2013 Khắc phục khiếm khuyết thị trường bất động sản

Những giải pháp quyết liệt để giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) của Chính phủ vào cuối năm 2012 cho thấy quyết tâm phá băng thị trường, kích hoạt đồng vốn luân chuyển phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để có một thị trường BĐS phát triển lành mạnh, vừa đưa được nhà ở đến tay người dân là một bài toán khó. Trao đổi với ĐTTC xoay quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định:

Những giải pháp quyết liệt để giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) của Chính phủ vào cuối năm 2012 cho thấy quyết tâm phá băng thị trường, kích hoạt đồng vốn luân chuyển phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để có một thị trường BĐS phát triển lành mạnh, vừa đưa được nhà ở đến tay người dân là một bài toán khó. Trao đổi với ĐTTC xoay quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định:

Quyết liệt tháo gỡ ách tắc

Năm 2012, thị trường BĐS tiếp tục khó khăn, giá nhà ở sụt giảm ở tất cả phân khúc thị trường, lượng giao dịch không có chuyển biến. Tồn kho BĐS lớn dẫn đến tồn kho các loại vật liệu xây dựng và sản phẩm có liên quan khác tăng cao.

Một số không nhỏ doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, những khó khăn của thị trường BĐS trong vài năm qua và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của lĩnh vực BĐS đối với kinh tế - xã hội đất nước, từ đó đề ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thị trường này phát triển ổn định và lành mạnh.

Các chủ thể tham gia quản lý và phát triển thị trường BĐS, từ các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, các tổ chức tín dụng cũng đã xác định được vai trò và trách nhiệm của mình đối với tình hình thị trường BĐS hiện nay, để xem xét có những điều chỉnh từ chính sách đến việc quản lý điều hành theo hướng phù hợp hơn.

PHÓNG VIÊN: - Một trong những nhiệm vụ cấp bách đã được Quốc hội giao phó là khôi phục lại thị trường BĐS trong năm 2013, trong đó Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chính. Xin Bộ trưởng cho biết những định hướng chính về vấn đề này?

Bộ trưởng TRỊNH ĐÌNH DŨNG: - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải theo hướng khắc phục sự lệch pha về cung cầu của thị trường và đặc biệt, phải gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia để vừa đảm bảo trước mắt, vừa lâu dài.

Đồng thời đạt nhiều mục tiêu cả về kinh tế và xã hội như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nghèo có nhà ở, thúc đẩy các ngành sản xuất như xây dựng, thép, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất.... phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc hướng thị trường BĐS vào các sản phẩm nhà ở còn góp phần tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước, hạn chế nhập siêu, giúp giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp.

Thay đổi cung cách quản lý, điều hành

- Nhiều người lo ngại khi thị trường khởi sắc, giá nhà sẽ tiếp tục leo thang. Làm thế nào để cân bằng được việc phát triển của thị trường BĐS và mục tiêu đưa giá nhà ở về sát với khả năng chi trả của người dân, thưa Bộ trưởng?

- Tháo gỡ khó khăn để thị trường BĐS phát triển ổn định không có nghĩa là làm cho giá cả BĐS tăng lên, phát triển BĐS theo phong trào. Mọi người đã thấy tác hại của giá cả BĐS tăng liên tục, cũng như hệ lụy của tình trạng đóng băng của thị trường BĐS trong thời gian qua.

Vì vậy, cung cách quản lý mới là để thị trường BĐS phát triển, vừa tuân thủ quy luật cung - cầu nhưng phải bảo đảm mục tiêu định hướng của Nhà nước. Nguồn cung và giá cả hàng hóa BĐS, nhất là BĐS nhà ở, phải cân đối với cầu và khả năng thanh toán của xã hội.

Vai trò của Nhà nước ở đây là tác động bằng cơ chế, chính sách để sản phẩm nhà ở cho những đối tượng có thu nhập thấp được phát triển phù hợp với nhu cầu của xã hội qua từng giai đoạn vì nhà ở xã hội không hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường mà cần có sự hỗ trợ, điều tiết của Nhà nước. Đó cũng là mục tiêu để thị trường BĐS phát triển một cách cân đối và phù hợp. 

- Tồn kho BĐS là một vấn đề lớn đang rất được quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch. Điều này sẽ được Bộ Xây dựng triển khai với lộ trình như thế nào trong thời gian tới?

- Việc chia nhỏ các căn hộ có diện tích lớn thành các căn hộ có diện tích nhỏ là một trong những giải pháp điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu mà Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ và đang chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện, tạo điều kiện giải phóng lượng căn hộ có diện tích lớn, đang tồn kho, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân hiện nay.

Nguyên tắc điều chỉnh là tùy điều kiện của từng dự án, từng khu vực cụ thể mà cho phép điều chỉnh diện tích căn hộ nhưng phải bảo đảm an toàn cho công trình, thuận tiện cho người sử dụng và không tăng diện tích sàn nhà ở của dự án.

Bộ Xây dựng cũng đang sửa đổi Quy chuẩn xây dựng nhà ở để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện thuận lợi giải pháp này. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt và không phải loại căn hộ nào cũng chia nhỏ được, mà phải xem xét một cách thận trọng để đảm bảo hiệu quả sử dụng.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS

1. Nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với thị trường BĐS, bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

2. Nhóm giải pháp điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu, thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án cần tạm dừng, các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, chuyển đổi mục đích cho phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng thanh toán của thị trường.

3. Nhóm giải pháp về tín dụng và giải quyết nợ xấu, kết hợp giữa xử lý nợ xấu với giải quyết khó khăn, kích thích thị trường BĐS, hình thành gói tín dụng trung và dài hạn cho người mua nhà với lãi suất thấp để hỗ trợ đầu ra cho thị trường BĐS.

4. Nhóm giải pháp về chính sách tài khóa và thuế cho phép miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở có diện tích nhỏ, giá bán bình dân. Các địa phương có tồn kho sản phẩm BĐS lớn, không thực hiện đầu tư từ ngân sách để đầu tư nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội mà dùng vốn đầu tư đã có trong kế hoạch để mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ.

5. Nhóm giải pháp về tái cơ cấu doanh nghiệp BĐS theo hướng điều chỉnh hoạt động kinh doanh, điều chỉnh giá bán, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, tạo niềm tin với khách hàng.

6. Nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính về thẩm định, phê duyệt quy hoạch và đầu tư, điều chỉnh cơ cấu dự án và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, ổn định tâm lý, lấy lại niềm tin cho thị trường

Các tin khác