Xử lý trách nhiệm tại 12 dự án nợ 55.000 tỷ đồng

(ĐTTCO)-Ngày 29-4, Bộ Công thương đã công bố thông tin kết quả kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý các tồn tại, bất cập tại 12 dự án lớn thuộc ngành công thương.
Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình
Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình
Đây là 12 dự án lớn thuộc ngành công thương nhưng chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kết quả xác định, trong số 12 dự án trên, tới thời điểm hiện nay có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (gồm dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam); có 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là: 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. 
Trong tổng số vốn vay thì vốn vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng (trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam - VDB là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng).
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31-12-2016 là 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng.
Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.
Giải pháp mà Ban chỉ đạo nêu ra là yêu cầu trong năm 2017, các chủ đầu tư dự án phải giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc với các nhà thầu tại các hợp đồng EPC.  Thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân hàng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc thị trường, chia sẻ rủi ro kinh doanh giữa các chủ đầu tư với các ngân hàng và tổ chức tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư dự án phải tăng cường công tác quản lý và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp để giảm lỗ và tiến tới có lãi trong tương lai. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả tại các dự án.
Ngoài ra, các bộ ngành liên quan cần sớm triển khai thực hiện các giải pháp để tạo thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua các cơ chế chính sách thúc đẩy lộ trình nhiên liệu sinh học, nghiên cứu khả năng áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với một số sản phẩm nhập khẩu (như phân bón, thép), sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 theo hướng cho phép áp thuế VAT đối với các sản phẩm phân bón... và đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các dự án.
Trước đó, để rà soát, đánh giá toàn diện các khó khăn vướng mắc đối với những dự án thua lỗ, kém hiệu quả và đưa ra các giải pháp xử lý, giảm thiểu thiệt hại, ngày 30-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Trong quá trình kiểm tra, không chỉ dừng lại ở 5 dự án bước đầu được báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Ban chỉ đạo đã xác định 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để xem xét, đánh giá gồm: 

(1) Nhóm 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai

(2) Nhóm 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học: Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước. 

(3) Nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên

(4) Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex)

(5) Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)

(6) Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Các tin khác