Xuất khẩu điện thoại: Những vấn đề đặt ra

Tuy mới xuất hiện từ vài ba năm nay, nhưng mặt hàng xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã vượt lên đứng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng với tốc độ rất cao, ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 của mặt hàng này có thể đạt tới 20 tỷ USD.

Tuy mới xuất hiện từ vài ba năm nay, nhưng mặt hàng xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã vượt lên đứng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng với tốc độ rất cao, ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 của mặt hàng này có thể đạt tới 20 tỷ USD.

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này tăng 198,4%, năm 2012 tăng 98,8% và cao gấp trên 5,5 lần năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2013 tăng 97%. Đó là tốc độ tăng cao hơn nhiều so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Quy mô xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, nếu năm 2010 mới đứng thứ 8 thì 6 tháng đầu năm 2013 đã vượt qua dệt may lên đứng thứ nhất, vượt xa so với mặt hàng đứng thứ hai và vị trí này sẽ được duy trì trong một thời gian khá dài.

Theo ước tính chuyên gia, khả năng kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện cả năm 2013 có thể vượt qua mốc 20 tỷ USD. Lần đầu tiên Việt Nam có mặt hàng đạt quy mô này và năm 2013 cũng là năm đầu tiên có một mặt hàng đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cả năm 2003.

Không chỉ góp phần làm tăng quy mô và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện còn có xuất siêu lớn và tăng lên nhanh (năm 2010 là 812 triệu USD, năm 2011 là 3.676 triệu USD, năm 2012 là 7.675 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2013 là 6.091 triệu USD). Nhờ vậy, mặt hàng này đã góp phần quan trọng vào việc giảm nhanh mức nhập siêu của cả nước.

Thị trường xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện cũng có một số điểm đáng lưu ý. Trong 5 tháng đầu năm 2013, đã có 27 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện sản xuất tại Việt Nam với kim ngạch tương đối lớn, trong đó có 22 thị trường đạt trên 100 triệu USD, trong đó có những thị trường mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu lớn. Điều đó chứng tỏ, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện sản xuất tại Việt Nam đã có trình độ kỹ thuật- công nghệ cao, có sức cạnh tranh lớn, sức lan toả rộng… Trong số các thị trường này, có 9 thị trường mới qua 5 tháng đã đạt trên 300 triệu USD.

Nhờ xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện mà Bắc Ninh ngay trong 5 tháng đầu năm đã đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 9.141 triệu USD, vượt lên đứng thứ hai trong các địa bàn của cả nước (chỉ sau TPHCM đạt 12.037 triệu USD), vượt xa các địa bàn đứng thứ ba là Bình Dương đạt 5.504 triệu USD, đứng thứ tư là Đồng Nai đạt 4.269 triệu USD, đứng thứ năm là Hà Nội đạt 3.893 triệu USD…).

Ngoài trình độ kỹ thuật- công nghệ, đóng góp vốn, đóng góp xuất khẩu, tổ hợp Sam Sung ở Bắc Ninh đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 27 nghìn lao động (dự kiến sau khi dự án SEV3 hoàn thành sẽ thu hút thêm khoảng 8 nghìn lao động nữa), với mức thu nhập khá cao. Đóng góp ngân sách năm 2012 (trong thời gian còn có nhiều khoản ưu đãi) của dự án trên đạt khoảng 1584 tỷ USD, tương đương với khoảng 79,24 triệu USD).

Bên cạnh những kết quả được coi là ngoạn mục như trên thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu điện thoại cũng đặt ra một số vấn đề. Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện (chủ yếu là linh kiện) qua các năm còn lớn và cũng tăng nhanh (năm 2010 là gần 1,5 tỷ USD, năm 2011 là trên 2,72 tỷ USD, năm 2012 là trên 5,04 tỷ USD, 6 tháng 2013 là gần 3,82 tỷ USD). Do đó, các doanh nghiệp vệ tinh của Việt Nam cần vươn lên để đáp ứng, vừa tận dụng sự lan toả của dự án, nâng cao trình độ kỹ thuật-công nghệ, vừa giảm nhập khẩu, vừa giải quyết công ăn việc làm…

Một vấn đề khác là cần có sự đồng thuận đối với việc thu hút các dự án FDI nói chung và dự án sản xuất điện thoại nói riêng, cả về việc ưu đãi, cả về tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI.

Vấn đề đặt ra là khu vực kinh tế trong nước cần có sự hỗ trợ lớn hơn, vượt lên để có thị phần nhiều hơn chứ không “lùi” quá lớn về tỷ trọng (hiện chỉ còn 1/3).

Các tin khác