối quan hệ thân thiết với nhau, nên việc các NHTM dư vàng đem bán cho NHNN tất toán trạng thái ngoại tệ gần như không xảy ra.

Do vậy, NHNN không thể mua vàng từ các NHTM, bởi khi có trạng thái vàng trong ngày vượt quá 2% họ sẽ đẩy phần vượt đó qua 1 công ty kinh doanh vàng của họ. Hơn nữa, giữa NHTM và công ty kinh doanh vàng có mối quan hệ cấp tín dụng. Từ nguồn vốn cấp tín dụng của các NHTM, các công ty kinh doanh vàng sẽ tích trữ vàng tồn kho để đầu cơ. Đây là lực mua lớn nhất trên thị trường vàng.

Từ vấn đề trên cho thấy NHNN muốn quản thị trường, chống tình trạng đầu cơ gây lũng đoạn thị trường cần phải cản lực cầu tích trữ hàng tồn kho của các công ty kinh doanh vàng, bằng cách quản lý chặt việc cấp tín dụng từ các NHTM vào các công ty này.

Đã đến lúc NHNN thay vì chú trọng quá nhiều vào kinh doanh vàng qua những phiên đấu thầu, cần có chính sách quản dòng vốn tín dụng đổ vào đầu cơ vàng. Trước đây, NHNN đã từng siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và vừa qua cũng đã siết với cho vay vàng ở các NHTM. Nhưng vẫn còn tình trạng cho vay tiền đồng để mua vàng, cho vay tiền đồng cầm cố bằng vàng.

Do vậy, tạo kẽ hở cho các NHTM huy động vàng của dân lãi suất âm thông qua giữ hộ và triển khai cho vay tiền đồng cầm cố sổ vàng để kiếm lợi nhuận lớn.

Các tin khác