Xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi thế gì từ Cách mạng 4.0?

(ĐTTCO)- Dù thách thức từ cách mạng 4.0 là không nhỏ nhưng nếu các doanh nghiệp xuất khẩu biết tận dụng lợi thế sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, di truyền…đã và đang tạo ra các nhà máy thông minh, nhà máy số… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức cũng như thời cơ từ cuộc cách mạng này mang lại.

Thách thức không nhỏ

Tại Hội thảo với chủ đề “Cách mạng Công nghiệp 4.0 – những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam” do Cục Xuất nhập khẩu, Báo Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp với Diễn đàn Kinh tế tư nhân tổ chức ngày 18/8 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, đại diện các DN xuất khẩu đều cho rằng, mặc dù thách thức của cách mạng 4.0 là rất lớn, nhưng nếu biết chọn đúng thời cơ và tận dụng một cách linh hoạt, DN xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những thành công vượt bậc, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT chỉ rõ, công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm xuất khẩu, nhất là khi các công đoạn của DN được ứng dụng công nghệ tự động hóa, giảm thiểu số lượng nhân công lao động. Bên cạnh đó, việc cá nhân hóa của con người sẽ giám sát và thay đổi quy trình công nghệ tự động hóa, các DN sẽ không còn muốn tận dụng lợi thế về nhân công giá rẻ.

“Trong tương lai, nguồn nguyên liệu sẽ không được “cắt gọt” mà sẽ được “ép” để trở thành vật dụng, điều này làm thay đổi cơ bản về ý thức sử dụng nguồn nguyên liệu của các DN xuất khẩu hiện nay. Sản phẩm được tạo ra hoàn toàn dựa trên những nhu cầu của từng khách hàng và năng lực tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau trên cùng 1 dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm xuất khẩu có vượt qua được biên giới hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thay đổi của mỗi DN”, ông Việt cho biết.

Quan ngại hơn với khả năng tiếp cận cách mạng 4.0, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm - hoạt động trong lĩnh vực dệt may cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt giữa các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng.

“Hiện nay, ở một số ngành thời trang yêu cầu mẫu mã và chất lượng cao nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã sử dụng hệ thống robot để thiết kế và sản xuất sản phẩm thay cho con người”, ông Trịnh nhận định.

Ở một góc nhìn khác khi nhìn nhận tác động của cách mạng 4.0, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, các DN xuất khẩu đang đứng trước thách thức về công nghệ thông tin khi tiếp cận cuộc cách mạng này. Vì thế, rủi ro công nghệ của các DN sẽ tăng lên. Bên cạnh đó là những thách thức liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kĩ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ, xu hướng sản phẩm mới… đó là chưa kể đến lĩnh vực pháp lý trong quy trình xuất khẩu cũng đòi hỏi ở mức cao hơn.

Điều đặc biệt quan trọng theo ông Cấn Văn Lực là việc đầu tư công nghệ của các DN. Khả năng tài chính của DN có đáp ứng được nhu cầu tiếp cận công nghệ mới hay không? DN sẽ đầu tư ở mức nào là phù hợp để không lãng phí, vừa mang lại hiệu quả lại không thay đổi cấp độ quá nhiều, đây mới chính là vấn đề các DN cần cân nhắc.

“Các DN xuất khẩu cũng cần phải thay đổi nhận thức và cách thích ứng với cách thức lựa chọn của khách hàng. Mặt khác, nếu các cơ quan quản lý chậm vào cuộc trước làn sóng của cuộc cách mạng này sẽ gây ra những cản trở nhất định đối với các DN trong chiến lược thực thi cách mạng 4.0”, ông Lực lưu ý.

Cơ hội lớn đang mở ra…

Đứng trước những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện các DN xuất khẩu nhận định, cần phải có bước chuẩn bị về tâm thế cũng như đầu tư về nguồn lực tài chính và nhân sự chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của xu hướng xuất khẩu mới.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà chỉ rõ, cách mạng 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính lặp đi lặp lại để thay thế hoàn toàn bằng máy móc. Như vậy, đây là thời cơ để các DN có thể tiếp cận nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc.

“Các DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận hoặc thay đổi vượt bậc về công nghệ khai thác, sản xuất và chế biến sản phẩm nếu biết tận dụng tri thức của nhân loại để phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh sẵn có của Việt Nam. Đồng thời, cách mạng 4.0 cũng sẽ tạo ra cơ cấu công nghiệp và thương mại một cách hợp lý và phù hợp với thị trường nhất”, ông Tân chỉ rõ.

Làm rõ hơn về những cơ hội cho DN xuất khẩu, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, cách mạng 4.0 sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí hoạt động và quản lý, vì theo khảo sát, những chi phí này có thể giảm từ 30 – 70%. Bên cạnh đó, DN có cơ hội tiếp cận các thị trường mới, doanh nghiệp bạn hàng mới để từ đó thiết kế ra những sản phẩm dịch vụ mới.

“Cách mạng 4.0 sẽ giúp cho DN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đặc biệt là thông qua những việc cải tiến quy trình, cải tiến sản phẩm dịch vụ và nâng cao năng suất lao động – đây là những vấn đề đang còn yếu tồn tại ở các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lực nhận định và cho rằng, các DN có thể kết nối và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong khu vực và toàn cầu ở mức độ tốt hơn. Đặc biệt, DN có cơ hội tham gia những chuỗi giá trị với hàm lượng công nghệ cao hơn.

Đưa ra những hành động cụ thể trong việc triển khai tiếp cận cách mạng 4.0 cho các DN thuộc lĩnh vực xuất khẩu, ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang tiến hành đánh giá, xem xét và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong định hướng phát triển và điều chỉnh chính sách phát triển của ngành trong bối cảnh của cách mạng 4.0.

Bộ Công Thương đề xuất, đưa ra các nội dung nghiên cứu, hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 đối với các DN. Đây là  một trong những nội dung ưu tiên nằm trong Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hòa cho biết.

Các tin khác