36 năm gắn bó Côn Đảo

Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bây giờ đẹp lắm. Các di tích “địa ngục trần gian” từng thấm máu xương bao anh linh liệt sĩ một thời được tôn tạo; cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kết nối đất liền bằng đường thủy, hàng không. Các chuyến bay đến và đi từ Côn Đảo luôn chật ních người. Côn Đảo đang trở thành một điểm du lịch sinh thái và lịch sử hấp dẫn. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người, nhiều thế hệ đã không tiếc công sức vun bồi để có diện mạo Côn Đảo hôm nay; trong đó phải kể đến ông LÊ VĂN KHÁNG (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thủy sản - Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex).

Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bây giờ đẹp lắm. Các di tích “địa ngục trần gian” từng thấm máu xương bao anh linh liệt sĩ một thời được tôn tạo; cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kết nối đất liền bằng đường thủy, hàng không. Các chuyến bay đến và đi từ Côn Đảo luôn chật ních người. Côn Đảo đang trở thành một điểm du lịch sinh thái và lịch sử hấp dẫn. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người, nhiều thế hệ đã không tiếc công sức vun bồi để có diện mạo Côn Đảo hôm nay; trong đó phải kể đến ông LÊ VĂN KHÁNG (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thủy sản - Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex).

Khởi điểm bằng không

Lê Văn Kháng (Hai Kháng) năm nay đã ngoài 60 nhưng vóc dáng còn tráng kiện, phong thái rất mạnh mẽ. Có lẽ nắng và gió Côn Đảo đã hun đúc làm con người trở nên rắn rỏi hơn để thích nghi môi trường sống.

Trong câu chuyện về Côn Đảo, tôi muốn tìm hiểu ở thì hiện tại và dự phóng tương lai về hòn đảo ngọc này nhưng anh cứ dẫn dắt câu chuyện về quá khứ. Phải chăng phải nhìn vào quá khứ mới hiểu hết chuyện hiện tại, tương lai?

 

Hai Kháng kể, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố là chiến sĩ tham gia trận Tầm Vu thời đánh Pháp, tuổi thơ sống trong cơ cực vì gia đình ở vùng tạm chiếm. Năm 1967, anh vào bộ đội. Đến năm 1975 anh được chuyển sang ngành công an, đã tham gia tiếp quản, bảo vệ Côn Đảo.

- Côn Đảo lúc đó hiện nguyên hình đúng nghĩa là địa ngục trần gian. Khi tiếp quản các trại tù, chúng tôi chứng kiến tận mắt những người tù chính trị bị đày đọa như thế nào. Người còn sống thì như những chiếc xác khô, người đã khuất bị vùi dập tại nghĩa trang Hàng Dương, cứ sau mỗi đợt gió chướng, xương cốt của họ lại lộ ra trên mặt đất…

Thấy mà không kìm được nước mắt. Có hai vạn anh hùng liệt sĩ vì công cuộc giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do đã vĩnh viễn nằm tại Côn Đảo. Vì thế từ khi ấy tôi đã nguyện với lòng mình phải mang hết tâm sức để góp sức xây dựng Côn Đảo, đền đáp một phần sự hy sinh của các anh linh đã ngã xuống! - Anh Hai Kháng tâm sự.

- Cơ duyên nào khiến anh chuyển ngành, làm kinh tế?

- Lúc ấy cả nước còn khó khăn lắm, ngân sách còn phải dành lo ăn cho viên chức, cho dân nói gì đến chuyện đầu tư. Với phương châm “tự cứu trước khi trời cứu” và khi ấy cũng là lúc cả nước đang thực hiện xóa bỏ cơ chế bao cấp nên Coimex được thành lập (1986) trên cơ sở hợp nhất Công ty Vận tải và Khai thác hải sản Côn Đảo với Công ty Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Côn Đảo. Tôi được cử làm giám đốc và phải tự tạo lập vốn liếng để làm ăn theo cơ chế thị trường theo hướng tự cân đối, tự trang trải… - Anh Kháng kể.

Và Coimex ra đời là như thế: Một quyết định thành lập, không vốn, không có văn phòng. “Trụ sở” làm việc lúc đó là một cái bàn đá đặt nhờ dưới gốc cây tại một đơn vị bạn ở số 51 đường Ba Cu, thành phố Vũng Tàu. Sau một tháng mới thuê được nhà dân làm trụ sở và phải thuê như thế đến 5 năm.

Để có vốn hoạt động, anh Kháng và một số anh em khác phải thế chấp nhà riêng vay vốn. Anh Năm Ẩn, Trưởng phòng Tổ chức công ty lúc ấy, kể: Bước ngoặt và vận may đến với công ty lúc ấy là dịp Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đã đến Côn Đảo thị sát tình hình thực tế.

Sau khi xem xét tình hình khai thác hải sản ở đây, Phó Chủ tịch Võ Văn Kiệt đã chỉ thị Bộ Thủy sản giúp Coimex xin 2 tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang mỗi nơi một tàu đánh cá và yêu cầu đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cấp thêm cho công ty 1 tàu đánh cá. Đến khi nhận được tàu thì thấy toàn tàu cũ nát!

Từ tài sản ban đầu như vậy nhưng đến nay công ty đã có đoàn tàu 26 chiếc với trang thiết bị thông tin, ngư cụ đảm bảo hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển. Và sau 10 năm (1990-2000), cạy cục tích cóp làm ăn, vừa giúp Côn Đảo phát triển cơ sở hạ tầng (từ tiền thuế được Nhà nước cho phép để lại đầu tư), Coimex đã đưa vốn tự có tăng gấp 10 lần, nộp ngân sách cho huyện với số tiền 180 tỷ đồng.

10 năm sau đó (2000-2009) mặc dù tình hình kinh tế không thuận lợi nhưng đơn vị vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã tiếp tục nộp ngân sách cho huyện đảo với số tiền 604 tỷ đồng, đã góp phần tích cực “lột xác” huyện đảo.

Biến không thành có

Không phương tiện làm ăn thì đành “bó tay” nhưng có phương tiện lại thấy khó thêm. Và lúc này Hai Kháng thật sự trở thành người thuyền trưởng lèo lái con thuyền Coimex vượt qua sóng gió. Để tàu không nằm bờ, anh cùng cộng sự đã dũng cảm vay vốn ngân hàng bằng thế chấp tài sản cá nhân để sửa chữa, nâng cấp phương tiện đánh bắt, trang bị vật tư, ngư cụ, thực phẩm… ra khơi.

Nghề đánh bắt hải sản khơi xa như chim trời cá nước làm sao để quản lý hiệu quả là bài toán khó tiếp tục đặt ra. Cơ chế sản xuất kinh doanh lúc ấy còn chưa rõ ràng, gò bó doanh nghiệp. Sau thời gian dài trăn trở, Hai Kháng đã dũng cảm thực hiện cơ chế ăn chia thỏa đáng giữa công ty và người lao động: Mỗi chuyến đánh bắt, sau khi trừ chi phí, tổng số lãi được chia đôi. Công ty một nửa, tàu đánh bắt một nửa. Ngoài ra nếu vượt mức lãi quy định, tàu đánh bắt còn được thưởng thêm 10% phần lãi vượt.

Nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Coimex. 

Nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Coimex. 

Cách làm này mặc dù công ty không thu được lợi nhuận cao, đột biến nhưng đã khai thác hiệu quả đội tàu đánh cá. Sau mỗi chuyến đi biển thủy thủ đều có khoản thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống gia đình, yên tâm gắn bó với công ty. Vì vậy trong suốt thời gian dài đội tàu không xảy ra hành vi trộm cắp, gian lận sản lượng hoặc sang mạn, bán cá cho thương lái ngoài khơi trước khi đưa tàu cập cảng.

Đội tàu Coimex không chỉ đánh bắt hải sản biển khơi mà còn được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên biển, đã kết hợp với lực lượng biên phòng tuần tra, bắt giữ 74 tàu thuyền và 474 thủy thủ người nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển của Tổ quốc.

Với các thành tích trên, Coimex đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III, Bộ Công an tặng 4 cờ luân lưu về thành tích dẫn đầu phong trào quần chúng Bảo vệ An ninh Tổ quốc, UBND tỉnh tặng bằng khen 5 năm về thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ biên giới hải đảo.

Quá trình gầy dựng thương hiệu Coimex trải qua lắm nỗi truân chuyên. Nói về sự lớn mạnh của Coimex, nhiều cán bộ, nhân viên tâm sự với tôi đã không giấu niềm tự tạo của mình: Từ một đơn vị chỉ có 60 người (trong đó chỉ có 2 trình độ đại học) đến nay tổng số CBCNV đã lên đến 600 người, làm việc tại nhiều đơn vị trực thuộc ở nhiều địa phương khác nhau, đủ sức gánh vác các nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn cao.

Sản lượng ban đầu từ 3.000 tấn nay tăng lên 12.500 tấn/năm và kim ngạch xuất khẩu từ 3,9 triệu USD đã tăng lên 40 triệu USD/năm, lọt vào top 10 doanh nghiệp cả nước có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường EU.

Một bước ngoặt khác đến với công ty là vào năm 2007 Coimex thực hiện chủ trương cổ phần hóa, hình thành loại hình doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó đông đảo người lao động tại đơn vị thực sự có vai trò làm chủ.

Do biết phát huy động lực sáng tạo của đội ngũ quản lý, sản xuất gắn với thu nhập, quyền lợi người lao động nên chỉ sau 3 năm cổ phần hóa Coimex đã đưa vốn điều lệ từ 36 tỷ đồng tăng lên 80 tỷ đồng, cổ tức chia cho cổ đông trung bình 20-30%/năm. Lương bình quân người lao động từ 980.000 đồng/tháng (năm 2000) nay lên đến gần 4 triệu đồng/người, thuộc loại cao nhất trong các doanh nghiệp chế biến hải sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Biến khó thành dễ

Nghề khai thác, chế biến hải sản luôn phải đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt và thị trường bất định. Mặt khác tình hình đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn hơn: giá xăng dầu tăng cao, ngư trường ngày càng xa, thời gian đánh bắt dài, khó cải thiện thu nhập người lao động…

Là người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm chăm lo đời sống với hàng trăm con người đã từng chia sẻ, sống chết với mình, Hai Kháng mạnh dạn tìm hướng đi mới, không để đơn vị thụt lùi. Và anh đã quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển từ đầu tư khai thác hải sản sang sản xuất, chế biến sản phẩm surimi (chả cá) xuất khẩu.

36 năm gắn bó Côn Đảo ảnh 3Để công ty phát triển căn cơ, tôi luôn đồng hành với ngư dân. Có đặt bản thân mình vào vị trí của họ mới hiểu được sự gian khó, thua thiệt trong nghề cá. Vì vậy tôi chủ trương cam kết đảm bảo thu mua hết sản lượng với giá cả hợp lý trước khi ngư dân ra khơi để tạo niềm tin, an tâm sản xuất. Coimex luôn thanh toán kịp thời để ngư dân tiếp tục chuyến khai thác mới. Nhờ vậy công ty luôn có đủ nguyên liệu để sản xuất với sản lượng ngày càng tăng trong khi các đơn vị bạn đói nguyên liệu, sản xuất bấp bênh.36 năm gắn bó Côn Đảo ảnh 4

Ông LÊ VĂN KHÁNG,
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Coimex

Surimi và sản phẩm mô phỏng từ chả cá là loại thức ăn nhanh được nhiều quốc gia châu Á và phương Tây sử dụng thông dụng, được chế biến thành nhiều mẫu mã đa dạng, đẹp mắt như càng cua, con tôm, cá viên, bánh bao… Sản xuất mặt hàng này vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào là cá biển loại thường do ngư dân đánh bắt được tiêu thụ không hết, nhiều khi phơi khô, làm phân bón… vừa giúp ngư dân tiêu thụ hết sản lượng đánh bắt, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Nhà máy chế biến surimi đầu tiên của Việt Nam ra đời do Coimex đầu tư với công nghệ của Hàn Quốc. Nhà máy đã tiêu thụ hàng trăm tấn cá thải loại mỗi ngày ở Bà Rịa - Vũng Tàu với giá thu mua cao gấp 10 lần so với trước. Từ khách hàng ban đầu là Hàn Quốc, Singapore rồi đến các nước châu Âu.

Đơn đặt hàng ngày càng tăng, Coimex cho ra đời một nhà máy chế biến nữa với thiết bị hiện đại hơn, dây chuyền chế biến khép kín đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, 100% sản phẩm được đối tác nước ngoài bao tiêu.

Từ việc ổn định chất lượng sản phẩm và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm của Coimex không những giữ chân được khách hàng cũ mà còn mở rộng thêm khách hàng mới như Nga, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ… Với số lượng đặt hàng ngày càng tăng, năm 2007 công ty đã nâng công suất nhà máy từ 6.000 tấn/năm lên 9.600 tấn/năm vẫn không đủ sản phẩm giao hàng.

Năm 2008 công ty lại đầu tư thêm một nhà máy mới công suất 10.000 tấn/năm và sau đó đã liên doanh với CTCP Thủy sản Kiên Giang và CTCP Thủy sản Cửu Long, thành lập thêm 2 nhà máy chế biến sản phẩm surimi chất lượng cao tại Kiên Giang và Trà Vinh.

Với những quyết định táo bạo nêu trên, kim ngạch xuất khẩu Coimex không ngừng tăng mạnh: Năm 2007 đạt 13 triệu USD; năm 2008 đạt 40 triệu USD, trở thành đơn vị đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU.

- Từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 đến nay nhiều đơn vị chế biến thủy sản điêu đứng, nhiều đơn vị đã phá sản, còn Coimex chống đỡ ra sao? - Tôi hỏi.

- Tôi dự đoán suy thoái kinh tế sẽ xảy ra, sẽ tác động mạnh đến sản xuất, xuất khẩu. Vì vậy công ty đã kịp thời chuyển hướng phù hợp: không mua hàng tích lũy nhiều như trước nên không có hàng tồn kho. Các khách hàng nước ngoài cũng gặp khó, buộc phải mua hàng ít lại, mua giá thấp.

Để vừa sản xuất vừa duy trì thị trường, Coimex đã điều chỉnh chất lượng, quy cách và giá cả phù hợp, hỗ trợ khách hàng bằng cách bán chịu hàng hóa… nên đơn vị vẫn duy trì khách hàng cũ và còn mở rộng thêm thị phần tiềm năng mới. - Tổng giám đốc Lê Văn Kháng cho biết.

Nhờ chọn hướng đi đúng và mặt hàng mũi nhọn đặc thù, Coimex đã vượt thoát khủng hoảng thành công, tiếp tục phát triển. Điều này đã thể hiện bản lĩnh của người cầm lái biết thích nghi với tình thế khi mưa thuận gió hòa cũng như lúc phong ba bão táp. Anh Hai Kháng cho biết hiện nay nhu cầu surimi vẫn rất lớn. Thế mạnh của surimi Việt Nam là ta có thể giao hàng quanh năm do nguồn lợi thủy sản nước ta mùa nào cũng có.

Với bản lĩnh và kinh nghiệm người thuyền trưởng 20 năm sản xuất và kinh doanh mặt hàng surimi, Hai Kháng luôn đặt ra mục tiêu hoạt động của công ty là sản xuất năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011, công ty phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu trên 40 triệu USD, tăng 10% so với năm trước; tăng 200% sản phẩm surimi mô phỏng, mở rộng thị trường tiêu thụ sang khu vực Bắc Mỹ và Liên bang Nga để bù đắp sản lượng giảm tại thị trường châu Á.

…Côn Đảo mùa này buổi chiều thường có những cơn mưa giông dữ dội. Gió lớn và biển động vỗ ì ầm như thách thức phận người nhỏ bé. Tôi được nghe câu chuyện “người cầm lái” Lê Văn Kháng mà lòng thấy trĩu nặng. Trước phong ba bão táp nơi đầu sóng ngọn gió chốn đảo xa, anh đã nặng lòng gắn bó như máu thịt với đảo suốt 36 năm. Và cũng đã 25 năm ròng anh không chùn bước, đã lèo lái “con thuyền” Coimex luôn rẽ sóng tiến về phía trước, cập bến an toàn…

 Từ một doanh nghiệp nhỏ, Coimex hiện nay đã vươn lên có quy mô hoạt động toàn quốc, chiếm thị phần xuất khẩu lớn tại nhiều quốc gia, khẳng định thương hiệu mạnh tầm quốc gia. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Lê Văn Kháng đã vinh dự nhận được các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng I, II, III; 10 lần chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cơ sở, 2 lần CSTĐ cấp tỉnh và CSTĐ toàn quốc; 4 lần đạt danh hiệu doanh nhân tiêu biểu; Cúp vàng Giám đốc tài năng năm 2009; Cúp vàng lãnh đạo xuất sắc năm 2010…

Các tin khác