Xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia: Kim ngạch thương mại 6,5 tỷ USD vào 2015

Ngày 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ hai tại thủ đô Phnôm Pênh Vương quốc Campuchia. Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành và hơn 500 doanh nghiệp hai nước.

Ngày 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ hai tại thủ đô Phnôm Pênh Vương quốc Campuchia. Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành và hơn 500 doanh nghiệp hai nước. 

Thương mại 2 nước tăng trưởng cao

Trong những năm qua, quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, hai bên đã ký hơn 60 văn kiện pháp lý về hợp tác song phương trên hầu hết các lĩnh vực và hình thành các cơ chế hợp tác cần thiết, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển của hai nước. 

Xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia: Kim ngạch thương mại 6,5 tỷ USD vào 2015 ảnh 1 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Samdech Hun Sen ký
lưu niệm trong lễ khánh thành CTCK CVS. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ đó, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng nhanh chóng, kim ngạch song phương tăng đều hàng năm. Cụ thể năm 2006 đạt 950 triệu USD, năm 2007 đạt 1,18 tỷ USD, năm 2008 đạt 1,65 tỷ USD, năm 2009 đạt 1,33 tỷ USD, năm 2010 đạt hơn 1,8 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, từ tháng 12-2009 đến tháng 4-2011, số dự án được chứng nhận đầu tư sang Campuchia tăng từ 57 dự án lên 87 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ USD. Campuchia hiện đứng thứ 2/55 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Và Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nhiều nhất vào Campuchia. 

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực trọng điểm như viễn thông, hàng không, nông nghiệp, trồng cao su, năng lượng, thủy điện, khai khoáng, ngân hàng... Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, đạt được những kết quả tốt, có những đóng góp bước đầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội Campuchia. Hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo ra trên 6.000 việc làm ổn định cho người dân Campuchia.

Trong số những doanh nghiệp đi đầu trong việc khai phá, đầu tư vào thị trường Campuchia, đã thành công, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Campuchia có mạng di động Metfone của Tập đoàn Viễn thông Viettel. Ngoài Metfone, nhiều dự án đầu tư lớn đã và đang triển khai tại Campuchia như thủy điện Hạ Sesan 2, Sesan 1 và Sesan 5 của CTCP EVN quốc tế; dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnôm Pênh; dự án trồng 10.000ha cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai…

Với 316.000 lượt khách Việt Nam đi du lịch Campuchia trong năm 2009, thị trường khách du lịch từ Việt Nam đã vượt qua thị trường khách Hàn Quốc, dẫn đầu lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia. Trong năm 2010, tăng trưởng du lịch từ thị trường khách Việt Nam tại Campuchia tăng hơn 18%, với hơn 460.000 lượt khách.

Với ưu đãi thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu vào thị trường EU, Hoa Kỳ, ngành may mặc của Campuchia đang có tăng trưởng cao vơi hơn 24% trong năm 2010. Chính phủ Campuchia hy vọng đây sẽ là thuận lợi để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư, sản xuất hàng dệt may xuất khẩu từ Campuchia.

Nâng tầm hợp tác, đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước kể từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần thứ 1 diễn ra tại TPHCM vào cuối năm 2009. Đây là cơ sở để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ hai phía. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 2 có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đây sẽ là kênh trao đổi thường xuyên của hai bên với cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động tại Campuchia không chỉ vì lợi nhuận mà phải quan tâm tới công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Chính phủ Campuchia quan tâm, tháo gỡ những khó khăn để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư hơn nữa. 

Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của hội nghị, bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào việc củng cố tình hữu nghị truyền thống, hợp tác song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước, hai dân tộc. Dù Việt Nam đang thiếu điện nhưng Việt Nam vẫn ưu tiên bán điện cho Campuchia. Với tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2010, Campuchia đang có một sức bật về phát triển kinh tế. Chính phủ Campuchia rất quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng, cải tổ thủ tục hành chính, pháp lý…

Các lĩnh vực xây dựng, điện, khai khoáng, du lịch đang chờ nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Con đường kinh tế Campuchia đang đi rất giống con đường kinh tế Việt Nam đã đi. Đây sẽ là thuận lợi tốt để doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn vào thị trường Campuchia.

Hai nước cũng thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đến năm 2015 sẽ nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 6,5 tỷ USD.

Trong khuôn khổ hội nghị,  đã có 7 thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các bộ ngành, doanh nghiệp 2 nước, với tổng trị giá gần 1 tỷ USD. Trước đó, Thủ tướng hai nước đã cắt băng khai trương hoạt động CTCK Việt Nam - Campuchia (CVS). CVS có vốn điều lệ 10 triệu USD, là công ty chứng khoán duy nhất của Việt Nam được Ủy ban Chứng khoán Campuchia cấp phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ chứng khoán tại Campuchia.

Các tin khác