Yêu cầu đồng tiến

Bên cạnh đó, còn nhằm hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả.

Thực tế phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL thời gian qua đã khẳng định liên kết vùng là cần thiết nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương trong vùng, đồng thời không làm triệt tiêu sức mạnh của nhau.

Bên cạnh đó, còn nhằm hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả.

Thời gian qua, hoạt động liên kết song phương giữa các tỉnh, thành với nhau, kể cả các nhóm liên kết đa phương theo lĩnh vực như du lịch, tiêu thụ nông sản… đã diễn ra sôi động trên nhiều lĩnh vực hợp tác, tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh và đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của toàn vùng.

Song, liên kết vùng bị vướng do chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng, một mô hình chỉ đạo, điều phối phù hợp nên việc hợp tác chủ yếu dựa vào mối quan hệ tốt đẹp, sự cam kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý, hiệu quả chưa tốt.

Từ thực tế này, tại hội nghị thảo luận quy chế liên kết vùng ĐBSCL tổ chức hôm qua 17-7 tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh liên kết vùng là nội dung không mới, nhưng để thực hiện vẫn thiếu những quy định cụ thể, đầy đủ, hoàn thiện.

Với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng một cách bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu xuất phát từ thực tiễn của địa phương, ngành để kiến nghị, thảo luận những cơ chế cùng thực hiện.

Theo đó, cần phân tích, làm rõ những hạn chế gắn với liên kết vùng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phân tích nguyên nhân cụ thể, từ đó khẳng định vai trò của liên kết vùng ĐBSCL, cũng như làm rõ phạm vi, nội dung, một số cơ chế, chính sách để thực hiện liên kết, cơ chế triển khai cụ thể…

Trước đó, tại hội nghị về liên kết vùng ĐBSCL tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đã khẳng định liên kết vùng tại khu vực ĐBSCL giai đoạn 2013-2020 không chỉ hạn chế cạnh tranh không lành mạnh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực sẵn có, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng đồng bộ và hiệu quả.

Theo đó, hình thức liên kết sẽ được triển khai theo 2 hướng là liên kết bắt buộc và liên kết tự nguyện theo phương thức liên kết nội vùng, bao gồm các địa phương như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ liên kết với nhau; liên kết ngoài vùng bao gồm toàn vùng ĐBSCL liên kết với TPHCM, Đông Nam bộ, vùng Tây nguyên và các vùng khác trong cả nước.

Về hình thức liên kết bắt buộc, sẽ tập trung vào các lĩnh vực như lập quy hoạch và thực hiện các đề án, dự án theo từng lĩnh vực liên kết phù hợp với quy định, ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác. Đầu tư xây dựng cơ bản như hạ tầng giao thông, liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, môi trường…

Liên kết tự nguyện sẽ tạo liên kết thị trường thống nhất từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho các mặt hàng lúa gạo, nông sản và thủy hải sản. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng, tạo thành một hệ thống thông tin nhanh, kịp thời, chính xác. Kết nối các địa phương hợp tác khai thác những tiềm năng về du lịch, dịch vụ.

Về cơ chế hỗ trợ, hàng năm ngân sách Trung ương dành tối thiểu 30% tổng mức vốn hỗ trợ có mục tiêu cho vùng ĐBSCL làm nguồn vốn Hỗ trợ các dự án liên kết vùng. Những dự án liên kết vùng được xem xét quyết định đầu tư, được ưu tiên bố trí hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương đến 80% tổng vốn đầu tư từ các nguồn: ngân sách hàng năm, trái phiếu chính phủ, hỗ trợ phát triển chính thức, tín dụng ưu đãi của Nhà nước…

Những dự án liên kết vùng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư tối thiểu 25% tổng mức vốn của dự án đã được phê duyệt.

Mặc dù không dễ để có ngay một bộ quy chế hoàn thiện, nhưng qua các hội nghị trên, kỳ vọng việc liên kết vùng ĐBSCL sẽ dần thực hiện từng bước, hoặc nghiên cứu thực hiện thí điểm, chọn địa bàn để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế chính sách.

Và một cơ chế pháp lý, trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan là điều kiện quan trọng để tăng cường liên kết vùng ĐBSCL hiện nay.

Các tin khác