230.000 tỷ đồng hàng sẵn sàng phục vụ Tết

(ĐTTCO) – Hơn 230.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết đã được các DN, các điểm bình ổn giá chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều siêu thị cũng cam kết bán hàng hết giao thừa, cũng như mở cửa sớm vào mùng 2 Tết để đảm bảo hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.

(ĐTTCO) – Hơn 230.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết đã được các DN, các điểm bình ổn giá chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều siêu thị cũng cam kết bán hàng hết giao thừa, cũng như mở cửa sớm vào mùng 2 Tết để đảm bảo hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.

 

Ôg Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đã cho biết thêm về công tác chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên Đán.

Phóng viên: - Để bảo đảm chuẩn bị tốt các điều kiện cho người dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, điều hành, nhằm bình ổn thị trường dịp Tết. Tính đến thời điểm này, việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, nhất là công tác chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Võ Văn Quyền: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, DN chuẩn bị tốt nguồn hàng, tổ chức các chương trình, phương án phục vụ Tết, các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa….

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ  đạo, trong tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ NNPTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu trong dịp Tết, phối hợp với một số Bộ, ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, NHNN) tổ chức đoàn làm việc tại 1 số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Cà Mau, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Gia Lai về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và triển khai chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm của các địa phương.

Qua làm việc trực tiếp chúng tôi thấy các địa phương và DN đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, trong đó trọng tâm là việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường.

Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ trong các tháng cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán, trong đó có 40 địa phương thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

- Được biết, năm nay Chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng Tết được xã hội hóa do các DN tự nguyện tham gia. Xin ông cho biết rõ hơn về việc này?

- Theo xu hướng của những năm gần đây, năm nay nhiều địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách mà làm theo phương thức kết nối các tổ chức tín dụng với DN có nhu cầu tham gia Chương trình hoặc DN tự nguyện tham gia không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách.

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, DN, hộ kinh doanh chuẩn bị trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Đồng thời các DN cũng chuẩn bị các hoạt động khuyến mại, đẩy mạnh tiêu thụ dịp trước Tết và không để tồn nhiều hàng sau Tết.

Theo báo cáo đánh giá sơ bộ, lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10-15% so với Tết năm trước.

Với sức mua dự báo không tăng quá cao và sự chuẩn bị về nguồn hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo của các địa phương nếu không có vấn đề bất thường, nguồn cung hàng hóa này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đảm bảo các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

- Công tác tổ chức hệ thống phân phối, điều tiết giữa các vùng, miền, tăng cường kết nối cung cầu, bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó có việc tổ chức đưa các chuyến hàng lưu động phục vụ nhân dân tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với nhiều địa phương tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng phục vụ Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn.

Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua gần 8.600 chợ, hơn 750 siêu thị và khoảng 150 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, các chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt...

Ví dụ như: Hà Nội tổ chức 9 trung tâm bán hàng lưu động ở các huyện ngoại thành, triển khai 370 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn, vùng núi; TP.HCM tổ chức 339 chuyến bán hàng lưu động đến khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất), một số địa phương hỗ trợ kinh phí vận chuyển để đưa hàng Tết, hàng Việt ra các huyện đảo, miền núi, vùng nông thôn... tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp dân cư tiếp cận nguồn hàng bảo đảm chất lượng với giá cả phù hợp.

Trước đó, trong dịp cuối năm 2015, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 03 Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM thu hút gần 1.000 DN tham gia, đã có 129 bản ghi nhớ và hợp đồng được ký kết giữa các nhà sản xuất hàng công nghiệp nông thôn, hàng nông sản và các loại hàng hóa tiêu dùng khác với các doanh nghiệp phân phối lớn có uy tín như: CoopMart, Vinmart, Hapro, Fivimart, Satra, Big C, Lotte Mart, AEON, Công ty du lịch Hòa Bình...

Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các thành phố lớn tổ chức các Hội nghị phổ biến mô hình chuỗi cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu kết nối đưa các sản phẩm thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối của các DN phân phối lớn nêu trên.

- Bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung, cũng như chất lượng sản phẩm, công tác kiểm soát giá cả trong dịp Tết năm nay được Bộ Công Thương triển khai như thế nào, thưa ông?

- Nhằm bình ổn thị trường dịp cận Tết và giám sát chất lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát chất lượng, giá bán hàng hóa tại các hội chợ…

Bên cạnh đó, nhằm giảm áp lực cho thị trường những ngày cận Tết, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương và DN tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn theo hướng nghỉ Tết muộn, nhiều siêu thị đã cam kết sẽ phục vụ đến tối ngày 29 Tết (do năm nay tháng Chạp không có ngày 30) và mở cửa sớm vào mùng 2 Tết. Một số DN bố trí điểm bán hàng không nghỉ Tết nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.

-Cảm ơn ông!

Các tin khác